Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam là một thôn nữ họ Đỗ quê ở Thái Bình, bà là ai?


Bà Đào Thị Hoan thân mẫu Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam năm 544 triều Lý Nam Dế dấu tích tại Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Theo các giai thoại dân gian lưu truyền ở vùng Thái Bình và ghi chép trong một số thần tích, ngọc phả thì người vợ đầu tiên của Lý Nam Đế là Đỗ Thị Khương, quê ở trang An Để hay còn gọi là hương Màn Để (nay là xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Theo truyền tích, ở trang An Để có gia đình ông Đỗ Công Cần và bà Đào Thị Hoan làm thuốc chữa bệnh, ăn ở nhân đức, hiền hậu.

Hai vợ chồng tuổi đã cao mà vẫn chưa có con nên thường đi cầu khẩn nhiều nơi. Một lần, sau khi đi lễ chùa Hương Tích về, bà Đào Thị Hoan nằm mộng thấy một cụ già tướng mạo phúc hậu đến trao cho một chiếc gương tứ diện. Sau đó, bà thụ thai và sinh hạ một người con gái đặt tên là Đỗ Thị Khương, thường gọi là Khương Nương.

Từ nhỏ nàng Khương đã thông minh, sáng dạ, chăm chỉ, ngoan ngoãn, cha mẹ rất yêu quý; đến tuổi trưởng thành ngày càng xinh đẹp, năm 16 tuổi nổi tiếng nhan sắc tuyệt trần, má phấn, môi son, mắt phượng, mày ngài..., tiếng đồn nức tiếng khắp vùng. 

Một buổi Lý Bí cưỡi ngựa đi trên cánh đồng, bỗng như thấy rực ánh hào quang và nghe tiếng người từ xa vọng lại. Thúc ngựa đi tới, ông nhận ra một người con gái vừa cắt cỏ vừa hát:  Tay cầm bán nguyệt giật vào; Muôn ngàn hoa thảo biết vào tay ai. Yêu cảnh mến người, Lý Bí liền mang lễ vật đến hỏi Đỗ Thị Khương về làm vợ, phong làm Đệ nhất phu nhân.

Có thuyết khác kể rằng, một hôm trên đường đi về một đồn trại ở Tây Để (nay là Hữu Lộc thuộc xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Lý Bí bỗng thấy một ánh hào quang dưới cánh đồng sau đồn trại. 

Thấy lạ, ông sai vệ sĩ đến xem sự thể thế nào, thì chỉ thấy một cô gái xinh đẹp đang cắt cỏ, be bờ giữ nước mới nói rằng: Cô gái kia, sao chủ tướng ta tới đây mà cô không đến làm lễ cho đúng đạo trên dưới.

Cô gái ấy chính là Đỗ Thị Khương, nghiêm nét mặt chỉ tay xuống bờ ruộng mà nói: Tôi còn đang bận diệt giặc cỏ, be bờ để giữ nước, các anh không thấy sao? 

Nghe chuyện, Lý Bí rất ngạc nhiên, liền tự mình đến chỗ nàng Khương đang làm ruộng, cất tiếng hỏi: Nàng đang làm gì mà trên tay cầm gì vậy? Nàng Khương nhẹ nhàng đáp lại bằng lời nói thánh thót như thơ: Tay cầm bán nguyệt thênh thanh. Em đang giữ nước sửa sang cõi bờ. Trở về, Lý Bí cho người sắm sửa lễ vật để cầu hôn cô gái xinh đẹp, nết na, chăm chỉ và thông minh ấy.

Trở thành vợ của Lý Bí, Đỗ Thị Khương đã giúp chồng rất nhiều trong việc chiêu binh mãi mã, xây dựng đồn lũy, lập căn cứ chống quân Lương. 

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Lý Bí đã cho người đón Đỗ Thị Khương về Long Biên phong làm hoàng hậu hiệu là Linh Nhân và bà chính là hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử các triều đại phong kiến ở nước ta. Ở trong cung được 4 năm thì cha lâm bệnh mất, hoàng hậu Đỗ Thị Khương xin vua được về quê chịu tang.

Tang lễ vừa xong, thì thân mẫu hoàng hậu là bà Đào Thị Hoan, vì tuổi già, lại đau buồn trước cái chết của chồng nên cũng lâm bệnh nặng, chẳng bao lâu cũng qua đời. 

Đau buồn khi mất cha, mất mẹ, hoàng hậu Đỗ Thị Khương viết biểu tâu vua cho phép ở lại quê chịu tang cha mẹ và được chấp thuận. Trong khi hoàng hậu đang ở quê nhà chịu tang thì việc nước lại gặp cơn sóng gió. Quân Lương do tướng Trần Bá Tiên cầm đầu kéo sang đánh báo thù nhằm tái lập ách đô hộ ở nước ta.

Thế giặc rất mạnh, sau nhiều trận kịch chiến, quân ta yếu thế hơn nên vào cuối năm 546, Lý Nam Đế rút về động Khuất Lão rồi ủy thác việc chống giặc cho tướng quân Triệu Quang Phục. Gần 2 năm sau, vua nhiễm cảm mạo, rồi mất vào ngày 9-3-548. 

Nghe tin chồng mất, hoàng hậu Đỗ Thị Khương đau đớn, kêu khóc thảm thiết. Mặc cho giặc giã, hoàng hậu quyết định tự mình đi tới động Khuất Lão viếng mộ chồng. Ngày 16-2-549, bà đến  động Khuất Lão rồi cùng các bô lão, dân chúng trong vùng dâng hương làm lễ.

Truyền rằng khi lễ vừa xong thì trời đất đổi màu, mây đen phủ kín, gió thổi mạnh, sấm chớp vang trời. Sau khoảnh khắc đó, mây tan trời tạnh thì hoàng hậu đã biến mất, còn bên cạnh phần mộ của Lý Nam Đế lại có thêm một gò đống lớn, ai nấy đều kinh sợ, biết rằng hoàng hậu đã “hóa”.

Lời bàn:

Theo truyền thuyết còn lưu đến ngày nay thì Lý Nam Đế sinh ra đã mang bản mệnh đế vương, chỉ tiếc rằng ông không gặp vận nên Nhà nước Vạn Xuân không thể trường tồn.

Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận Lý Nam Đế là người Việt đầu tiên trong lịch sử dân tộc đã xưng đế, đặt nhiều nền móng xây dựng chính quyền và quản lý đất nước, với sự nghiệp huy hoàng lưu dấu đến ngàn năm. 

Vì thế, trong sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” có đoạn viết về ông như sau: Nam Đế nhà Lý dù không địch nổi quân Lương, việc lớn tuy không thành nhưng đã biết nhân thời cơ mà vùng dậy, tự làm chủ nước mình, đủ để tạo thanh thế và mở đường cho nhà Đinh, nhà Lý sau này. Việc làm của Lý Nam Đế há chẳng phải là hay lắm đó sao!

Chỉ với bấy nhiêu chữ cũng đã đủ để hậu thế ngàn đời phải tôn vinh. Và điều đáng trân trọng nữa là trong sự nghiệp của Lý Bí, có sự đóng góp không nhỏ của bà hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam là Đỗ Thị Khương. 

Ghi nhớ ơn đức của bà, các triều đại phong kiến về sau đều ban sắc phong là Phúc Thần Thượng Đẳng để tri ân người phụ nữ đã giúp chồng dựng xây Nhà nước Vạn Xuân độc lập trong lịch sử.

ND (Báo Bình Phước)

Bài viết mới
Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam là một thôn nữ họ Đỗ quê ở Thái Bình, bà là ai?