Ai là tổng công trình sư bãi cọc Bạch Đằng năm 938?


Ai là tổng công trình sư bãi cọc Bạch Đằng năm 938?

(GDVN) - Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là kết quả và đỉnh cao của truyền thống đấu tranh kiên cường, bền bỉ của các thế hệ người Việt, chấm dứt hơn 1000 năm Bắc thuộc.

Sáng 10/11, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hải Phòng phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân họ Đào tổ chức Hội thảo khoa học: Danh tướng Đào Nhuận trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938.

Dự Hội thảo có Giáo sư sử học Lê Văn Lan; Giáo sư – Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học và Lịch sử Hà Nội.

Cùng dự còn có ông Dương Ngọc Tuấn, Ủy viên Thành ủy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.

Trình bày tại Hội thảo, Tiến sĩ Đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng đã đánh giá: “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 còn mở ra thời kỳ lịch sử mới cho vùng đất Hải Phòng.

Quang cảnh buổi Hội Thảo.

Sử sách đã ghi lại và nhiều tham luận đã đề cập khá sâu về sự đóng góp to lớn của nhân dân Hải Phòng, trong đó, có chàng thanh niên họ Đào và Nguyễn Tất Tố người làng Da Viên.

Đào Nhuận, vốn gốc người Thủy Đường (Thủy Nguyên), cùng cha làm nghề đánh cá. Bấy giờ, thường có giặc biển vào cướp phá, dân làng Da Viên mời thày võ về dạy cho trai tráng.

Đào Nhuận là người có sức khoẻ, tinh thông võ nghệ. Nguyễn Tất Tố cùng cha làm nghề thuyền câu, có tài bơi lặn, giỏi võ.

Cả hai tự nguyện đầu quân, được Ngô Vương tin dùng.

Đào Nhuận được giao chỉ huy quân lính và nhân dân lên rừng đẵn cây làm cọc, tham gia mai phục bên bờ sông.

Nguyễn Tất Tố chỉ huy 20 thuyền nhẹ ra cửa biển nhử địch vượt qua bãi cọc.

Sau khi đánh bại quân xâm lược, Đào Nhuận, Nguyễn Tất Tố cùng 30 lính Thần tử cùng dân làng Da Viên đã được Ngô vương ban thưởng và miễn thuế khoá, binh lương.

Buổi hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học có uy tín.

Từ đó, triều Ngô thực hiện chính sách khuyến khích dân chúng các nơi ra vùng cửa sông Bạch Đằng, sông Cấm để khai phá, vừa mở mang đồng đất, vừa tạo lực lượng tại chỗ bảo vệ vùng “phên dậu” Đông - Bắc của kinh thành Thăng Long.

Nhờ chủ trương đó, mà các triều đại sau vẫn nối tiếp, vùng đất Hải Phòng tiến dần ra biển, dân cư ngày càng đông đúc, hình thành những cộng đồng làng xã, mang đậm văn hóa miền bể.

Hiện nay, bên dòng Bạch Đằng lịch sử, nhiều công trình kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng được xây dựng cũng chính là để ghi lại dấu ấn lịch sử và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.

Ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ thành phố Hải Phòng đã đánh giá cao buổi hội thảo.

Đánh giá tầm quan trọng của Hội thảo, ông Dương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng đã nhấn mạnh:

“Hội thảo khoa học: “Danh tướng Đào Nhuận trong chiến thắng Bạch Đằng năm 938”, đây là hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của danh tướng Đào Nhuận góp phần vào thắng lợi của trận đánh Bạch Đằng lịch sử năm 938 của Đức Vương Ngô Quyền.

Qua đó, thể hiện niềm tự hào, đồng thời giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước với thế hệ trẻ dòng họ Đào nói riêng, các dòng họ nói chung cũng như nhân dân thành phố Cảng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng Bạch Đằng năm 938; vai trò và đóng góp của danh tướng Đào Nhuận trong chiến thắng Bạch Đằng; tình cảm, sự tri ân của nhân dân Hải Phòng với danh tướng Đào Nhuận.

Đặc biệt, tại hội thảo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Giáo sư Lê Văn Lan… đã nhất trí với hướng nghiên cứu Danh tướng Đào Nhuận là Tổng Công trình sư của Bãi cọc Bạch Đằng.

Trần Phương

Bài viết gốc https://giaoduc.net.vn/ai-la-tong-cong-trinh-su-bai-coc-bach-dang-nam-938-post204262.gd

Bài viết mới
Ai là tổng công trình sư bãi cọc Bạch Đằng năm 938?