Khu lăng mộ bà Bổi Lạng
-----o0o-----
Thứ nhất cô Đỏ Thanh Hoa,
Thứ nhì Bối Lạng, thứ ba Thạch Sùng.
Khi nói đến người giầu có nhất thời Lê - Trịnh, dân gian thường nhắc đến ba người: Cô Đỏ Thanh Hoa, Bổi Lạng và Thạch Sùng. Vậy ba nhân vật trên là người ở đâu, làm giầu bằng cách gì và hành trạng của họ ra sao ? Trước hết, ở đây, chúng ta hãy tìm hiểu về Bổi Lạng.
Theo truyền thuyết dân gian, thì Bổi Lạng giầu vào hàng thứ hai đất nước thời Lê Trịnh, giàu đến mức chúa Trịnh đương thời cũng phải ngạc nhiên. Một hôm chúa dẫn quân sĩ xuống tận Bình Lãng, nôm gọi là làng Lạng, thuộc huyện Tứ Kỳ, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương là quê hương của Bổi Lạng để xem sự thật ra sao. Đoàn tuỳ tùng khá đông, lại còn quan quân của trấn, phủ hộ tống, tính ra đến ngót nghìn người. Bổi Lạng cả mừng, thấy mình chỉ là một kẻ giầu thôn quê mà được Chúa hạ cố đến thăm thật là hân hạnh. Bà tiếp chúa thật ân cần và trọng thị; dẫn Chúa đi thăm gia cảnh và những công trình do bà công đức xây dựng, đến đâu cũng thấy ruộng vườn tươi tốt, nông phu làm lụng cần mẫn, thóc lúa đầy kho, trâu bò, lợn gà, dê chó nhiều vô kể, quan quân đều thán phục, thật xứng đáng là người giầu có vào bậc nhất xứ Đông, lời đồn quả thật không ngoa. Bà có nhã ý xin Chúa cho bà được phép khao toàn bộ quân sĩ tuỳ tùng 3 ngày để tỏ lòng biết ơn Chúa. Chúa Trịnh nhận lời. Bà liền hạ lệnh cho gia nhân làm cỗ thật thịnh soạn và dặn trước, quan quân ăn xong không phải rửa bát đĩa, mọi người có thể đập phá tùy thích để mua vui. Suốt ba ngày ăn uống linh đình, mỗi bữa vài trăm mâm, bát đĩa đập phá nghe cứ như pháo rền, quan quân Chúa Trịnh bái phục, tuy ở chốn kinh kỳ, mang tiếng phồn hoa đô hội mà chưa thấy ai làm được như thế.
Tương truyền, khi bà qua đời, người ta dựng rạp che nắng từ nhà ra đến lăng mộ, trên lợp toàn bánh đa, xong việc phát hết cho trẻ con cả làng.
Để giải thích về sự giầu có của Bổi Lạng, dân gian thật nhiều huyền thoại, nhưng qua văn bia tại lăng của bà chúng ta có thể biết tiểu sử nhân vật đặc biệt này.
Phía nam làng Bình Lãng, giữa cánh đồng có một lăng cổ, cảnh quan tiêu sơ, khuôn viên chừng 300m2. Lăng xây bằng đá khối, hình tháp, cao tới 5-6m, phía trước còn thạch sàng, bên phải có tấm bia hình long đình khá lớn. Trán có dòng chữ:
蔡 婦 阮 氏 治 産 致 富 敘 事 碑 記
(Sái phụ Nguyễn Thị Trị sản chí phú tự sự bi ký), có nghĩa là Bia tự sự về Nguyễn Thị Trị, vợ người họ Sái, rất giầu có. Văn bia do thám hoa Nguyễn Quý Đức soạn, thợ đá An Hoạch (Thanh Hóa) và Kính Chủ (Hải Dương) khắc dựng bia và lăng vào tháng 4 năm Vĩnh Thịnh 16 (1720). Như vậy, lăng xây khi chủ nhân còn sống, khi qua đời chỉ việc đưa di hài vào.Văn bia khá dài, xin tóm tắt như sau:
Vào cuối thế kỷ XVII, tại làng Bình Lãng, thuộc huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, có một người con gái họ Nguyễn. Thuở nhỏ, cô có tên là Thuyết (1), khi trưởng thành đổi tên là Trị. Từ khi ra đời, cô được trời phú cho trí thông minh mẫn tiệp và giầu tình cảm. Cô làm việc cần mẫn, thận trọng. Sinh hoạt kiệm ước nhưng không bủn xỉn. Thật xứng danh là một cô gái tiết hạnh. Là phận gái, sống trong cảnh bần hàn từ nhỏ, cô quạnh, nhưng cô rất tự tin. Hàng ngày chăm chỉ làm lụng, chăm sóc mẹ già, luôn luôn suy nghĩ làm cho mẹ con sống trong cảnh nghèo mà vẫn vui. Dân làng khen ngợi là người con gái chí hiếu.
Năm ngoài hai mươi tuổi, cái tuổi mà người con gái nào cũng cần phải có gia thất, nhưng duyên phận cứ như nước chẩy bèo trôi, biết đậu ở bến nào. Thế rồi như duyên trời đã định, cô gặp một người con trai họ Sái (2) , tên là Đắc Lộc, quê xã An Ấp, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Hai người kết duyên chồng vợ. Tâm đồng, ý hợp, vợ chồng quyết chí làm nên sự nghiệp.
Sống trong vùng đồng bằng châu thổ, bà chọn nghề buôn bán lúa gạo để lập nghiệp. Ngày xưa, đất đai tuy mầu mỡ, nhưng kỹ thuật còn kém, sức chống thiên tai hạn chế, nên thường xảy ra mất mùa cục bộ, giá thóc gạo giữa các vùng thường rất chênh lệch, đó là cơ hội làm ăn của nghề buôn bán gạo. Có những năm giá thóc gạo như châu báu. Vào những lúc như thế, bà bán hết gia sản lấy tiền làm vốn. Khi thu được lãi, bà mang tiền tậu ruộng, chăn nuôi gia súc. Ngày qua tháng lại, chẳng bao lâu sau, bà trở thành người giầu có nhất một vùng. Ruộng có hơn nghìn mẫu, tiền có trên vạn xâu, thóc lúa, gia súc nhiều đến mức không thể đếm xuể. Tuy giầu có nhưng bà là người hiếu thảo, nuôi hai con trai trưởng thành và có nhiều con nuôi, con đỡ đầu, đặc biệt quan tâm đến các cụ bà và những người bạn cũ. Đi đến nơi nào có khó khăn là sẵn sàng công đức. Có một lần bà đi qua xã La Tỉnh, huyện Tứ Kỳ, đến bến sông Vạn. Tại đây, xưa có một cái cầu gỗ, lâu ngày đã hư hại không đi lại được. Việc bắc lại cũng không dễ. Khách qua đường phải lội bùn lầy rồi bơi qua sông, hoặc qua đò, nhiều người ca thán. Thấy vậy, bà liền cho người đi chợ mua gỗ lim phiến, đóng 2 con thuyền, lấy 2 người bản xã là Phạm Cân và Đỗ Văn A làm lái đò lâu dài chở khách qua sông. Bà lại hứa cho mỗi người 5 mẫu ruộng tại bản xã, cày cấy hưởng hoa lợi để chở đò công đức cho dân. số ruộng đó được chuyển tiếp cho những người chở đò của những thế hệ sau thừa kế.
Vào đầu năm Vĩnh Thịnh thứ 16 (1720) bà nhờ Thám hoa khoa Bính Thìn Nguyễn Quý Đức, người làng Đại Mỗ, huyện Từ Liêm soạn văn bia tự sự về cuộc đời và sự nghiệp của bà, cùng văn bản phân chia tài sản cho dưỡng tử và nghĩa tử, tài sản cho các làng xã để làm hậu tự cho gia đình: Gồm ông bà nội ngoại, mẹ đẻ, chồng con và bà khi trăm tuổi. Mọi việc đều rất chu đáo và cụ thể. Có thể coi đây là những lời di chúc. Tổng số ruộng và tiền chia cho 25 xã và con nuôi có tới trên 340 mẫu và hơn 2.000 quan tiền. Nguyễn Quý Đức là người có thế lực và uy tín đương thời, người có công lớn trong việc tôn tạo văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội, việc gì ông cũng thận trọng và chí lý, đã viết văn bia cho bà, chứng tỏ uy tín của bà đối với giới trí thức đương thời như thế nào, ông còn ca ngợi gia đình bà là một gia đình Tố phong , nghĩa là không quyền cao chức trọng mà được mọi người kính trọng. Đây cũng là một trong những văn bản cuối cùng của Nguyễn Quý Đức, vì trong năm đó ông qua đời.
- 1. Chữ 說, theo Hán- Việt có thể đọc theo ba âm khác nhau. Thuyết, thuế, duyệt ở đây chúng tôi lấy âm đầu là thuyết
- 2. Chữ 蔡 , có thể đọc là: Thái hoặc Sái, ở đây chúng tôi đọc là Sái
Đồng Thị Hoàn