Hai con người, hai số phận nhưng ở họ đều cháy bỏng niềm tin yêu với cách mạng, đều vì nghệ thuật hết lòng và đều xuất thân là người Hà Nội gốc.
Nữ sĩ Vân Đài nhà ở ngay cạnh hồ Gươm, nay là số 50 phố Bảo Khánh, phường Hàng Trống; nhà văn Nguyễn Tuân sinh ra ở nhà số 49 phố Hàng Bạc, quê làng Nhân Chính ngay bên bờ sông Tô Lịch đều là người Hà Nội, Hà Nội gốc và trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng, đều từng bị địch bắt, bị tù đày. Tiểu thư khuê các Vân Đài bị giam trong nhà tụ Hiến binh Nhật. Nguyễn Tuân phải lưu đày miền núi Hòa Bình một năm.
Nữ sĩ Vân Đài: Quyết đạp cho tan nỗi bất bình
Nữ sĩ Vân Đài
Từ những năm 1935-1944 Vân Đài đã có thơ đăng trên các báo Phụ nữ tân văn (Sài Gòn) các báo Phong Hóa, Ngày nay, Đàn bà (Hà Nội)… Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Vân Đài gia nhập quân đội, có mặt trên báo Xông Pha, Quân Việt Bắc, Quân Du Kích, tập san Cứu Quốc và từ ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, tiếp tục làm thơ, viết truyện, viết báo (báo Văn Nghệ, Phụ nữ Việt Nam) rồi về công tác ở cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu.
Mùa Hái Quả (1966) là tuyển tập thơ tiêu biểu cho ba mươi năm lao động nghệ thuật của Vân Đài. Nữ thi sỹ còn viết nhiều sách dạy về nữ công gia chánh mang tính giáo dục mà gần gũi thân thiết như tên gọi thân thương trên bìa: “Thanh Lịch”, “Làm bánh”, “Món ăn thường thức”. Riêng cuốn “Làm bếp giỏi” của bà đã tái bản trên ba mươi lần!
Vậy mà Vân Đài là một chiến sĩ tham gia các hoạt động cách mạng từ rất sớm. Vào những năm 1930, Bà đã được chính nhà báo cách mạng Trần Huy Liệu tuyên truyền giác ngộ, đưa vào tham gia phong trào tiến bộ đòi dân sinh dân chủ, dân quyền và nam nữ bình quyền tại Sài Gòn – Chợ Lớn.
Trong bài thơ “Trà Vinh thương nhớ”, Vân Đài đã ghi lại những cảm xúc đầu tiên của mình trong những ngày đầu giác ngộ cách mạng:
Ta nhớ mãi một trưa hè nắng cháy
Dưới bóng tre rủ lá thấp ngang đầu
Nghe các anh giảng rõ từng câu
“Thế giới đại đồng thiên đường cộng sản”
Một ảnh chớp hồn ta như lóe sáng…
Trở về Hà Nội, thành phố quê hương nơi bà sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà xinh xắn ngay bên hồ Hoàn Kiếm, Vân Đài bắt liên lạc với cán bộ cách mạng và tiếp tục hoạt động Việt Minh.
Trong hồ sơ lý lịch của nữ sĩ hiện còn lưu giữ tấm giấy chứng nhận của bà Đào Thị Tám, một cán bộ lão thành cách mạng hoạt động bí mật thời tiền khởi nghĩa. Giấy chứng nhận (viết tay), nét mực đã mờ. “Từ năm 1940 đến 1942 tôi là ủy viên Ban chấp hành tỉnh ủy và là bí thư phụ nữ tỉnh Thái Bình. Đầu năm 1943 tôi được Trung ương điều về thành phố Hà Nội làm công tác binh vận, người trực tiếp phụ trách công tác này là anh Hoàng Văn Thụ. Đồng chí Thụ giới thiệu cho tôi một cơ sở rất tốt để tôi có nơi ăn ở và đi lại thuận lợi, Đó là nhà chị Đào Thị Minh (tức là nữ sĩ Vân Đài). Khi ấy chị Vân Đài đang làm tổ trưởng tổ phụ nữ cứu quốc của thành phố. Những người tổ viên trong tổ của chị đều là văn nghệ sĩ. Trong thời gian tôi ở nhà chị được chị và gia đình giúp đỡ rất tận tình. Đến khoảng giữa năm 1943 đồng chí Hoàng Văn Thụ bị thực dân Pháp bắt đem về giam ở Hỏa Lò, tôi được chuyển đi cơ sở khác và từ đó không qua lại nhà chị Vân Đài nữa. Đến tháng 6 năm 1945 tôi được tin chị Vân Đài bị Nhật bắt giam vào sở hiến binh Nhật…”.
Vậy là không phải riêng một mình Vân Đài tham gia Việt Minh, tổ trưởng một tổ phụ nữ cứu quốc, mà cả nhà chị đã trở thành cơ sở cách mạng hết sức quan trọng.
Qua lời thơ của Vân Đài, ta có thể hình dung được hoàn cảnh người nữ tù nhân trong trại giam hiến binh Nhật.
“Năm tám ngày giam…
Bao nhiêu hình phạt.
Roi tra điện kẹp…”.
Đủ mọi thứ ghê gớm, nhưng câu thơ tiếp nối, nhẹ nhàng như một tiếng thở phào “Xích sắt cùm lim, phớt cực hình!”. Giọng thơ tỏ rõ tinh thần già dặn, ý chí gang thép của một chiến sĩ ccách mạng kiên cường.
Vậy mà, mấy ai biết con người ấy lại chính là một cô tiểu thư Hà Nội sắc nước hương trời, như lời nhà văn Tô Hoài kể lại:
… “Ngày ấy, anh Nguyễn Công Hoan học trưởng Bưởi, có những năm trọ ở phố Hàng Trống. Khi đùa cợt, tôi hỏi: Ông cùng tuổi với bà Vân Đài, mà khi mười tám đôi mươi ông cũng ở phố Hàng Trống, thế ông có lọt được vào mắt xanh của giai nhân không? Nguyễn Công Hoan cười khơ khớ thật sảng khoái: Con Minh ấy mà (nhà thơ Vân Đài tên thật là Đào Thị Minh) ba chị em nhà nó đẹp nhất Hàng Trống, nhất cả Hà Nội cũng nên. Đuôi chúng nó dài lắm. Tớ có sắp hàng thì cũng phải đứng vào loại ngoài rìa hàng tá…”
Chính vì thế, khi nghe tin Vân Đài bị bắt, gia đình, bạn bè, đồng chí, ai cũng lo. Ngoài nỗi lo về tinh thần, ý chí kiên cường cách mạng, có một mối lo mà ai cũng nghĩ tới nhưng đều không dám nói ra, hy vọng, cầu mong sẽ không xảy ra. Đó là nỗi đau khổ về sự hoen ố của một đời con gái khi chẳng may bị kẻ phàm phu sàm sỡ, chà đạp. Với người con gái Việt Nam thì trinh tiết còn quý hơn cả sinh mệnh. Những tiểu thư khuê các trong gia đình Hà Nội những năm 1940 trở về trước càng trân trọng “gìn vàng giữ ngọc”. Nhà thơ Cẩm Lai khi ấy đang ở Hà Tĩnh đã thốt lên: “Tôi bàng hoàng, và rất lo…. Bọn phát xít Nhật độc ác chúng nó có thương ai, nếu có làm sao thì…”.
Vân Đài đã tỏ rõ tinh thần vững vàng, không hề run sợ, hơn thế nữa chị còn quyết tâm vươn lên “Nước non đã hẹn cùng chung mộng/Quyết đạp cho tan nỗi bất bình”.
Nhưng cảm phục đến run người là câu thơ “Áo vẫn cài khuy, chân vẫn vững”. Rất nhẹ nhàng mà tự hào, kín đáo. Chỉ có bốn từ Áo vẫn cài khuynhưng đây là một lời nhắn gửi đanh thép, một công bố chiến thắng gan góc, một dáng đứng tự hào của người con gái Việt Nam trước kẻ thù.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã cứu Vân Đài thoát khỏi nhà tù hiến binh Nhật. Cái nhà tù rùng rợn ngày ấy, nay là tòa nhà ốp đá mầu đỏ xẫm ở góc phố Trần Hưng Đạo – Ngô Quyền.
Nhà văn Nguyễn Tuân: Không kê khai thành tích
Không mấy người biết nhà văn Nguyễn Tuân đã hai lần “đảo” qua nhà tù Hỏa Lò, và cả hai lần ông bị bắt, bị bỏ tù đều khá li kì. Dưới đây xin chỉ kể lại chuyện nhà văn lớn họ Nguyễn bị bắt vào Hỏa Lò lần thứ hai, giữa năm 1941. Thời gian này, Nguyễn Tuân đã là nhà văn nổi tiếng. Ông thuê một căn gác ở cuối sân sau một tòa nhà bên tay phải phố Hàng Đẫy (nay là phố Nguyễn Thái Học). Căn gác xép Nguyễn Tuân trú ngụ là nơi ở của anh lái xe mà bên dưới chính là ga ra ô tô, để trống hốc. Nguyễn Tuân mắc một cái võng đay, có khi suốt cả tuần không bước chân ra cửa. Và rất nhiều tùy bút, truyện ngắn, truyền dài với nhân vật chính là Nguyễn, là Bạch đã ra đời trong cái gác xép mà tác giả mô tả trên giấy giống hệt ngoài đời.
Nhà văn Nguyễn Tuân
Tòa nhà Nguyễn Tuân ở nhờ là nơi tụ tập bí mật của một số đảng viên Đại Việt, có người là bạn, có người ông chủ quen sơ như Đào Trinh Nhất, Nguyễn Triệu Luật, Phùng Bảo Thạch… Nguyễn ở một mình trên căn gác xép, “mặc sự đời” cho dù có lần, có người trèo lên tru tréo “Trời đất ơi thời thế này mà ông còn nằm co quắp như thế này được à?”. Thời thế này, nhiều đêm Nguyễn nghe thấy ở cái sân sau dưới cửa sổ kia bọn họ tập võ, đấu gươm có cả những tiếng bóp cò súng tanh tách, ném lựu đạn chai lọ vỡ choang choang…. Thời thế này… Tô Hoài, Như Phong đã sinh hoạt Văn hóa cứu quốc rồi. Còn những nhóm thân Nhật, nhóm chống Pháp, Nguyễn Tuân biết cả, nhưng ông cứ nằm võng, mọi sự coi như không động trên đến mình. Miệng nói không động trệ, nhưng trong lòng Nguyễn ai bảo không trăn trở? Cứ đọc câu “Lúc này là lúc cần phải chụm lửa cho nhiều để hun nóng quả tim đã thiu, ỉu trong sự thờ ơ” (Muốn sống – 1938), thấy rõ sự báo trước một cuộc dấn thân mạnh mẽ của nhà văn Nguyễn Tuân hòa vào cuộc đổi đời vĩ đại của dân tộc.
Ngoài căn gác xép, thời gian này Nguyễn còn một nơi yêu dấu đi về, viết lách nữa mà ông rất tự hào ký dưới mỗi tác phẩm của mình: Am sông Tô. Gọi thế cho sang, cho bay bướm lãng mạn, chứ thực ra đấy là nơi ở cạnh cong sông Tô Lịch đen ngòm nước thải từ thành phố đổ ra, mùi hôi thối sực sụa, muỗi bay như chấu. Nhưng với Nguyễn, nó thân thiết vì ở đây có ngôi nhà ngói nhỏ, cơ ngơi tam đại gia đình ông an cư. Đây chính là nếp nhà thân mẫu ông vất vả từ xứ Thanh ra dựng nên, nói cho đúng hơn, sau bao năm theo chồng bôn tẩu sinh nhai, trở về với quê gốc, làng Mọc Nhân Chính. Am sông Tô, nhà bác Nguyễn… sau hàng dậu cúc tần là dòng sông Tô Lịch xanh rờn những bè rau muống… Ngôi nhà ngói nhỏ… Chỗ ấy hình như bây giờ là mặt đường quốc lộ Hà Nội – Hà Đông, xế cổng nhà máy Cơ khí Hà Nội.
Cái am Sông Tô ấy đã là nơi che giấu một cán bộ cách mạng. Anh ta đang bị mật thám truy đuổi. Một đêm, anh tìm đến Nguyễn hớt hải báo tin dữ:
- Mật thám quây trên ấy rồi, đừng lên nữa. Tao ở nhờ mày ít ngày.
“Trên ấy” tức là tòa nhà phố Hàng Đẫy. Anh cán bộ Việt Minh ở nhà Nguyễn, dần dần thấy êm êm, thư thái đi về, còn mất cảnh giác đưa nhau đi chơi Bờ Hồ, Khâm Thiên. Nhưng mật thám vẫn theo sát, rình mò, chăng bẫy. Và một đêm, anh cán bộ vừa về nhà Nguyễn thì chúng xổ ra túm chặt tay anh, hỏi dồn dập:
- Thằng Tuân ở đâu?
Rồi, chúng lùng bắt được Nguyễn Tuân cùm xà lim cả tháng và một tháng ấy là liên tục đòn tra.
Chúng nó chỉ nghiến răng nghiến lợi hỏi đi hỏi lại một câu:
- Bọn c húng mày còn những đứa nào nữa? Làm những gì? Khai hết ra! Khai cả ra!
Nguyễn biết gì đâu mà khai. Nhưng bọn mật thám thì không thể nào tin được. Cộng sản thì đứa nào bị bắt chẳng cứng đầu cứng cổ như thế này. Đánh nữa! Tra nữa. Còn giữ bí mật tổ chức hả?
Nguyễn chỉ có một “tội”, đó là tội giúp đỡ, che chở cán bộ. Nguyễn không thể khai báo lung tung, đổ vấy cho người khác. Cả tháng chịu đòn.
Rồi cũng xong cung. Chúng nó tống sang Hỏa Lò chờ quan trên quyết định ra tòa. Nhưng hồ sơ “trắng” thế thì xử thế nào? Ngữ này chỉ có đi cải tạo, chết rực nơi rừng núi ma thiêng nước độc cho biết thân!
Vậy là giữa năm 1941, hai tên mật thám dẫn Nguyễn Tuân từ nhà tù Hỏa Lò lên trại cải tạo vừng rừng núi châu Lạc Sơn tỉnh Hòa Bình. Ngày, tháng, năm bị đưa lên “căng”, Nguyễn Tuân ghi lại và nhớ rành rọt. Đấy là thói quen của nhà văn.
Nguyễn Tuân bị giam giữ hành hạ một năm thì được về. Có lẽ vì Nguyễn Tuân hay xê dịch, nên ít người chú ý thời gian ấy ông đi đâu, ở đâu.
Tiếp đó là những năm xáo trộn. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, rồi 9 năm kháng chiến trường kỳ.
Sau 1954 công tác quản lý nhân sự ngày càng đi vào nền nếp. Trong hồ sơ lý lịch cán bộ, công chức đều có mục “những điểm đặc biệt” để đương sự kê khai (nếu có) các việc liên quan trong thời gian bị bắt, tù đày… nhưng Nguyễn Tuân chỉ ghi vẻn vẹn một câu trong lý lịch để ở hội Nhà văn Việt Nam: “Đi căng một năm vì chứa chấp Phùng”.
Giá như ngày ấy tổ chức cán bộ đi sâu tìm hiểu thêm thì hôm nay vào thăm Di tích nhà tù Hỏa Lò khách tham quan đã dễ dàng được đọc hàng chữ đỏ khắc trên bảng vàng, vẫn T: Họ và tên: Nguyễn Tuân, Năm sinh: 1910. Nơi sinh: Nhà số 49 phố Hàng Bạc, Hà Nội. Thời gian bị bắt, tù đầy: 1941-1942. Và trên nhiều trang sách báo có thể có thêm nhiều tấm ảnh thú vị nhà văn Nguyễn Tuân trán hói, râu bạc, nheo nheo con mắt, đeo trên ngực áo tấm huy hiệu mang hình hai cánh tay bị xiềng đang giơ cao. Huy hiệu của những người cựu tù chính trị Hỏa Lò!
Trên đây là những chuyện ngoài đời văn của hai nhà văn gốc Hà Nội. Kỷ niệm một thời không quên, những chi tiết nói lên cốt cách người Hà Nội và tính cách riêng từng nhà văn. Chuyện bị bắt, bị tù, thế đấy mà đầy ắp văn chương.
(Theo Hà Nội mới số Tết Tân Mão)