Ông Nguyễn Văn Phương - Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nhân dân các dân tộc Việt Nam nói chung, các thế bà con thuộc các dòng họ sinh sống trên mọi miền đất nước nói riêng đã có những đóng góp rất to lớn, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trước hiểm họa ngoại xâm ở mọi thời đại cũng như trong quá trình xây dựng quê hương, đất nước.
Trong khuôn khổ cuộc hội thảo hôm nay, Ban tổ chức đã phân công tôi nhiệm vụ nghiên cứu biên soạn một bài viết về các bậc danh nhân, danh thần, danh tướng mang họ Đào trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta trên vùng đất Hải Phòng từ thế kỷ I đến đầu thế kỷ XX. Tôi thấy đây là một đề tài hay bởi nó chứa đựng niềm tự hào rất to lớn của một dòng họ nhưng khó vì tư liệu có thể tiếp cận được là ít ỏi và khung thời gian lại kéo dài tới hai mươi thế kỷ. Tuy nhiên, theo như tôi nghĩ, có thể đây mới chỉ là một sự khởi đầu để chuẩn bị những cho nghiên cứu sau này một cách bài bản và đầy đủ hơn.
Về nguồn tài liệu ghi chép công lao của các dân nhân, danh tướng họ Đào trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của các thế hệ người dân Hải Phòng nói chung, họ Đào nói riêng có thể rất phong phú. Nhưng trong điều kiện khởi đầu và nhất là khả năng còn có hạn, tôi mới chỉ tiếp cận ở các bộ chính sử là các bộ địa chí từ thời Lê đến cuối thời Nguyễn. Những tư liệu thường có mục “Cổ tích”, “Danh thắng” hay “Đền miếu” ghi chép về điển thờ ở các địa phương thuộc Hải Phòng. Thứ hai là các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố, loại “tài liệu” mà tôi rất quen thuộc do có nhiều năm làm công tác kiểm kê, nghiên cứu phục vụ lĩnh vực, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của ngành văn hóa, thể thao thành phố. Bên cạnh đó là các công trình nghiên cứu có liên quan của các tác giả đã biên soạn và xuất bản công bố trong những năm gần đây. Trong đó phải kể đến cụ Ngô Đăng Lợi, nguyên Chủ tịch Hội KHLSHP. Đây là những tư liệu ít nhiều có chứa các nội dung có thể tham khảo để hoàn thành bài viết mà BTC hội thảo đề nghị.
Về cách trình bày của báo cáo, với chiều dài hai mươi thế kỷ, trình bày theo phân kỳ lịch sử là cách viết có nhiều thuận lợi, tiện theo dõi và dễ bổ sung những thiếu sót mà báo cáo này chưa đề cập đến. Sự thiếu sót chắc chắn là không tránh khỏi bởi trong suốt hai mươi thế kỷ qua, trên đất nước ta, ngoại xâm không hề ngừng nghỉ đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến công tác bảo tồn, lưu giữ và ghi chép của các nguồn tài liệu. Nhà sử học Ngô Đăng Lợi đã từng than phiền rằng:”Với một dân tộc từng bị Bắc thuộc hơn 1000 năm, kẻ đô hộ quyết đồng hóa, thực hiện chính sách ngu dân, mấy người được học hành, có khi người tài bị đem cống nạp, sách vở bị cướp, đốt hết nên biết bao người có công đã rơi vào vô danh…”. Trong mấy chục năm làm công tác bảo tồn DSVH dân tộc trên địa bàn thành phố, tôi may mắn có dịp đi đến hầu hết các làng xã, phố phường ở Hải Phòng thì thấy những mất mát của chúng ta ở lĩnh vực DSVH vật thể và phi vật thể là một thực tế lịch sử, vô cùng đáng tiếc bởi nó thực sự không còn lại là bao. May thay, từ năm 1938, Viện Viễn Đông Bác Cổ - Pháp đã mở những đợt sưu tầm, kê khai thần tích thần sắc ở các làng xã nên đến nay chúng ta mới có điều kiện tiếp cận được những thông tin mà họ đã sưu tầm được về các bậc danh nhân, danh thần, danh tướng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thời phong kiến còn được lưu giữ tại các trung tâm nghiên cứu ở Trung ương.
Sau đây là danh tính của các bậc danh nhân, danh thần, danh tướng họ Đào xin hệ thống lại theo từng thời kỳ lịch sử để chúng ta cùng theo dõi.
I. Thời kỳ các vua Hùng Vương dựng nước
1. Đào Tiên Nương
Quê ở trang Hán Nam, (thời Nguyễn thuộc tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh) nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng.
Tra cứu các nguồn tài liệu ở thời kỳ Nhà nước Văn Lang do các vua Hùng trị vì thì thấy có có vị danh tiên, danh tướng đầu tiên là Hoàng Hậu Tiên Nương, vị hoàng hậu thứ tư của đời vua Hùng Vương thứ 17, Hùng Nghị Vương đã được các triều vua thời Nguyễn phong thần là Thiên Hoàng Tiên Công chúa hiện đang được thờ tại đình Hán Nam, thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng. Căn cứ phả hệ triều Hùng thì thấy một vị thần tên hiệu là Đào Tiên Nương, húy là Tiên con ông Đào Ngoạn và bà Dương Thị Đoan, một gia đình hào phú ở trang Hán Nam, nay thuộc xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng. Vua Hùng Nghị Vương trong một lần đi tuần thú gặp Tiên Nương xinh đẹp bèn thu nhận làm vợ và phong làm Hoàng hậu, sau Tiên Nương giúp Hùng Nghị Vương đánh giặc ở Nam Sách, bộ Dương Tuyền, thắng trận xong bèn xin về vùng Hán Nam giúp đỡ dân trang. Sau mất được dân trang lập miếu thờ, nay là Đình Hán Nam, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng.
2. Đào Đô – Đào Đài
Vốn là hai anh em, quê ở trang (xã) Lũ Đăng ( sau đổi là Bắc Phong), tổng Hán Nam, huyện Tiên Minh, nay là thôn Liên Phong xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng có công giúp Hùng Duệ Vương chống lại Thục Phán, lập được nhiều công lớn. Sau mất được dân hai làng Bắc Phong, Nam Phong lập đình, miếu để tôn thờ. Các vua triều Nguyễn như Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định đều ban sắc làm thành hoàng, phong tặng:
- Đào Đài là Thân Linh Lương Đài Tuấn Triết Linh Sảng Đại Vương.
- Đào Đô là Đô Đại Thành Hoàng Cao Thuyền Anh Nghị Đại Vương.
3. Đào Lan
Các tư liệu ghi chép về vị thành hoàng mang tên húy là Đào Lan hiện đang được tôn thờ tại đình và miếu làng Trữ Khê nay thuộc phường Đồng Hòa, quận Kiến An hiện chưa được biết tường tận. Ghi chép của bộ Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng chỉ cho biết cùng với các vị thần được thờ ở đây như Quí Minh, Bạch Thiên Quan, Thiên Quan Thuần Chính, Đào Lan đều là những nhân vật có nguồn gốc thời vua Hùng Duệ Vương, vị vua cuối cùng của thời đại Hùng Vương dựng nước, đã có sắc phong của các triều vua thời Nguyễn.
4. Đào Hoa
Chưa rõ sự tích. Sách TĐBKĐD Hải Phòng dẫn tư liệu từ bản khai thần tích của Lý trưởng xã Thượng Lý xưa ghi Đào Hoa cùng với Dy Hoa là hai vị thiên thần có sắc phong là hai vị vua bà, được thờ ở đình và miếu Thượng Lý từ lâu.
II. Thời kỳ Bắc thuộc (từ thế kỷ 1 đến thế kỷ IX)
1. Đào Linh Quang
Thần tích cho biết, thần vốn quê ở trang Vĩnh Thế, phủ Kinh Môn đến trang Cựu Đôi nay thuộc thị trấn Tiên Lãng làm nghề dạy học. Khi Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, ông đã cùng bạn bè và dân trang Cựu Đôi theo Hai Bà Trưng đánh giặc Đông Hán. Đào Linh Quang được Hai Bà Trưng ban chức Trung Phẩm Đại Tướng quân Sau mất được dân lập đình thờ, nay là đình Cựu Đôi. Các triều vua thời Nguyễn như Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định đều ban sắc phong là thành hoàng, cho phép dân trang Cựu Đôi lập đình thờ. Đình Cựu Đôi là một ngôi đình lớn, là một trong Ngũ Linh Từ của huyện Tiên Lãng xưa.
2. Đào Hạo
Thần vốn quê ở trang Văn Giang, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Thủa nhỏ bẩm tính thông minh nhưng nghịch ngợm và đã nghĩ ra một trò chơi là ngầm quăng một hòn đá to xuống ao rồi cùng bạn bè mò lặn, thi tìm hòn đá. Năm 542, Lý Bí dựng cờ khởi nghĩa, Đào Hạo chiêu mộ dân binh ứng nghĩa và lập nhiều công lớn nên được phong chức Chỉ huy sứ phụ trách miền Duyên hải phía đông. Ông thấy trang Kỳ Sơn có hình thế thuận lợi bèn đặt quân dinh ở đây. Khi ông qua đời, dân Kỳ Sơn lập đình thờ, được các triều vua sau này phong sắc làm phúc thần ở Kỳ Sơn với thần hiệu là “Hạo Công Nam Hải Linh Ứng Đại Vương”. Một số tài liệu thường hay viết tắt là “Nam Hải Tôn Thần” nên nhiều người hay nhầm là Nam Hải Đại Vương Phạm Tử Nghi. Trò chơi dân gian chạy đá hay tục mò đá trong lễ hội đình Kỳ Sơn ở xã Tân Tào, huyện Kiến Thụy là có nguồn gốc từ vị thành hoàng Đào Hạo khi ông dùng trò chơi này để luyện thủy quân, được người dân Kỳ Sơn tổ chức trong lễ hội để tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng Đào Hạo.
3. Đào Tam Nương
Quê ở Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương.
Tư liệu về vị Đào Tam Nương hiện mới chỉ biết bà là vợ của tướng công Nguyễn Đình Thản có công giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc Lương hồi cuối thế kỷ 6, đầu thế kỷ 7 thời Bắc thuộc, được dân làng thờ cùng thành hoàng Nguyễn Đình Thản do sinh thời bà thường hay giúp người nghèo khó và cũng được vua triều Nguyễn ban sắc phong cho phép thờ tự tại đình làng Tràng Duệ, xã Lê Lợi, huyện An Dương.
III. Thời kỳ các triều vua Ngô, Đinh, Tiền Lê (thế kỷ thứ IX, X)
1. Đào Nhuận
Thần tích đình Gia Viên (đình Cấm) cho biết vị tướng quân Đào Nhuận quê ở Làng Cấm, nay là phường Gia Viên, quận Ngô Quyền, Hải Phòng. Ông là người đã có công giúp vua Ngô Quyền đánh tan đội quân xâm lược của nhà Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938. Thần tích đình Cấm cũng như ghi chép của sử sách cho biết: Đào Nhuận là một chàng trai trưởng thành trên sông nước Gia Viên đã chỉ huy một cánh quân chiến đấu dưới sự chỉ huy của Dương Tam Kha ở phía tả ngạn sông Bạch Đằng. Đây là lực lượng chủ công có trách nhiệm chặn đứng và đánh lui đoàn thuyền chiến của Hoằng Tháo, đẩy chúng về phía bãi cọc đã được chuẩn bị trước. Đào Nhuận cùng Dương Tam Kha đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và cùng Ngô Quyền lập nên chiến công vang dội. Chính vì vậy, sau chiến thắng, Ngô Quyền đã đánh giá rất cao sự đóng góp của nhân dân Gia Viên nói chung và người con của Gia Viên là Đào Nhuận nói riêng về tinh thần chiến đấu hi sinh vì độc lập của quốc gia, dân tộc nên đã ban cho dân làng Gia Viên làm “hộ nhi tạo lệ” (chuyên việc thờ vua), được miễn các khoản binh lương, thuế khóa. Việc này lâu dần đã trở thành lệ và còn được duy trì mãi về sau. Đào Nhuận được dân làng Cấm xưa thờ phối thờ cùng Đức vua Ngô Quyền tại đình làng.
2. Ba anh em Đào Tế - Đào Lai - Đào Độ
Theo nội dung bản thần tích lưu giữ tại đền Trinh Hưởng, xã Thiên Hương, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng do Đông Các Đại Học Sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào triều Lê, niên hiệu Hồng Phúc thứ nhất 1572 thì đền Trinh Hưởng là nơi tôn thờ 3 anh em đồng sinh họ Đào, quê làng Trinh Hưởng, huyện Thủy Đường, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương trong một gia đình danh giá ở huyện Thủy Đường xưa. Ngay từ thời Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, 3 anh em họ Đào ở Trinh Hưởng đã ra phò Đinh Bộ Lĩnh lập công lớn và đã được ban nhiều chức tước. Năm 981, khi nhà Tiền Lê mới thành lập (thế kỷ thứ X), quân Tống đã mang quân sang xâm lược, 3 anh em họ Đào lại vâng lệnh Hoàng đế Lê Hoàn thống lĩnh quân thủy bộ chiến đấu với giặc ở đất Bàng Châu. Qua vài lần giao tranh quyết liệt quân Tống khiếp sợ phải rút lui. Sau khi qua đời, dân làng Trinh Hưởng đã lập các miếu thờ ở các giáp thuộc làng, sau hợp nhất về thờ chung tại Đền Trinh Hưởng ngày nay. Các triều vua thời Nguyễn đã ban sắc phong tặng duệ hiệu cho:
- Đào Tế là Hộ Quốc Anh Huy Đại Vương.
- Đào Lai là Quảng Hộ Khai Quốc Đại Vương
- Đào Độ là Tộ Quốc Anh Triết Đại Vương
Đền Trinh Hưởng là một ngôi đền khá cổ kính do xây dựng từ lâu đời và đã được xếp hạng là di tích cấp quốc gia.
IV. Thời Lý (1010 – 1225).
1. Đào Lôi
Đào Lôi là một nhân vật lịch sử sống ở triều Lý. Các bộ quốc sử như “Việt Sử Lược”; “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”; “Đồng Khánh Dư Địa Chí” v.v…cũng như các tư liệu là bản khai thần tích Thần tích năm 1938, sắc phong hiện còn lưu giữ tại đình Vân Tra, xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng đều có ghi chép về nhân vật lịch sử này. Theo “Đồng Khánh Dư Địa Chí” Sở dĩ mang tên Lôi vì liên quan đến huyền tích ông vốn là vị thần coi việc sấm sét (Lôi Thần) bị giáng xuống hạ giới đầu thai vào nhà Đào Cam Mộc (quê ở Châu Hoan, người đã cùng với Thiền sư Vạn Hạnh có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi vua và lập ra vị vua đầu triều là Lý Thái Tổ). Mẹ là bà Đỗ Thị Uyển.
Lúc mới sinh, đất trời nổi giông sét. Lớn lên, tiếng vang như chuông. Năm 24 tuổi đỗ thủ tuyển làm quan Hàn lâm đại học sỹ. Đời vua Lý Thánh Tông được phong chức Đồng Bình Chương Sự. Sau khi vua Lý Thánh Tông mất, ông cùng một số người thực hiện di chiếu đưa Lý Phật Mã lên ngôi. Khi có loạn Tam vương, Đào Lôi cùng với các ông Lý Thiền Sư, Lê Phụng Hiểu giúp vua dẹp loạn quân Man nên được phong chức “Tả phúc tâm”. Sau hai châu Hoan, Ái cũng có loạn, Đào Lôi cầm quân dẹp yên và được phong các chức “Trung thư thị lang”; “Trấn Vũ thượng tướng quân”. Sau lại cầm quân đánh giặc Chiêm Thành, lập công lớn được phong chức “Thái úy Thành quốc công”, rồi lại dẹp yên loạn Nùng Trí Cao và được phong làm quan Thái Bảo, tước Lĩnh Quận Công. Sau ông về trí sỹ tại quê là làng Vân Tra, thường được vua Lý đến thăm và hỏi ý kiến. Về quê trí sỹ, ông mở trường dạy học, học trò có tới hơn 200 người, do vậy Đào Lôi còn được suy tôn là“ Vân Tra Phu Tử”.
Sau khi mất, ông được dân làng Vân Tra lập đình thờ. Ngoài ra làng Đồng Giới, thị trấn An Dương cũng thờ Đào Lôi.
V. Thời Trần, Hồ (1225 – 1407)
VI. Thời Lê (1428 -1527)
1. Đào Khắc Cần
Sinh năm 1477, không rõ năm mất. Quê ở làng Mai Động, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Đỗ Đệ Nhị Giáp Tiến Sỹ Xuất Thân năm 1511 (Hoàng Giáp), làm quan nhà Lê ở Viện Hàn Lâm
VII. Thời Lê Mạc và Lê Trung Hưng (từ 1593 đến 1789)
1. Đào Công Chính
Quê làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng.
Theo nội dung bản thần tích “Hội Am xã, Vĩnh Bảo huyện thần tích” và khá nhiều tài liệu nghiên cứu, biên soạn, xuất bản gần đây cho biết: Đào Công Chính nổi tiếng thần đồng, từ năm 13 tuổi đã đi thi Hương và đỗ Hương cống nên trong tục ngữ dân gian đã có câu “Ông Cõi 13, Thanh Hà 14” (làng Hội Am xưa có tên nôm là làng Cõi). Năm 23 tuổi thi đỗ Đệ nhất giáp Tiến sỹ cập đệ nhị danh (Bảng Nhãn), làm quan nhà Lê đến chức Hữu Thị Lang Bộ Lại, Kinh diên giảng quan, từng đi sứ nhà Thanh (1673) làm phó sứ.
Sinh thời, Đào Công Chính còn nổi tiếng là một bậc Danh y của Việt Nam hồi thế kỷ 17 và dân gian thường hay nhắc đến ông qua câu tục ngữ “Thánh thuốc nam, Hội Am Vĩnh Lại” cũng như ông còn để lại cho hậu thế nhiều sách thuốc hay như “Bảo sinh diên thọ toản yếu” soạn theo yêu cầu của chúa Trịnh Căn, được khắc ván in năm 1676, bàn về phép vệ sinh, rèn luyện tâm thần, hít thở, xoa bóp.v.v... Ngoài sách thuốc, Đào Công Chính còn để lại một số tác phẩm khác như “Trùng san Lam Sơn thực lục”; (Viết chung với một số soạn giả khác)“Bắc sứ thi tập” (gồm những bài thơ khi đi sứ).v.v…
Sau khi mất, Đào Công Chính được dân làng phối thờ ở đình Hội Am cùng với vị thành hoàng tên hiệu là “Đông Trấn Quốc Long Lang chi thần”, tên húy là Chàng Rồng. Các di cảo của ông được người đời sau tập hợp và in trong “Tuyển tập Đào Công Chính”
2. Đào Trí
Người làng Bính Động, nay thuộc xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng .
Ông là một nhân vật lịch sử có nguồn gốc từ thời Lê hiện đang được thờ tại đình và miếu làng Bính Động, xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên cùng với 3 vị thần khác do có công lao giúp dân trị thủy như đắp đê, đào kênh mương cho các làng Bính, Giáp Động. Khi mất được dân làng phối thờ ở đình Bính Động, đồng thời cho soạn thần tích ghi nhớ công lao rồi khắc vào bia đá, các triều vua thời phong kiến đã công nhận, ban sắc phong tặng duệ hiệu là “Quốc uy dương đông nhạc tá sứ nghĩa công đại vương”.
Các tư liệu về cụ Đào Trí hiện vẫn còn được lưu giữ ở di tích và các trung tâm lưu trữ quốc gia nhưng chưa được nghiên cứu và dịch thuật đầy đủ nên đến nay hiện mới chỉ biết một cách khái lược như vậy mà thôi.
VIII. Danh nhân họ Đào thời Tây Sơn và thời Nguyễn (1788-1945)
Các bậc danh nhân họ Đào thời kỳ này mà chúng tôi tiếp cận được nằm trong bộ tài liệu “Khoa bảng Bắc Bộ và Thanh Hóa qua mộc bản triều Nguyễn” do Cục văn thư lưu trữ nhà nước, Trung tâm lưu trữ quốc gia IV làm chủ biên, xuất bản năm 2011. Họ đều là những nhà Khoa bảng đỗ đạt tại các kỳ thi do nhà Nguyễn tổ chức và đều làm quan cho vương triều này. Sau đây là các danh nhân tiêu biểu quê ở Hải Phòng:
- Đào Văn Khiêm
Quê ở Thủy Đường, Thủy Nguyên. Theo Quốc triều Hương Khoa Lục, Đào Văn Khiêm đỗ ở kỳ thi Hương năm Mậu Dần, niên hiệu Tự Đức thứ 31 (1878), sau làm quan đến chức Tri huyện, nhưng không thấy ghi là huyện nào.
- Đào Trọng Thống
Quê ở Cổ Am, Vĩnh Bảo. Thi đỗ ở kỳ thi Hương năm Tân Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ 14 (1861), làm quan tới chức Lang Trung, sau bị cách chức rồi lại được vua cho phục chức Điền tịch ở quê, cuối đời bị hãm hại. Ông chính là anh họ của Đào Trọng Kỳ.
- Đào Trọng Kỳ
Quê ở Cổ Am, Vĩnh Bảo. Thi đỗ ở kỳ thi Hương năm Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức thứ 17, năm 1864, tại trường thi Nam Định. Ông là một vị quan đại thần của triều Nguyễn và đã trải qua nhiều chức vụ. Chức vụ cuối cùng là Tổng đốc Sơn Tây. Sau nghỉ hưu ở tuổi 60 được phong là Vinh Lộc Đại Phu, Hiệp Tá Đại Học Sỹ. Về quê nghỉ hưu, ông đã vận động nhân dân đào sông Chanh Dương để lấy nước làm đồng ruộng. Con sông đào trong 4 năm (từ năm 1900 đến 1904) mới hoàn thành. Ông cũng đã bỏ tiền của riêng tiết kiệm được trong thời gian làm quan cùng dân Vĩnh Bảo đào con sông này.
- Đào Viết Liêm
Quê ở Cổ Am, Vĩnh Bảo. Thi đỗ kỳ thi Hương năm Giáp Tuất, niên hiệu Tự Đức thứ 27, 1874, làm quan tới chức Tri huyện (chưa biết ở huyện nào).
IX. Một số vị danh nhân họ Đào hiện chưa rõ công lao, sự tích
- Đào Uông
Vị thần hiện được thờ tại đình, miếu Thạch Hào, nay thuộc làng An Thạch, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, có sắc của các vua triều Nguyễn phong là Đào Uông Tôn thần, huý là Uông, chưa rõ sự tích.
- Đào Thị Ngọc
Vị thần hiện được thờ ở đình Hà Liễn, nay thuộc xã Bắc Sơn, huyện An Dương. Chưa rõ sự tích.
Trên đây là các bậc danh nhân, danh thần, danh tướng và một số nhà khoa bảng họ Đào tiêu biểu có nguồn gốc là quê ở Hải Phòng mà tôi đã đọc và thấy ghi chép ở các tài liệu và thống kê lại theo thứ tự thời gian mà tôi đã trình bày trong báo cáo. Tổng cộng khoảng trên 20. Ở một số thời kỳ lịch sử như Trần, Hồ, Mạc không thấy vị nào được ghi chép. Đây có thể là một thiếu sót. Hy vọng, qua hội thảo này, tác giả sẽ nhận được các ý kiến bổ sung để các bậc danh nhân họ Đào ở Hải Phòng tiếp tục được bổ sung đầy đủ hơn nhằm tạo ra cơ sở dữ liệu phục các hoạt động cần thiết trong đời sống xã hội của thành phố.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đồng Khánh Dư địa chí (2023), Viện NCHN,Nxb Thế giới
-Từ điển bách khoa địa danh Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1998.
- Địa chí Hải Phòng, Nxb Hải Phòng, 1993.
- Ngô Đăng Lợi, Hải Phòng, thành hoàng và lễ phẩm, Nxb Dân Trí, 2010.
- Khoa bảng Bắc Bộ và Thanh Hóa qua tài liệu mộc bản triều Nguyễn, Nxb CTQG – Sự Thật, 2011.
- Bản dập mộc bản triều Nguyễn về khoa bảng Bắc bộ và Thanh Hóa, nt.
- Hải Phòng Di tích - Danh thắng xếp hạng quốc gia, Nxb HP, 2005.
- Địa danh làng xã Việt Nam thế kỷ 19, Nxb VHTT, năm 2012.
---------------------***---------------------