Từ cậu bé sinh ra trong gia đình nông dân có ước mơ làm ca sĩ, Đào Mác trở thành cái tên sáng giá, đắt show trong mảng nhạc cổ điển có cuộc sống viên mãn.
Ngày Quốc khánh 2/9 tới, Đào Mác tham gia biểu diễn tại chương trình Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi do Báo VietNamNet phối hợp với công ty IBgroup tổ chức. Năm nay, anh lĩnh xướng solo tác phẩm Giai điệu Tổ quốc (sáng tác: Trần Tiến) và song ca cùng ca sĩ Đỗ Tố Hoa bài Trăng sáng đôi miền (sáng tác: An Chung).
Đào Mác luôn thấy xúc động dù từng hát Giai điệu Tổ quốc nhiều lần trong sự nghiệp. Ngược lại, đây là lần đầu anh thể hiện bài Trăng sáng đôi miền - ca khúc mang âm hưởng dân gian, hy vọng mang đến phần trình diễn mới mẻ, thú vị.
Say việc đến 'sập nguồn'
Thời gian này, Đào Mác bận rộn chuẩn bị cho chuỗi sự kiện kỷ niệm 30 năm thành lập Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) - nơi anh đang làm việc với vai trò solist, đồng thời chu toàn công việc giảng dạy và biểu diễn.
Mỗi ngày anh dậy từ 5 - 6h để học tác phẩm, đi làm từ 8h đến 22 - 23h mới về nhà ăn tối, nghỉ ngơi rồi lại tiếp tục học đến 1 - 2h.
Theo Đào Mác, việc dành nhiều thời gian học tác phẩm rất cần thiết. Các tác phẩm kinh điển thuộc các ngôn ngữ khác nhau như Pháp, Đức, Italy và Nga được dàn dựng và thể hiện mới. Người nghệ sĩ cần tập phát âm chuẩn với huấn luyện viên ngôn ngữ, tập dượt cùng đạo diễn trước khi ráp dàn nhạc.
"Nếu không phải thợ hát, tôi tin các nghệ sĩ thực thụ đều nghiêm túc tập luyện. Cả ê-kíp đã làm việc cật lực để người nghệ sĩ tỏa sáng, nếu chúng tôi không làm tốt sẽ rất áy náy với họ", ca sĩ nói.
Ngoài ra, Đào Mác hiện là Trưởng khoa Thanh nhạc Trường nhạc nhẹ MPU, giảng viên thỉnh giảng của Nhạc viện TP.HCM và Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội nên cường độ, khối lượng công việc khá lớn. Vài lần anh "sập nguồn", phải đặt nhiều lượt báo thức trước những công việc quan trọng. Ở nơi làm việc hay bất cứ nơi nào có thể là "giường", ca sĩ đều tranh thủ chợp mắt để hồi phục sức khỏe.
Đến nay, Đào Mác vẫn đam mê nghề cháy bỏng, sẵn sàng nhận các chương trình mang tính chất phục vụ nếu đủ hay, chuyên nghiệp dù cát-sê không cao.
Chia sẻ về thu nhập, anh cho hay: "Ca sĩ mảng nhạc cổ điển thu nhập không bằng nhạc nhẹ, đổi lại sự nghiệp bền vững, ổn định. Tôi luôn biết đủ, có sao sống vậy, quan trọng là luôn khỏe mạnh và hạnh phúc. Tôi tự hào có thể sống tốt và lo cho gia đình, người thân, không phải nghĩ nhiều về vấn đề tài chính chỉ với nghề âm nhạc".
Dù được đánh giá cao về trình độ và năng lực, Đào Mác chưa bao giờ ngưng học tập, rèn luyện. Ngoài tự học và tham gia đầy đủ các chương trình tập huấn tại Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, anh và đồng nghiệp thỉnh thoảng chủ động mời các giáo sư, giảng viên, nghệ sĩ gạo cội trong và ngoài nước đào tạo, huấn luyện mình.
"Trong nhạc cổ điển, không ai hoàn hảo hay đủ giỏi để không cần học thêm. Chẳng hạn, tôi là giọng nam trung có thể xuống trầm rất tốt nhưng quãng cao không thuận lợi bằng các nam cao nên vẫn chú tâm rèn luyện để hoàn thiện. Tôi trân quý bài học về cách hát, giữ giọng và diễn xuất từ các thầy cô", anh trải lòng.
Quá cầu toàn, đôi lúc Đào Mác tự ti. Năm 27 tuổi, anh nhận vai diễn quan trọng đầu tiên là Papageno trong vở Cây sáo thần, tập suốt 1 tháng vẫn thấy áp lực nặng nề, trong đầu thường trực suy nghĩ muốn trả vai vì lo không thể hiện tốt, ảnh hưởng tập thể. Cuối cùng, vở diễn thành công ngoài sức tưởng tượng còn anh vui khi vượt qua chính mình, đạt được mục tiêu.
"Trong tôi có 2 thái cực, may mà phần 'mình sẽ làm được' luôn trội hơn phần 'mình sẽ rút lui'. Ngày xưa, tôi hay lo lắng, tự ti nhưng hiện tại tâm lý đó đã đỡ nhiều, Đào Mác nói.
Cậu bé cao 1,78m giỏi gặt, cấy lúa
Đào Mác sinh năm 1989 tại Hưng Yên trong gia đình làm nông. Bố anh chơi mandolin, guitar còn mẹ là "cây" văn nghệ của địa phương nhưng không thể theo nghề vì cuộc sống mưu sinh.
Thừa hưởng từ bố mẹ, Đào Mác mê hát và đóng kịch ở trường từ bé, luôn ước mơ lớn lên trở thành ca sĩ.
Gia cảnh không quá khó khăn nhưng bố mẹ Đào Mác tập cho các con lối sống tự lập từ bé. Anh từng dậy từ 4 - 5h sáng xay đậu phụ bằng cối đá mang ra chợ bán, phụ bố mẹ gặt, cấy lúa và biết làm cỗ. Ngoài giờ học, ca sĩ và anh trai lo toan việc nhà, tự chăm sóc bản thân.
Năm Đào Mác học lớp 7, bố mẹ vào Phan Thiết, Bình Thuận lập nghiệp rồi định cư, để 2 con sống với ông bà nội và gần nhà ông bà ngoại.
Từ bé, chiều cao của Đào Mác không khác gì những đứa trẻ cùng trang lứa, đến lớp 12 mới bắt đầu phát triển. Trong các vở nhạc kịch, ngoài giọng hát và diễn xuất, chiều cao 1,78m giúp anh nổi bật, "ăn" sân khấu hơn.
Tốt nghiệp cấp 3, Đào Mác một mình lên Hà Nội thi đại học. Anh học 3 năm hệ Cao đẳng tại Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, sau đó học tiếp 4 năm hệ Chính quy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Trên sân khấu, Đào Mác là nghệ sĩ chuẩn chỉnh từng nốt nhạc, trên bục giảng là người thầy nghiêm túc nhưng ngoài đời anh "quậy", hài hước, thích bày trò trêu chọc người khác. Đôi lúc ham vui, anh muốn được "xõa, quẩy" hết mình, song phải kiêng cữ nhiều thứ để giữ giọng hát trời phú.
Ca sĩ tự nhận "hướng nội một nửa". Những giai đoạn quá bận rộn, Đào Mác thỉnh thoảng nhớ năm tháng ở Hà Nội thường tụ tập bạn bè đi chơi; ngày nghỉ dành thời gian đọc sách hoặc tận hưởng những khoảng lặng khi uống cafe một mình.
Đến nay, anh không còn thời gian cho những việc đó, bạn bè đều có cuộc sống riêng, không gặp nhau thường xuyên. Anh cũng nhớ tuổi trẻ từng ao ước được bận rộn đi diễn, đứng trên các sân khấu lớn.
"Mỗi lần như vậy, tôi lại động viên bản thân nắm bắt các cơ hội để sau này không hối tiếc. Tôi nhớ tuổi trẻ sôi nổi nhưng thích cuộc sống bận bịu hiện tại hơn vì tôi đã sống hết mình, không còn gì hối tiếc", Đào Mác cho biết.
Sẽ bù đắp cho gia đình
Vì công việc, đôi khi Đào Mác chưa chu toàn với gia đình. Một lần vừa hoàn thành chương trình, anh nghe tin bà ngoại mất ở Hà Nội nhưng không thể về vì còn đêm diễn vào hôm sau và trách nhiệm với nhà hát, khán giả. Vừa xong việc, anh vội vã trở về dù chỉ kịp thắp hương tiễn biệt bà.
Trong giai đoạn bận rộn này, Đào Mác hiểu vợ con đã rất chia sẻ, hỗ trợ mình. Đáp lại, bất kể lúc nào có thời gian rảnh, anh đều về nhà.
"Ban đầu, gia đình tôi cũng buồn nhưng hiện đã cảm thông hơn. Sau giai đoạn này, chắc chắn tôi sẽ bù đắp, dành nhiều hơn thời gian và tình cảm cho họ", anh nói.
Bé Di 5 tuổi nhưng rất hiểu chuyện, chưa từng trách bố Đào Mác "đi sớm về khuya" hay không thể thu xếp về dự sinh nhật con gái.
Cô bé thích hát nhưng không muốn học đàn, hát, chỉ hứng thú với ballet. Hiện tại, Đào Mác đang cho học ngoại ngữ và các môn vận động như bơi, patin... để phát triển toàn diện, tự nhiên.
Đại gia đình Đào Mác mỗi người một nơi nhưng đều ổn định và giữ liên lạc với nhau. Ca sĩ và anh trai đều ở TP.HCM khá thuận tiện ra thăm, chăm sóc và báo hiếu bố mẹ ở Bình Thuận.
Đào Mác hài lòng với công việc, cuộc sống ổn định hiện tại và đang ấp ủ những dự án bứt phá sự nghiệp. Anh chia sẻ: "Người nghệ sĩ luôn muốn bước ra khỏi vùng an toàn, tạo nên những sản phẩm để đời. Chắc chắn tôi sẽ làm gì đó cho riêng bản thân; và khi đã làm hết mình sẽ không đặt nặng mưu cầu hay nuối tiếc điều gì"
Đào Mác hát nốt Đồ (C2)