Đình Trung Văn có từ thế kỷ XVIII. Thờ thành hoàng: Đức Lạc Long Quân và tướng Đào Trực. Lễ hội: 10 tháng Giêng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: ngõ 28 Đại Linh, Trung Văn, XQVF+XP, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 10 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Đd số 12BT2 KĐT Trung Văn (xe 33)
LƯỢC SỬ
Phường Trung Văn thuộc quận Nam Từ Liêm, có diện tích hơn 277 ha, dân số năm 2013 là 29.850 người, mật độ dân số đạt 5.724 người/km². Phường nằm ở phía tây nam thủ đô Hà Nội, phía bắc giáp phường Mễ Trì; phía tây giáp phường Đại Mỗ; phía đông giáp phường Nhân Chính và phường Thanh Xuân Bắc; phía nam giáp phường Mộ Lao.
Ngày 27-12-2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 132/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập 2 quận và 23 phường thuộc TP Hà Nội. Phường Trung Văn được thành lập ngày 01-4-2014 trên cơ sở nguyên trạng địa giới xã Trung Văn cũ, vốn là một xã thuần nông có nghề thủ công, gồm 2 làng Phùng Khoang và Trung Văn (tên Nôm là Dộc Bé).
Sân đình Trung Văn
Thời Lê nơi đây gọi là Phùng Quang, thuộc xã Nhân Mục Môn, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1723 đưa vào huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Đầu thế kỷ XX thuộc về xã Ngọc Trục, tổng Đại Mỗ, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Năm 1965 nhập vào huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Hai thôn Dộc Bé và Ngọc Trục (Dộc Bồ) cách mỗi con sông Nhuệ và kết chạ với nhau. Đình Trung Văn được xây vào cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đình là một địa điểm hoạt động của cán bộ Việt Minh.
Đình Trung Văn toạ lạc trên một khu đất cao ráo ven ao làng hình chữ nhật. Đình mới được xây lại bằng kinh phí nhà nước, cổng làm theo kiểu nghi môn, mở ra ngõ 28 Đại Linh. Sau cổng là sân gạch với hai nhà giải vũ nhỏ 3 gian đối mặt nhau, ở giữa là toà đại đình nhìn về phía đông nam qua bức bình phong đắp cuốn thư và ao bán nguyệt nhỏ xíu. Nhà tiền tế gồm 5 gian cửa bức bàn, xây kiểu cổ diềm 2 tầng 8 mái, và kết nối với hậu cung sâu 4 gian theo hình chuôi vồ.
Trong đình Trung Văn
Hội làng được tổ chức hàng năm vào ngày mồng Mười tháng Giêng, có rước kiệu thành hoàng từ đình Trung Văn lên miếu để tế lễ và rước giao hiếu sang thôn Thượng Văn (Dộc Cả). Tại miếu có bài vị thờ nữ tướng Ả Lã Nàng Đê của Hai Bà Trưng. Trong đình thờ thành hoàng Lạc Long Quân và Đào Trực; hiện vẫn còn giữ được hàng chục đạo sắc phong, đạo sớm nhất có ghi niên đại Minh Mệnh 21 (1840).
Cổ vật chủ yếu cũng là những tạo tác của thế kỷ XIX. Đào Trực là một vị tướng thời Tiền Lê, được vua phong chức Thiên Bảo đứng đầu quan võ do có công chống giặc Tống xâm lược hồi thế kỷ X. Sau ngài đi đánh giặc Chiêm bị thương rồi mất. Từ Sấu Giá đến Trung Văn có 18 nơi thờ ngài.
Lưu ý: ở Trung Văn còn có đền thờ một vị tướng thời Hậu Lê, người làng, họ Đào, tên Thế Tiên, làm quan đến chức Đô đốc Thiêm sự, tước Quảng Quận công. Do lập được nhiều công lao trong các cuộc chiến với quân chúa Nguyễn và tử trận tại Thiên Lộc (Hà Tĩnh) tháng Một năm Canh Tý niên hiệu Vĩnh Thọ (1660) nên được truy tặng hàm quan là Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Bắc quân Đô đốc phủ, Đô đốc đồng tri, Thiếu bảo.
Hậu cung đình Trung Văn
Câu đối ở lăng mộ ngài gần đình Trung Văn có viết: Công tại Lê triều, danh tại Sử / Sống làm lương tướng, chết thành Thần
Ngày 2-10-1991, đình [và chùa] Trung Văn đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.