Di sản của Đại danh y Đào Công Chính, người gây dựng nền y học cổ truyền Việt Nam


Theo sử sách ghi lại, từ Hậu Lê có một vị danh y được tôn vinh là thần y, ông tổ phương pháp dưỡng sinh với những kiến thức về bảo vệ sức khỏe. Ông chính là đại danh y Đào Công Chính với tên khai sinh là Đào Dĩnh Đạt, sinh năm 1639 ở làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).

SKĐS- Để tri ân những công lao, cống hiến mà danh y Đào Công Chính cho nền y học nước nhà, thành phố Hải Phòng đã xây dựng và đưa vào khánh trạch khu lưu niệm mang tên danh y Đào Công Chính ngay tại quê nhà xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Ông tổ phương pháp dưỡng sinh và "Thánh thuốc Nam"

Theo sử sách ghi lại, từ Hậu Lê có một vị danh y được tôn vinh là thần y, ông tổ phương pháp dưỡng sinh với những kiến thức về bảo vệ sức khỏe. Ông chính là đại danh y Đào Công Chính với tên khai sinh là Đào Dĩnh Đạt, sinh năm 1639 ở làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, xứ Hải Dương (nay là làng Hội Am, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng).

Ông xuất thân trong một gia đình Nho học lâu đời có bố là Đào tướng công hiệu Nhã Hành làm quan Tri phủ, phủ Nam Sách, Hải Dương; mẹ là Nguyễn Thị hiệu Diệu Tín.

Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, ham học và có thể xem là bậc kỳ tài, năm 13 tuổi đã đi thi Hương, đậu Hương cống.

Người dân xã Cao Minh hân hoan khi có nhà lưu niệm dành cho Đại danh y Đào Công Chính. Ảnh:CTV

Năm 23 tuổi, đời Lê Thần Tông, ông đậu Bảng nhãn. Vì vậy, dân làng còn gọi ông là Bảng Cõi. Được vua yêu, chúa quý nên đại danh y Đào Công Chính thăng tiến rất nhanh, chỉ trong vòng 15 năm (1661-1676) từ Thị thư hàn lâm viện, ông đã được bổ nhiệm chức Phủ doãn phụng thiên (người đứng đầu kinh đô Thăng Long, nay là Hà Nội).

Năm 1673, Đào Công Chính được triều đình cử làm phó sứ đoàn Hộ sĩ dương sang Trung Quốc. Năm 1675 về nước, do hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi trở về ông được phong chức Lại bộ Hữu thị lang, nhập thị kinh diên giảng quan (người giảng sách cho vua) rồi Tăng tả thị lang, Quang tiến Thận lộc đại phu, Bồi tụng (như chức Phó Thủ tướng Chính phủ hiện nay).

Vào thế kỷ 17, khi còn là thị thư hàn lâm viện, cụ Đào Công Chính còn tham gia biên soạn "Đại Việt sử ký toàn thư", biên tập phần kỷ tục biên hoàn thành (năm 1665).

Khi nhập thị kinh diên (giảng sách cho vua) trong vòng 2 năm (1675-1676) cùng lúc ông làm sử quan tổng tài (chủ biên) biên tập 2 bộ quốc sử nổi tiếng là: "Trùng san Lam Sơn thực lục" và "Đại Việt Lê triều đế vương trung hưng công nghiệp thực lục".

Đến nay, tác phẩm tiêu biểu "Bảo sinh diên thọ toản yếu", bộ sách cẩm nang dưỡng sinh từ thế kỷ 16-17 của đại danh y Đào Công Chính vẫn còn nguyên giá trị và được nhà xuất bản Thông tấn đã ấn hành bộ "Bảo sinh Diên thọ toản yếu" vào năm 2004.

Ông được suy tôn là một trong ba đại danh y của Việt Nam, có công lớn trong việc xây dựng nền y học cổ truyền dân tộc, tạo thế kiềng ba chân vững chắc: "Y học đối với Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Dược học đối với Tuệ Tĩnh, Dưỡng sinh học đối với Đào Công Chính".

Bảo sinh diên thọ là cuốn sách rất giá trị với nền y học cổ truyền Việt Nam

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng -Chủ tịch Hội đông y Việt Nam từng có bài phát biểu khi nói về những thành tựu mà danh y Đào Công Chính để lại, đặc biệt cuốn Bảo sinh diên thọ mà danh y và một số hà y học đã biên soạn, xuất bản cách đây 300 năm. 

Theo đánh giá của bác sĩ Hướng, Bảo sinh diên thọ là một trong những cuốn sách của nền đông y Việt Nam, mang giá trị giáo dục mỗi người cần có ý thức tự chăm lo rèn luyện sức khỏe. Trong cuốn sách chủ yếu đề cập nếu luyện tập và giữ gìn được tốt thì cuộc sống sẽ trường thọ. Cuốn Bảo sinh diên thọ không chỉ thể hiện được sự hiểu biết sâu rộng của nền y học phương Đông mà còn chứa đựng cả thuyết Âm dương ngũ hành, tạng tượng và thuyết vận khí. Đặc biệt, cuốn sách này dành cho mọi người, mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính..., tạo thành phương pháp dưỡng sinh độc đáo.

"Đào Công Chính với Bảo sinh diên thọ toản yếu khắc in năm 1676 đã đề cập một cách toàn diện từ lý luận tới cách sống, ăn uống, nghỉ ngơi, tắm rửa, sinh hoạt tình dục, tự xoa bóp và các bài tập cụ thể", Giáo sư Hoàng Bảo Châu-nguyên Viện trưởng viện YHCT Việt Nam nhận xét.

Con cháu đời sau không có duyên theo nghề ông

Nhắc tới cụ Tổ của dòng họ Đào Công Chính, ông Đào Công Phượng – cháu đời thứ 14 của đại danh y Đào Công Chính cho biết: "Thuở nhỏ, tôi có nghe ông nội kể về dòng họ có người làm chức sắc trong triều đình và có tài chữa bệnh. Mỗi dịp giỗ cụ, con cháu cũng chỉ biết đến quây quần thắp hương tưởng nhớ ông và ngắm chân dung ông qua bức tượng bằng gỗ trong gian thờ. Ký ức về cụ cũng chỉ gói gọn trong lời kể đó. Mãi sau này, năm 2004 khi được nghe các nhà khoa học trong hội thảo bàn về thân thế, sự nghiệp của cụ thì con cháu trong nhà mới hay cụ làm chức to, có công lao lớn như thế. Chỉ tiếc, con cháu nhiều đời sau của cụ không có ai theo nghề này".

Ông Đào Công Phượng-cháu đời thứ 14 của đại danh y đang đọc tư liệu viết về thân thế, sự nghiệp của cụ Đào Công Chính treo tại gian thờ của gia đình mình.
Ông Đào Công Phượng ngày ngày quản lý, trông coi và chăm sóc nhà lưu niệm.
Cháu đời thứ 14 của đại danh y Đào Công Chính đang lần giở những tài liệu viết về phương pháp dưỡng sinh của cụ.

Đánh giá việc đưa khu nhà lưu niệm đại danh y vào xây dựng, hoạt động, đại diện lãnh đạo xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo chia sẻ: Khu nhà lưu niệm đại danh y Đào Công Chính có diện tích 1 ha nằm tại thôn Hội Am của xã Cao Minh, nằm sát khu dân cư trên trục đường chính của xã. Khu lưu niệm được xây dựng từ tháng 9/2021 và đến 18/7/2023 thì hoàn thiện giai đoạn 1 với khuôn viên và nhà lưu niệm. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 1 khoảng 14,9 tỉ đồng. Hiện, công trình đang chuẩn bị tiến hành giai đoạn 2 làm hệ thống điện, nước với số tiền 1,2 tỉ đồng.

Vào ngày khánh trạch vừa qua, chính quyền huyện cũng đã tiến hành các nghi thức tâm linh cung nghinh thần tượng danh y nhà lưu niệm.

Thần tượng danh y Đào Công Chính được làm bằng chất liệu đồng, mặc triều phục, cao 107cm, bệ cao 10 cm, nặng 198 kg do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Thạnh (làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội) chế tác, Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội cung tiến.

Do công trình mới đưa vào sử dụng nên chưa có ban quản lý nhà lưu niệm. Theo đó, chính quyền xã đã tạm giao cho ông Đào Công Phượng - cháu đời thứ 14 của đại danh y quản lý, trông coi và chăm sóc. Từ ngày đưa vào sử dụng, hàng ngày chiều và sáng sớm, người dân trong xã lại rủ nhau ra sân nhà lưu niệm truyền dạy cho nhau những bài tập dưỡng sinh rèn luyện thân thể, phát huy tinh thần và những giá trị về y học của cụ dành cho hậu thế. Một số trường Đại học ở phía Nam, ngoài Bắc, đặc biệt trường đào tạo ngành y cũng đã đưa sinh viên về đây thắp hương tưởng nhớ đại danh y, qua đó tìm hiểu thêm về thân thế sự nghiệp, những thành tựu, công lao đóng góp của cụ đối với nền y học cổ truyền dân tộc.

Mời quý vị xem thêm video dưới đây:

Gian thờ danh y Đào Công Chính tại quê nhà xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng

Minh Lý - Đ.Giang

Nguồn https://suckhoedoisong.vn/di-san-cua-dai-danh-y-dao-cong-chinh-nguoi-gay-dung-nen-y-hoc-co-truyen-viet-nam-169240118230110132.htm

Bài viết mới
Di sản của Đại danh y Đào Công Chính, người gây dựng nền y học cổ truyền Việt Nam