Đình Kỳ Sơn thờ vị Thành hoàng là võ tướng thời Tiền Lý, tên là Đào Hạo có công đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, được vua ban thực ấp, trấn giữ phủ Kinh Môn


Đình Kỳ Sơn xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng thờ vị Thành hoàng là võ tướng thời Tiền Lý, Ông tên Đào Hạo có công đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, được vua ban thực ấp, trấn giữ phủ Kinh Môn

          Kỳ Sơn vốn là dải đất ven biển miền duyên hải Bắc Bộ có từ thời Tiền Lý (544-602). Đình Kỳ Sơn thờ vị Thành hoàng là võ tướng thời Tiền Lý, tên là Đào Hạo có công đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, được vua ban thực ấp, trấn giữ phủ Kinh Môn. Lúc thiếu thời, tướng Đào Hạo thông minh, tinh nghịch. Khi đi học, ngài thường bày trò giấu đá xuống ao, hồ rồi cùng đồng môn xuống mò tìm, ai nhanh nhẹn đưa được đá lên bờ thì người ấy thắng. Sau này, khi trở thành tướng giỏi của triều Lý, ngài thường dùng cách này để luyện quân, tạo cho quân tướng có sức khỏe, khả năng chịu đựng gian khổ trong mùa đông giá rét, sức dẻo dai mới giành chiến thắng. Khi ngài mất, đình làng Kỳ Sơn vẫn thờ một viên “đá thần” cho tới ngày nay. Lễ hội chạy đá cũng bắt nguồn từ đó. Ngày mở hội, một cụ cao niên khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, mặc trang phục tế chỉnh tề, trịnh trọng vào đình, thành tâm khấn xin được rước đá thiêng ra ngoài. Đi đầu là đội trống và kiệu rước, một người cầm cây nêu đi theo. Đá rước từ đình ra bến Đầm (nay là giếng làng) rồi được cụ cao niên trong làng thả xuống nước. Những thanh niên tham gia chạy đá được cử ra từ hai xóm, mỗi xóm cử 5-7 người làm lễ tại đình và được chủ tế ban cho mỗi người một chén rượu, một miếng trầu ăn cho ấm bụng rồi tham gia chạy đá. Khi dứt 3 tiếng trống lệnh, những thanh niên hướng về giếng mà mò tìm đá. Cuộc mò tìm kết thúc khi ai tìm được đá đưa về đình. Người xưa quan niệm, ai mò được đá thì năm ấy gia đình và dòng họ làm ăn phát tài, phát lộc. Chạy đá còn có ý nghĩa rèn luyện tinh thần, khí chất của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Phiến đá to nặng, nhẵn, trơn, đòi hỏi người tham gia có sức khoẻ, sự mưu trí, nên “chạy đá” mang đậm tinh thần thượng võ.

          Lễ hội với trò chơi dân gian tưởng nhớ danh tướng có công với đất nước, tiêu biểu là lễ hội vật cầu, chạy đá ở làng Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Thành phố Hải Phòng. Lễ hội chạy đá của làng này trước đây thường được mở vào mồng 5 tháng Giêng âm lịch hằng năm, nay chuyển sang mồng 9 tháng Giêng (tránh trùng với lễ hội vật cầu)

          Theo truyền thống, ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng, du khách lại có dịp về làng Kỳ Sơn tham dự lễ hội hội chạy đá và rước lợn Ông Bồ. Đây là những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc cư dân miền biển.

          Chiều mồng 9, khu vực bến Đầm, gần đình làng, dân làng tụ hội rất đông. Sau khi tế lễ ở đình làng, người cao tuổi trong làng đưa hòn đá thiêng, hình bầu dục, nhẵn, trơn (nặng hơn 10 kg), giấu dưới hồ nước cách đình làng – nơi tổ chức hội – chừng 10 mét. 12 thanh niên trẻ khoẻ chia làm 2 giáp, mỗi giáp 6 người, khi vào cuộc chơi chạy ba lần theo tiếng trống để mò tìm đá. Cuộc thi mò đá diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 15 phút. Bên nào tìm được đá phải khéo léo chuyền nhau đưa đá về đình. Đường về đình xa, đá lại nặng và trời rét nên rất khó trở thành người thắng cuộc. Mặc dù vậy, vẫn không ai nản chí vì càng chạy đá, họ càng hăng hái. Hội chạy đá được dân làng Kỳ Sơn khôi phục lại năm 2006. Từ đó đến nay, cứ cách 1 năm, dân làng lại tổ chức lễ hội 1 lần. Theo ông Vũ Văn Được, trưởng làng văn hóa Kỳ Sơn, từ xa xưa dân làng Kỳ Sơn vẫn thờ một viên đá trong đình nặng khoảng 10kg. Vào ngày lễ hội, một cụ cao niên trong làng còn khỏe mạnh, gia đình hạnh phúc, mặc quần áo tế, đội mũ tế trịnh trọng trang nghiêm vào đình cúng khấn xin được rước đá ra ngoài. Đi đầu là đội trống rước và bốn thanh niên khiêng kiệu rước, một người cầm cây nêu đi theo. Đá rước từ đình ra bến Đầm rồi được cụ cao niên trong làng thả xuống nước. Những thanh niên tham gia chạy đá làm lễ tại đình và được chủ tế ban cho mỗi người một chén rượu và một miến trầu ăn cho ấm bụng rồi tham gia chạy đá. Sau đó là lễ hoàn đá vào đình và người mò được đá nhận giải thưởng của làng. Người xưa quan niệm ai mò được đá thì năm ấy gia đình và dòng họ làm ăn phát tài, phát lộc.

Các trai làng đưa đá dưới ao về Đình làng

          Đến sáng mồng 10 tháng giêng, dân làng Kỳ Sơn lại tổ chức lễ hội rước lợn ông Bồ và rước bánh giày, với ý nghĩa khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Ở Kỳ Sơn từ những năm xa xưa, các giáp trong làng khuyến khích việc nuôi lợn giỏi, nhất là chuẩn bị lợn cho lễ tế đám. Hồi ấy, làng quy định  gia đình nào sinh con trai phải gánh tế đám thì người ấy có nhiệm vụ nuôi một con lợn to (do giáp đóng tiền mua giống và quy định về trọng lượng lợn mà người nuôi phải đạt tới). Lợn nuôi nhiều hay ít là do các giáp quyết và đều có treo giải tùy theo trọng lượng lợn.

          Từ năm 1997, Kỳ Sơn khôi phục lễ hội Rước lợn “ông Bồ”. Năm ấy, bên cạnh việc tuyên truyền cổ vũ ý nghĩa lễ hội, Báo Hải Phòng ủng hộ bà con 600 nghìn đồng để mua lợn giống. So với trước đây, làng không còn nuôi lợn treo giải, nhưng vẫn cơ bản bảo đảm các quy trình như chọn gia đình nuôi lợn giống tốt để khi vào lễ đúng là lợn “ông Bồ” nặng cân, nhiều thịt, đẹp mắt. Ông Nguyễn Văn Bối, người nhiều năm được dân làng chọn là người nuôi lợn ông Bồ cho biết: “Ngày 10 tháng giêng âm lịch mới vào hội, nhưng từ 23 tháng chạp, “ông Bồ” đã được thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho trơn lông, đỏ da. Từ hôm đó là phải gọi lợn là “ông Bồ”, cho ăn cơm gạo ngon và chuối, thậm chí tối phải “mắc màn” cho “ông Bồ” nằm để không bị muỗi đốt. Suốt quá trình nuôi lợn để đủ điều kiện làm lợn “ông Bồ”, chủ nuôi phải tránh để lợn gặp người lạ, cho ăn uống theo chế độ đặc biệt để có hình dáng đẹp và có cân nặng từ 1,5 tạ trở lên. (“Ông Bồ” không phải là tên một cá nhân mà có nghĩa là “to”).

Lễ rước lợn “Ông Bồ” ở thôn Kỳ Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy

          Từ nửa đêm mồng 9 tháng Giêng, ngả lợn, các cụ cao tuổi đều cúng khấn. Lợn được làm sạch sẽ, đặt trên mâm cho xoãi cả bốn chân, có giấy hồng điều trang trí. Mâm bánh giày cũng được xếp đẹp mắt, lại thêm mâm ngũ quả nhiều màu sắc. Tất cả đặt lên kiệu rước trong tiếng trống hội và đội bát âm réo rắt. Trên đường rước lợn về đình làng, làng Kỳ Sơn tuyên dương, xướng tên những người giỏi phát triển chăn nuôi, trồng trọt trong năm. Lễ tế rước được tiến hành tại đình làng, có thêm mười cháu tuổi từ 10-12 tham gia cùng các bậc cao niên. Sau lễ rước, lợn được chia cho mọi nhà để cùng hưởng lộc. Ngày nay, lễ rước lợn ông Bồ vẫn có tác động lớn đến đời sống người dân Kỳ Sơn vì làng vẫn có nhiều hộ chăn nuôi lợn giỏi.

Bài viết mới
Đình Kỳ Sơn thờ vị Thành hoàng là võ tướng thời Tiền Lý, tên là Đào Hạo có công đánh giặc ngoại xâm, dẹp loạn, được vua ban thực ấp, trấn giữ phủ Kinh Môn