Làng Đồng Đồng xưa còn gọi là Cự Đồng Trang- Đông Trại, thuộc tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại, Phủ Thuận An nay là thôn Đồng Đông xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, Làng Đồng Đông xưa ở hữu ngạn sông Đuống, đến đầu thể kỷ 19 ( 1826) do lòng sông ngày càng mở rộng, nạn lũ lụt thường xuyên gây hại, Làng đã phải chuyển vào vị trí hiện nay và ngôi Đình được xây dựng trên một khu đất rộng giữa làng, hướng Tây nam.
Làng Đồng Đồng xưa còn gọi là Cự Đồng Trang- Đông Trại, thuộc tổng Đình Tổ, huyện Siêu Loại, Phủ Thuận An nay là thôn Đồng Đông xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
Theo các cụ cao tuổi trong làng kể lại, Làng Đồng Đông xưa ở hữu ngạn sông Đuống, đến đầu thể kỷ 19 ( 1826) do lòng sông ngày càng mở rộng, nạn lũ lụt thường xuyên gây hại, Làng đã phải chuyển vào vị trí hiện nay và ngôi Đình được xây dựng trên một khu đất rộng giữa làng, hướng Tây nam. Phía trước sân là ao đình, hình bán nguyệt, xung quanh ao được xây gạch, bó bờ cao ráo và có bậc lên, xuống rất thuận tiện.
Đồng Đông là một trong những địa bàn cư trú của người Việt cổ thời Vua Hùng mở nước thuộc trung tâm Luy Lâu ( vùng Dâu). Cùng xã với Đồng Đông cách 3 km về phía Tây là làng á Lữ, nơi có Lăng mộ Kinh Dương Vương và đền thờ Kinh Dương Vương-Lạc Long Quân, Âu cơ-thuỷ tổ nước ta.
Ngay từ những thế kỷ đầu công nguyên, Đồng Đông đã là một trong những tụ điểm của các anh hùng hào kiệt chống quân xâm lăng. Năm 227 Nhà Ngô-phương bắc độ hộ nước ta “ Đều lấy binh uy mà ức hiếp” quân Ngô “ Chính hình bạo ngược !”. Vì vậy, Luy Lâu trung tâm Quận Giao Chỉ cũng chính là tâm điểm của các cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô.
Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của 3 anh em kết nghĩa: Nguyễn Cống, Đào Lợi, Đào Giai quê gốc ở vùng Thanh Hoá “ Cửu Chân thủa ấy” diễn ra tại Cự Đồng Trang- Đông Trại nay là Làng Đồng Đông xã Đại Đồng Thành Huyện Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh.
Các vị tướng công đã chỉ huy quân dân chiến đấu với giặc Ngô dòng giã hơn 3 tháng “Quân ta tìm giặc mà đánh… quyết đem sức mình giao chiến với giặc”. Nhưng vì “ Thực tận binh bì " lương hết, quân mệt mỏi nên sự nghiệp không thành, cả 3 vị tướng đều đã anh dũng hi sinh ngay trên mảnh đất Đồng Đông này. Khi thấy 3 anh đã hi sinh, bà Thị Minh em gái của Nguyễn Cống đau sót đã quyết tự vẫn theo cùng các anh, không chiụ để xa vào tay quân giặc.
Để tưởng nhớ và ghi công các vị anh hùng và người em gái tiết nghĩa, dân làng Đồng Đông đã lập miếu thờ 3 vị tướng công: Nguyễn Cống, Đào Lợi, Đào Giai và liệt nữ Thị Minh.
Đời Vua Đinh Tiên Hoàng đã phong cho 3 vị tướng công: Khẩu Cống, Thiện Lợi Đại Vương, Hữu Giai thái tử và Quý Minh Công chúa để biểu dương chí quật cường chống xâm lăng của tiền nhân. Đời vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) cũng phong cho 4 vị là Thượng Đẳng Thần, “Tứ Thời Bát Tiết, Hương Hoả Ngàn thu”
Để đời đời tưởng nhớ công ơn của 4 vị anh hùng “Trung nghĩa tiết liệt”, nhân dân Đồng Đông đã thờ 4 vị làm thành hoàng làng, hàng năm vào ngày 8 tháng 2 âm lịch tổ chức tế lễ dâng hương “ Xuân Thu hợp tế “ đồng thời cũng là ngày hội rước của dân làng.
Ngôi Đình làng hiện nay có quy mô khá đồ sộ kiến trúc theo kiểu chữ Công, gồm: 7 gian đại đình, 1 gian ống muống và 3 gian hậu cung nối liền thành một tổng thể mặt bằng tại trung tâm của Làng. Toà đại đình gồm 8 bộ vì kết cấu theo kiểu thượng kèo, trụ chống nóc, hạ kẻ trường, tiền bẩy hậu bẩy.
Riêng 2 vì giữa kết cấu theo kiểu chồng giường - giá chiêng. Nghệ thuật kiến trúc,trang trí ở đình làng Đồng Đông được thể hiện tập trung trên các bức cốn, con chồng, đầu bẩy, đầu dư . Người thợ đã chạm nổi, kênh bong nhiều đồ án trang trí theo phong cách truyền thống.
Đình làng Đồng Đông chẳng những là nơi ngưỡng vọng, hào khí thiêng liêng, hướng về nguồn cội vẻ vang, võ công đánh giặc, cứu nước của tổ tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc, mà còn là một công trình nghệ thuật kiến trúc còn khá nguyên vẹn, nơi lưu giữ một số lượng lớn các di vật lịch sử - văn hoá có giá trị, đặc biệt như: ở trước sân Đình có 3 tấm bia đá, trong đó có 2 bia hậu ghi công đức các đợt tu sửa Đình và 1 bia đề “ Mai Bảng Tiêu Phong” ghi tên tuổi, chức tước 7 người làng đỗ đại khoa qua các triều đại.
Trong toà nhà đại đình và hậu cung còn khá nhiều đồ thờ bằng gỗ, sơn son, thiếp vàng lộng lẫy như : 4 bộ Long đình, 4 bộ kiệu bát cống, 4 bộ ngai, 3 ngựa và 1 kiệu võng, 4 bộ gươm trường bát bửu và nhiều hoành phi, câu đối, ban thờ… được trạm khắc các hình Hổ phù, Long, Ly, Quy, Phượng, hoa lá khá tinh xảo, mang đậm dáng vẻ nghệ thuật điêu khắc thời Lê - Nguyễn.
Có thể nói, nghệ thuật kiến trúc Đình làng Đồng Đông và những di vật còn lại ở đây, xứng đáng là một bảo tàng cổ đặc sắc, góp phần xác đáng vào việc nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử văn hoá, mỹ thuật truyền thống của dân tộc.
Với những giá trị tiêu biểu đó, ngày 31 tháng 01 năm 1992 Bộ văn hoá thông tin đã ra Quyết định số: 138/ VH-QĐ Công nhận Đình làng Đồng Đông xã Đại Đồng Thành là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia.
Phát huy truyền thống văn hoá của quê hương, trong những năm qua, cùng với việc xây dựng tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá. Cán bộ và nhân dân Đồng Đông đã chú trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát động mạnh mẽ phong trào xây dựng đời sống văn hoá, đặc biệt là phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá.
Đến hết năm 2009, cơ bản đã hoàn thành xong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng , các thiết chế văn hoá như : Khu nhà trẻ, mẫu giáo và trường Tiểu học,
Khu vực trung tâm văn hoá - tín ngưỡng của làng gồm: Đình, chùa, lăng mộ tứ vị Thành Hoàng , nhà văn hoá, điểm bưu điện văn hoá… Hệ thống đường giao thông thôn, xóm đã được bê tông hoá ,100% các hộ gia đình đã ngói hoá, trong đó có 75% là nhà mái bằng, nhà tầng kiên cố . Toàn thôn có gần 800 xe máy , hơn 30 xe ôtô các loại, hầu hết các gia đình đã có Tivi , hơn 800 gia đình sử dụng điện thoại . Trong thôn đã có 8 máy múc, 14 máy cày,12 máy tuốt lúa và 10 máy xay sát…
Với vị trí địa văn hoá - kinh tế, thuận lợi trong giao lưu “Trên bến, dưới thuyền” bên bờ nam Sông Đuống và trung tâm huyện lỵ Thị trấn Hồ , huyện Thuận Thành. Trong hơn 20 năm đổi mới, cán bộ và nhân dân Đồng Đông đã đoàn kết, năng động sáng tạo, nắm bắt thời cơ, dám nghĩ, dám làm , thích ứng với cơ chế thị trường. Luôn đổi mới tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ về khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh , phù hợp với điều kiện và lợi thế vốn có để phát triển kinh tế hộ gia đình, mở mang các ngành nghề mới, giải quyết vấn đề việc làm cho lao động trong thôn.Đưa các giống cây trồng có năng xuất cao, những con giống có giá trị kinh tế vào sản xuất và chăn nuôi đã đem lại hiệu quả và tăng thu nhập ngày một cao cho nhân dân, với tổng doanh thu hàng trăm tỷ đồng / năm.
Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao .Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 0,68%, tỷ lệ hộ giàu tăng trên 200 hộ đạt hơn 25%. Bình quân lương thực đầu người trên 500kg / người/năm .Thu nhập bình quân đạt 12.000.000đ/người/năm.
Các gia đình thuộc diện chính sách đã được cấp uỷ, các đoàn thể quần chúng và nhân dân quan tâm chu đáo, 100% các gia đình Liệt sĩ, Thương binh…đều được cấp sổ tiết kiệm tình nghĩa ( Mỗi sổ từ 300.000 đến 500.000đ). 100% các cháu trong độ tuổi đi học đều được đến trường, tỷ lệ học sinh giỏi và thi đỗ đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước, công tác khuyến học đã được quan tâm thường xuyên, nhiều dòng họ xây dựng được quỹ khuyến học để động viên con em chăm ngoan học giỏi.
Hàng năm cấp uỷ và Ban quản lý thôn đã tổ chức hội nghị giáo dục để xét thưởng và kiểm điểm việc chăm sóc giáo dục thanh thiếu niên và học sinh, kịp thời động viên con em Đồng Đông thi đua học tập và rèn luyện đạo đức - nhân cách, xứng đáng với truyền thống của quê hương.
Với thành tích nhiều năm liền giữ vững danh hiệu làng Văn hoá, trong đợt tổng kết 20 năm phát động phong trào xây dựng đời sống Văn hóa tỉnh Bắc Ninh, làng Đồng Đông đã vinh dự được uỷ ban nhân dân tỉnh tặng bằng khen,
Làng xóm ngày càng giầu, đẹp, văn minh,với khu trung tâm văn hoá - tín ngưỡng: Nhà văn hoá, Đình,Chùa và Lăng mộ tứ vị Thành Hoàng khang trang tố hảo, đã thực sự là nơi hội tụ hướng về cội nguồn, tưởng niệm công đức của tổ tiên với tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ của các thế hệ người dân Đồng Đông trong các ngày Lễ - Tết , đặc biệt là vào dịp lễ hội đình làng với lễ thức rước hội truyền thống vào ngày mùng 7 và mùng 8 tháng 2 Âm Lịch.
Lễ hội đình làng Đồng Đông hàng năm , được tổ chức với quy mô lớn ,hoành tráng, tôn nghiêm . Ngay từ ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch. Các gia đình, dòng họ ,các hội đồng niên và quý khách thập phương đã thành tâm dâng lễ tại Đình làng và lăng mộ Thờ tứ vị Thành Hoàng.
Các trò chơi dân gian, thi đấu thể thao , thi trọi gà , cờ tướng và giao lưu văn nghệ được diễn ra vào ngày mùng 7 tháng 2 âm lịch,tại khu Nhà văn hoá bên cạnh Đình Làng đã thu hút nhiều vận động viên và các đoàn thể quần chúng tham gia như : Hội người cao tuổi, Hội CCB, Đoàn thanh niên và Các CLB phụ nữ trung cao tuổi, CLB đàn hát dân ca… các hoạt động này đã làm cho không khí ngày hội thêm phần vui tươI, nhộn nhịp .
Điểm đặc biệt của lễ hội Đình Làng Đồng Đông chính là Lễ rước đại nghênh tứ vị Thành Hoàng diễn ra vào sáng mùng 8 tháng 2 âm lịch, Lễ rước tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần, được diễn ra trong không khí tưng bừng, phấn khởi chào đón một năm mới với nhiều sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, quê hương.
Để lễ rước đại nghênh tứ vị Thành Hoàng thể hiện được sự tôn nghiêm và thành kính . UBND xã đã chỉ đạo ban quản lý thôn Đồng Đông, ban quản lý di tích lịch sử đình làng tập trung tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử -văn hóa của di tích, đồng thời triển khai kế hoạch tổ chức lễ hội tới các đội sản xuất, các ban ngành đoàn thể, các hội đồng niên, các CLB trong thôn, cùng góp công sức phục vụ lễ hội .
Hầu hết các hội đồng niên và các CLB đều tự nguyện chuẩn bị trang phục, đạo cụ sẵn sàng tham gia lễ rước. Có nhiều hội đồng niên đã tổ chức đóng góp kinh phí thành tâm công đức vào Đình những hiện vật rất ý nghĩa và có giá trị .
Ngay từ sáng sớm , trong tiết xuân ấm áp, dưới làn mưa bay nhè nhẹ, như báo hiệu một ngày đẹp trời , từ khắp các ngõ xóm trong thôn, ai nấy đều rộn ràng, náo nức trong những bộ trang phục rực rỡ sắc mầu, chờ đón buổi khai mạc lễ hội của BTC.
Lễ rước đại nghênh tứ vị Thành Hoàng làng Đồng Đông - 2013 vừa qua có sự tham gia đông đảo của nhân dân trong thôn và quý khách thập phương ,với gần 40 đoàn rước khác nhau , được BTC hướng dẫn, chỉ đạo chặt chẽ nên đã tạo thành một khối thống nhất. Các long đình, long ngai, kiệu, võng, gươm trường, bát bửu ,ngựa thần, Ô, Lọng của đức Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam và Đệ Tứ, do 27 hội đồng niên trong thôn tham gia rước, cùng với các hội viên ban ngành, đoàn thể và các đội dâng hương, dâng hoa, múa tứ linh, múa xinh tiền, đoàn nhạc địa phương và đội trống Cà Rùng của CLB Đàn hát dân ca... Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng nhạc, tiếng cười nói, hân hoan của dòng người về dự lễ hội, tất cả như hoà quyện vào nhau, tạo nên một lễ hội thật ấn tượng, mang đậm bản sắc Văn hoá quê hương dân tộc.
Đoàn Rước được bắt đầu từ Đình làng , đi theo hướng Đông lên đê rồi vào Lăng mộ tứ vị Thành Hoàng để các bậc cao niên làm lễ hành tại, đây cũng là khoảng thời gian đoàn rước và khách thập phương được nghỉ ngơi, ngắm cảnh và ghi lại những hình ảnh của mình trong một khoảnh khắc khó quên. Sau khi làm lễ hành tại, Đoàn rước lại trở về Đình theo hướng tây của làng, tạo hướng đi thành một vòng tròn, để nhà nhà, người người, ai cũng được tận mắt chiêm ngưỡng và thành tâm vái lậy các bậc thánh hiền cùng những di vật quý báu của đình Làng.
Nhìn những ánh mắt vui tươi phấn khởi, những nụ cười rạng rỡ trên từng khuôn mặt của người dân Đồng Đông và quý khách thập phương về dự lễ hội, cho thấy họ rất tự hào về một truyền thống Văn hóa lâu đời, tự hào với danh hiệu làng văn hóa nhiều năm liền, Đồng Đông - Đại Đồng Thành hôm nay chắc chắn sẽ không ngừng đổi mới đi lên, để luôn xứng đáng là một làng quê văn hóa, của quê hương Thuận Thành - Bắc Ninh văn hiến anh hùng hôm nay ./.
Nho Thuận