Hành trình con cháu họ Đào tôn tạo, phục dựng chùa Hưng Phúc nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc


Hành trình con cháu họ Đào tôn tạo, phục dựng chùa Hưng Phúc nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc tại thôn Tràng Lang, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá

Thái sư Á vương Đào Cam Mộc quê ở thôn Tràng Lang (xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa), ông là người có công đầu, đường hoàng lộ diện đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, khai mở vương triều nhà Lý kéo dài 216 năm trong lịch sử dân tộc.

Người con kiệt xuất

Từ trung tâm thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) chúng tôi di chuyển theo hướng Tây dọc quốc lộ 45 thêm hơn 30km là tới chùa Hưng Phúc (xã Định Tiến, huyện Yên Định). Tại ngôi chùa này đang thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc, một danh thần từng có nhiều công lao to lớn đối với đất nước cuối thế kỷ thứ X, đầu thế kỷ XI.

Phía trước ngôi chùa Hưng Phúc nơi dòng sông Mã chảy qua, các phía còn lại được bao quanh bởi nhà dân ở san sát. Dẫn chúng tôi đi tham quan khu vực quanh chùa Hưng Phúc vốn là vùng đất rất rộng lớn xưa kia, ông Trịnh Năng Ngự (sinh năm 1942), hiện là Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Lang Thôn (xã Định Tiến) kể:

Về nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc-người góp công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi  - Ảnh 2.

Chùa Hưng Phúc tọa lạc tại làng Lang Thôn (xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: VT

"Chùa Hưng Phúc có thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc, một ngôi chùa linh thiêng ở Thanh Hóa. Xưa kia, chùa Hưng Phúc có khuôn viên rộng khoảng 40-50ha, tuy nhiên do chiến tranh, chùa bị phá hủy, không còn nguyên vẹn.

"Nhắc đến ông Đào Cam Mộc hiện nay phải kể đến cánh đồng Ao Quan, đây là bổng lộc vua ban cho Thái sư Á Vương với diện tích rộng khoảng mấy trăm mẫu, giờ dân làng đã xây nhà ở tới một phần ba diện tích. Đặc biệt, một số điểm di tích khác nhưng đã bị phá hủy như: Cồn Thánh, Cồn Lăng, còn trước cửa chùa, cửa đền là Cồn Trống, Cồn Chiêng...", ông Ngự trầm ngâm.

Với nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu qua các tài liệu, các di tích còn lại…ông Trịnh Năng Ngự thông tin: "Cụ Đào Cam Mộc quê làng Lang Thôn (xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi bố mất, ông theo mẹ về quê ngoại làng Nam Trịnh, xã Yên Trung cùng huyện".

Về nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc-người góp công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi  - Ảnh 4.

Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc được thờ tại chùa Hưng Phúc (xã Định Tiến, huyện Yên Định). Ảnh: VT

Góp công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, dời đô về Thăng Long

Từ nhỏ cụ Đào Cam Mộc tỏ rõ thông minh, khỏe mạnh. Một lần, vua Lê Đại Hành tuần du về Thanh Hóa, qua sông Mã (đoạn sông chảy qua Yên Trung, Yên Bái, nay sông Mã đã đổi dòng) do có rất nhiều đá ngầm nên thuyền bị mắc cạn, quân lính đẩy mãi mà không nhúc nhích tí nào. 

Lúc này, Đào Cam Mộc từ đâu xuất hiện là hướng dẫn cả đoàn đưa thuyền rút ra khỏi bãi đá ngầm khiến cho vua Lê Đại Hành ngạc nhiên và cho người tìm hiểu về Đào Cam Mộc rồi chiêu dụ ông theo khi ông đã khá có tuổi. 

Sau dần, được vua tin dùng, ông dần thăng chức Chi hậu (hầu cận vua).

Về nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc-người góp công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi  - Ảnh 5.

Ông Trịnh Năng Ngự-Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Lang Thôn (xã Định Tiến). Ảnh: VT

Khi nhà Tiền Lê suy yếu, nhân dân lâm vào cảnh đói khổ, lầm than, bối cảnh lúc bấy giờ rất phức tạp, chỉ có Đào Cam Mộc là người có thể lộ diện hiệu triệu, phù Lý Công Uẩn lên ngôi, chấn hưng lại đất nước.

"Năm 1009, Long Đĩnh chết. Lý Công Uẩn được đem 500 quân tùy long vào canh. Chi hậu Đào Cam Mộc nhân đó khuyên Lý Công Uẩn nên thừa thời mà tự lập làm vua để yên thiên hạ. Việc chưa quyết, Đào Cam Mộc sợ để lâu không lợi nên bèn triệu họp trăm quan lại nói rằng: "Hiện nay dân chúng khác lòng, trên dưới lìa ý, mọi người chán ghét Tiên đế hà khắc bạo ngược, quan thân vệ bọn ta không nhân lúc này cùng nhau tôn phù Thân vệ làm thiên tử, phút chốc có xảy ra tai biến, chúng ta có thể giữ được đầu không?" Rồi cùng nhau lập Lý Công Uẩn lên làm vua" - ông Trịnh Năng Ngự ghi chép lại rất cẩn thận.

Sau này, khi triều chính tạm ổn định, tháng 2 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) nhà vua cùng phò mã Đào Cam Lộc đi kinh lí các tỉnh miền ngoài để tìm đất định đô lâu bền. Và quyết định rời đô về Thăng Long của Lý Thái Tổ cũng có một phần đóng góp ý tưởng và công sức của Đào Cam Mộc.

Về nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc-người góp công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi  - Ảnh 6.

Ông Trịnh Năng Ngự cho biết, chùa Hưng Phúc có thờ Á Vương Đào Cam Mộc. Ảnh: VT

Để ghi nhớ công ơn vị khai quốc công thần, Lý Thái Tổ đã truy phong cho ông Đào Cam Mộc chức vị cao nhất là Á Vương, cho xây đền thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc ngay tại tư dinh và ban tặng câu đối: "Lý triều định đô vương tứ phúc/ Đào trạng văn quan Quốc ân thân".

Quá trình phục dựng, tôn tạo, xây dựng

Hiện nay, dấu tích ở chùa Hưng Phúc được ghi lại trên các hiện vật như mảnh ngói, sứ, gạch vồ, chân cột bằng đá, tượng chó đá...

Đặc biệt là tấm bia "Trùng san Hưng Phúc tự" là nguồn tài liệu bổ sung cho chính sử khi nghiên cứu về làng xã, các vấn đề kinh tế, lịch sử, văn hóa của làng xã. Tấm bia này cao 1m, rộng 0,65m, được tạo tác kiểu vòng cung ở phía trên, trán bia được khắc hình lưỡng long chầu nguyệt, với hổ, rồng mang phong cách dân gian. Đường viền đỉnh bia và hai bên tạo thành đường hình sin khắc hoa cúc cách điệu. Viền đáy bia chạm một bông hoa sen mãn khai bao gồm 38 lớp, cánh sen chồng khít lên nhau, chia đều cho mỗi bên 19 cánh. Thông qua tấm bia và các hiện vật còn sót lại, các nhà nghiên cứu mỹ thuật có thể nhìn vào phong cách trang trí, trạm khắc trên bia (trán bia, diềm bia) để có thể tìm hiểu rõ hơn về một phong cách nghệ thuật trong thời đại được dựng bia.

Chùa Hưng Phúc có từ lâu, nằm ở phía Tây của làng để thờ Phật. Để nhớ ơn vị khai quốc công thần Đào Cam Mộc, vua Lý đã cho tu sửa lại chùa, tạc tượng, dựng bia ghi công lao của ông và được phối thờ tại chùa. Từ năm 1958, chùa Hưng Phúc bị phá hủy hoàn toàn, nhưng những dấu tích hiện còn đã cho thấy kiến trúc của chùa khá độc đáo và có quy mô bề thế. 

Cụ thể trước đây, chùa có kiến trúc 5 gian và một hiên mở ra phía trước, nằm dọc theo thân đất quay mặt về hướng Nam. Theo kiến trúc truyền thống, mặt chính của nhà thường được mở ngang bởi các cửa, nhưng ở đây mặt chính lại nằm ở đầu hồi theo thứ tự: Hiên – gian thứ nhất – gian thứ hai – gian thứ ba – gian thứ tư – gian thứ năm. 

Kết cấu các vì kèo gồm 6 hàng chân cột, phía trên là hệ thống chồng rường và các kẻ suốt tạo thành một bộ khung gỗ cho một vì. Nhà có tất cả 6 vì kèo gỗ với hệ thống các cột lớn, cột nhỏ được tạo tác cân đối. Về bài trí trong chùa, theo trí nhớ của các cụ cao niên của làng thì gian thứ nhất (từ ngoài vào) là nơi đặt bàn thờ và tượng Đào Cam Mộc. Gian thứ hai đặt bàn thờ tượng Phật Thích Ca. Gian thứ ba đặt bàn thờ tượng Quan Âm. Gian thứ tư đặt tượng Ngọc Hoàng. Gian thứ năm (gian cuối cùng) đặt tượng Tam Thế. Ngoài các pho tượng trên, ở chùa còn có những tượng Phật khác được bố trí ở các gian thờ theo quy định của một điện thờ Phật.

Về nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc-người góp công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi  - Ảnh 7.

Khuôn viên chùa Hưng Phúc hiện nay rộng khoảng 4.000m2. Ảnh: VT

Qua đó, năm 2019, huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) phối hợp cùng với xã Định Tiến và nhà thầu thi công là Công ty cổ phần thương mại Thăng Long-Hoa Lư đã động thổ dự án bảo tồn, tôn tạo chùa Hưng Phúc-Đền thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc. Dự án với tổng kinh phí đầu tư 23 tỷ đồng, trong đó được kinh phí của huyện Yên Định (tỉnh Thanh Hóa) và nhân dân làng Lang Thôn đóng góp hơn 5 tỷ đồng.

Về nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc-người góp công lớn đưa Lý Công Uẩn lên ngôi  - Ảnh 8.

Kiến trúc đậm chất chùa Việt tại chùa Hưng Phúc nơi thờ Á Vương Đào Cam Mộc ở Thanh Hóa. Ảnh: VT

Công trình phục dựng bảo tồn, tôn tạo chùa Hưng Phúc-thờ danh nhân Á Vương Đào Cam Mộc xây dựng trên khuôn viên cũ, với quy mô diện tích hơn 4.000 m2.

Công trình chùa Hưng Phúc hiện tại với toàn bộ cột nhà tiền bái và nhà thờ chính đều bằng gỗ tứ thiết nhóm A. Công trình xây dựng chùa Hưng Phúc đến nay đã hoàn thành gồm nhà tiền bái và nhà thờ chính hình chữ đinh cùng các hạng mục khác.

Chùa Hưng Phúc được phục dựng theo kiến trúc truyền thống "Tiền Thần – Hậu Phật", tức điện thờ Thần (Thái sư Á vương Đào Cam Mộc) ở phía trước còn khu thờ Phật ở phía sau. Mái chùa lợp ngói mũi hài. Các đầu đao đắp hình rồng, phượng và được tạo uốn cong theo phong cách kiến trúc đình, đền, chùa thế kỷ 17 - 18 đậm chất chùa Việt. Các bức hoành phi trang trí trong nhà thờ được sơn son thếp vàng do các nghệ nhân đương đại chạm khắc tinh xảo. "Công trình phục dựng bảo tồn, tôn tạo chùa Hưng Phúc - nơi thờ danh nhân Á Vương Đào Cam Mộc đáp ứng nguyện vọng thờ cúng văn hóa tâm linh, biểu thị sự thành kính, biết ơn công đức của vị đệ nhất công thần triều Lý, giúp các thế hệ con cháu mai sau hiểu rõ hơn và tưởng nhớ đến công ơn của vị Thái sư Á vương Đào Cam Mộc tài đức lớn trong lịch sử dân tộc cuối thế kỷ X, đầu thế kỷ XI" - nhà báo Ngọc Thọ.

Vũ Văn Thượng

Bài viết mới
Hành trình con cháu họ Đào tôn tạo, phục dựng chùa Hưng Phúc nơi thờ Thái sư Á Vương Đào Cam Mộc