Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền 2023: Tri ân hai giáo sư sáng lập (Đào Tiến Khoa)


Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền 2023: Tri ân hai giáo sư sáng lập (Đào Tiến Khoa)

Ở lần thứ sáu tổ chức, Hội thảo quốc tế về Vật lý hạt nhân không bền (The International Symposium on Physics of Unstable Nuclei – ISPUN), diễn ra từ ngày 4 đến 8/5/2023 tại Phú Quốc, được dành tặng hai giáo sư xuất sắc chạm ngưỡng tuổi 70, Đào Tiến Khoa (Viện KH&KT hạt nhân, Viện NLNTVN) và Nicolas Alamanos (CEA Paris-Saclay).

Giáo sư Đào Tiến Khoa (trái) và TS. Trần Chí Thành. Ảnh: Mỹ Hạnh

Chủ trì phiên đầu của hội thảo, giáo sư Nicolas Alamanos đã nhắc đến những đóng góp quan trọng của giáo sư Đào Tiến Khoa trong việc khởi xướng và tổ chức thành công loạt ISPUN, một diễn đàn dành riêng cho chuyên ngành hẹp của vật lý là hạt nhân không bền và góp phần đưa nó trở thành nơi thảo luận về cấu trúc hạt nhân và cơ chế phản ứng của các nhà nghiên cứu quốc tế. Nhân dịp này, ông cũng dành lời cảm ơn đặc biệt đếngiáo sư Đào Tiến Khoa vì những cống hiến cho cộng đồng Vật lý hạt nhân thế giới.

Trong vòng hơn ba thập kỷ qua, với những công trình nghiên cứu đỉnh cao, giáo sư Đào Tiến Khoa luôn nhận được sự đánh giá cao và ngưỡng mộ của cộng đồng vật lý hạt nhân Việt Nam và quốc tế. Nói như TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng VINATOM, ông đã “trở thành một nhà khoa học tầm cỡ quốc tế của thế hệ mình và xứng đáng được xếp vào nhóm nhà khoa học nổi bật (distinguished professors)”. Quá trình lao động khoa học của ông được đánh dấu bằng trên 100 công bố, phần lớn trên các tạp chí hàng đầu, trong đó có 20 bài được hơn 100 trích dẫn của đồng nghiệp trong nước và quốc tế. “Nuclear incompressibility and density dependent NN interactions in the folding model for nucleus-nucleus potentials” (Tính không nén của hạt nhân và mật độ phụ thuộc NN vào các tương tác trong mô hình gập cho các thế hạt nhân – hạt nhân), được xuất bản năm 1997 trên Physical Review C, tạp chí hàng đầu về vật lý hạt nhân lý thuyết và thực nghiệm, đến nay có 458 trích dẫn. Theo nhận xét của PGS. TS Đỗ Vân Nam (ĐH Phenikaa) vào năm 2020, đây là bài báo được trích dẫn nhiều nhất của vật lý Việt Nam từ trước đến nay.
Danh tiếng của một nhà khoa học xuất sắc như giáo sư Đào Tiến Khoa đủ sức trở thành tấm gương cho các nhà nghiên cứu thế hệ sau. Trong cuộc gặp mặt tri ân giáo sư Đào Tiến Khoa vào tháng 11/2022, PGS. Phạm Đức Khuê, Viện trưởng Viện KH&KT hạt nhân, kể lại “Khi còn là sinh viên khoa Vật lý, chúng tôi đã nghe tiếng giáo sư Khoa nên mong muốn có ngày được tiếp nối công việc nghiên cứu của anh. Chính thành công của anh đã góp phần định hướng chúng tôi theo nghề nghiên cứu”.

Mặc dù khiêm nhường không nhắc đến vai trò của mình đối với ISPUN nhưng bản thân giáo sư Nicolas Alamanos cũng là người cùng với giáo sư Đào Tiến Khoa chăm chút cho diễn đàn này, kể từ khi nó bắt đầu manh nha trong ý tưởng và lần đầu ra mắt vào năm 2002. Sinh ra tại Athens, Hy Lạp, ông tốt nghiệp ngành vật lý ĐH Athens và nhận bằng tiến sĩ ở trường ĐH Paris-XI, nay là ĐH Paris-Saclay. Những mối quan tâm về vật lý hạt nhân đã dẫn ông đến những phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới với nhiều thực nghiệm khác nhau ở Saclay, Caen (Pháp), Stony Brook LINAC, Oak Ridge, MSU (Mỹ), Dubna (Nga)… Với kinh nghiệm nghiên cứu và khả năng tổ chức, giáo sư Nicolas Alamanos đã được bầu vào nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Khoa Vật lý hạt nhân Saclay, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu các lực cơ bản của vũ trụ (IRFU), Giám đốc nghiên cứu CEA, Chủ tịch Hội đồng khoa học GANIL… Theo Saclay, ông là tác giả của trên 180 công trình và có chỉ số H là 38.

Trong bối cảnh hạn hẹp về kinh phí đầu tư cho khoa học hạt nhân Việt Nam, ISPUN mà những nhà khoa học như giáo sư Đào Tiến Khoa và giáo sư Nicolas Alamanos gây dựng và đắp bồi trong gần hai thập kỷ qua đã bắc thêm nhịp cầu kết nối các nhà nghiên cứu Việt Nam, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp, với các đồng nghiệp quốc tế xuất sắcđể cùng thảo luận về những vấn đề mới, tiên phong của vật lý hạt nhân. Để tri ân hai nhà sáng lập, ISPUN23 đã có một phiên mở rộng về các phản ứng hạt nhân trực tiếp và gợi ý về vật lý thiên văn hạt nhân, phương trình trạng thái của vật chất sao neutron, sự tiến hóa lớp vỏ của hạt nhân, cấu trúc của hạt nhân không bền và các cụm hạt nhân…

Theo Tia Sáng

Bài viết mới
Hội thảo quốc tế về vật lý hạt nhân không bền 2023: Tri ân hai giáo sư sáng lập (Đào Tiến Khoa)