Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2019): 40 năm trong ký ức người lính đặc công


Lật lại những trang tư liệu lịch sử còn lưu giữ trong ký ức, Trung tướng Đào Văn Quân kể, 40 năm trước, ngày 17/2/1979, khi quân Trung Quốc tấn công, xâm lược biên giới nước ta, đơn vị của ông gồm 200 chiến sĩ nhận được lệnh nhanh chóng cơ động từ Thạch Thất lên hướng Cao Bằng.  Đến ngày 22/2/1979, Tiểu đoàn 45 có mặt trên Cao Bằng, bắt đầu tổ chức chốt trạm hướng Cao Bằng, thị xã, đồi Phát Thanh, Pháo Đài và đồi Thiên Văn, đó là những điểm cao tạo thành khu vực khống chế.  Mấy ngày sau, Tiểu đoàn 45 được giao đánh luồn sâu vào phía sau đội hình địch và nhanh chóng đánh địch thu hút về hướng mình.

Kinhtedothi - Đến thăm gia đình Trung tướng Đào Văn Quân – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội (nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Quân ủy T.Ư) vào một ngày đầu năm mới, chúng tôi đã xúc động khi được nghe ông kể lại những ký ức hào hùng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn (thứ 2 từ trái sang) cùng Đoàn đại biểu TP Hà Nội thăm, tặng quà Trung tướng Đào Văn Quân. Ảnh: Trần Thảo

Trận đánh 25 phút ngày ấy…

Trong ký ức của người lính Đại đội 1, Tiểu đoàn 45, Trung đoàn Đặc công 113 (Bộ Tư lệnh Đặc công) năm ấy - một trong những chiến binh đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vào mùa Xuân Kỷ Mùi 1979, 40 năm đã qua nhưng những hình ảnh của một thời máu lửa vẫn vẹn nguyên.

Lật lại những trang tư liệu lịch sử còn lưu giữ trong ký ức, Trung tướng Đào Văn Quân kể, 40 năm trước, ngày 17/2/1979, khi quân Trung Quốc tấn công, xâm lược biên giới nước ta, đơn vị của ông gồm 200 chiến sĩ nhận được lệnh nhanh chóng cơ động từ Thạch Thất lên hướng Cao Bằng.  Đến ngày 22/2/1979, Tiểu đoàn 45 có mặt trên Cao Bằng, bắt đầu tổ chức chốt trạm hướng Cao Bằng, thị xã, đồi Phát Thanh, Pháo Đài và đồi Thiên Văn, đó là những điểm cao tạo thành khu vực khống chế.  Mấy ngày sau, Tiểu đoàn 45 được giao đánh luồn sâu vào phía sau đội hình địch và nhanh chóng đánh địch thu hút về hướng mình.

Trung tướng Đào Văn Quân nhớ lại: Tiểu đoàn 45 đánh nhiều trận nhưng trận đánh nổi tiếng nhất là trận đánh 10/3/1979. Trận đánh đó diễn ra rất ác liệt. Thời điểm ấy, khi kẻ địch đã vào Tài Hồ Sìn, Tiểu đoàn 45 nghiên cứu trục đường theo hướng địch muốn tấn công mình nên đã luồn sâu ra phía sau và thực hiện trận địa phục kích. Trong trận đầu, cùng đội bộc phá, Thiếu úy Đào Văn Quân - Chi ủy viên Phó Đại đội, phụ trách Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 45 khi ấy là người thực hiện nhiệm vụ chốt trạm.

"Trận đó, địch đi vào con đường độc đạo. Tôi được chỉ huy chung cùng với đồng chí Đại đội phó Tường Duy Chính. 2 anh em đã luồn sâu đưa đội hình vào phục một bên là đường rất cao (khoảng 2 - 4m), một bên là vực sâu. Để đưa đội hình vào trong là một vấn đề phức tạp. Tiểu đoàn 45 phải luồn qua chốt trạm, các tuyến phòng thủ dày đặc của địch, chui qua những khe suối, rừng cây, đi qua những bãi mía, luồn vào vị trí phục kích để tạo thế bất ngờ. Trận đánh đó, quân địch bị diệt nhiều lắm. Khi ấy, thấy khẩu B41 không có người bắn, tôi đã dùng khẩu B41 bắn, có đồng chí Ngô Dân Quân vừa ôm đạn vừa dẫn đường cho tôi. Khi đó, một mình tôi bắn cháy 6 xe, còn lại anh em dùng hỏa lực bắn. Toàn bộ số xe của địch bị bắn cháy, khói bốc mù mịt…" - Trung tướng Đào Văn Quân nhớ lại.

Hiệu suất chiến đấu cao

Như lời kể của người lính đặc công năm ấy, trận đánh này có 12 chiến sĩ tham gia chiến đấu, chỉ một đồng chí bị thương, nhưng đã tiêu diệt toàn bộ khoảng 20 xe địch (khoảng 300 lính Trung Quốc) trong 25 phút. Sau khi làm chủ trận địa, Tiểu đoàn 45 nhanh chóng lui quân, chạy lên trên khoảng vài trăm mét, luồn qua cống. Tại đây, Thiếu úy Đào Văn Quân thấy địch đã chui vào trong đó. Ông dùng bộc phá, ném vào cống, diệt địch, rồi tiếp tục trườn qua những xác chết của địch, chui sang bên kia đường, vào bãi mía của dân, sau đó thu quân, tiếp tục lẩn tránh vào những hang đá, khe núi, giấu quân ở đó. Hôm sau, ông cùng đồng đội luồn về phía sau. "Đây cũng có lẽ là trận đánh hiệu suất chiến đấu cao được báo cáo nhiều nơi và được rút ra làm bài học kinh nghiệm trong toàn quân"- Trung tướng Đào Văn Quân chia sẻ.   

Qua câu chuyện của ông, chúng tôi được biết, hồi ấy, có nhà báo Vũ Bằng (báo Quân đội Nhân dân), nhà văn Chu Lai tham gia cùng Tiểu đoàn 45, đã ghi lại trận đánh đó và sáng tác tác phẩm “Người còn lại trên pháo đài”, “Người mặc áo cỏ” (viết về Tiểu đoàn 45). Sau trận đánh Tiểu đoàn 45 còn tham gia một số trận, có những trận tập kích đặc công, diệt trên 100 tên địch. Sau khi tham gia chiến đấu ở Hà Tuyên (năm 1985), Tiểu đoàn 45 mới rút quân về Đại Lải (Vĩnh Phúc).

"Khi ấy, tuy lực lượng của ta ít nhưng với lòng căm thù trước sự tàn ác của quân giặc nên khi vào trận, anh em rất dũng cảm, chiến đấu gan dạ, ngoan cường, linh hoạt nên hiệu suất chiến đấu rất cao. Có những đồng chí là tấm gương tiêu biểu trong quá trình chiến đấu, đánh đến viên đạn cuối cùng. Có những đồng chí vào cách địch chỉ 3 - 4m, giật bộc phá nổ, diệt địch… Số lượng quân địch nhiều nhưng chiến sĩ ta vẫn kiên trì đánh đến tên địch cuối cùng. Có những chốt chiến đấu rất dũng cảm"- Trung tướng Đào Văn Quân xúc động kể lại.

Chia sẻ những kỷ niệm nghĩa tình đồng đội trong thời bình, Trung tướng Đào Văn Quân bảo: Tiểu đoàn 45 vẫn không quên lên thăm chiến trường xưa, tri ân các anh hùng liệt sĩ, những người có công và luôn khắc ghi lịch sử của những năm tháng chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược…  Giờ đây, ở tuổi 65, làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội, Trung tướng Đào Văn Quân thường nhắc nhở những chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc rằng, đối với quá khứ, rất cần sự trân trọng, lịch sử phải ghi chép lại để thế hệ trẻ hiểu được. Tuy nhiên, nên gác lại quá khứ, giữ mối quan hệ hòa bình, đặt lợi ích chung của Đảng và Nhà nước lên trên, gương mẫu, bởi mỗi cựu chiến binh là tấm gương để thế hệ sau noi theo.

Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn thăm, tặng quà cựu chiến binh tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc

Chiều 14/2, nhân kỷ niệm 40 năm Chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019), Đoàn đại biểu TP Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà cựu chiến binh từng trực tiếp tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc tại quận Nam Từ Liêm. Cùng đi có Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong và đại diện Hội Cựu chiến binh, Thành đoàn Hà Nội.

Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn trao tặng bó hoa tươi thắm tới Thiếu tướng Lê Thanh, năm nay 96 tuổi, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu I, trực tiếp tham gia trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm về trước. Phó Bí thư Thành ủy bày tỏ sự tri ân, cảm phục trước tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của quân và dân ta trên mặt trận biên giới phía Bắc, đặc biệt trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của đồng chí lão thành cách mạng Lê Thanh. Ôn lại một số dấu mốc trong cuộc chiến hào hùng 40 năm về trước, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn nhấn mạnh: Muốn bảo vệ đất nước trong giai đoạn hiện nay, điều quan trọng là mỗi người dân cần phải nỗ lực đóng góp công sức xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng phát triển.

Chiều cùng ngày, Đoàn cũng đã tới thăm, tặng quà gia đình Trung tướng Đào Văn Quân, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Quân ủy T.Ư, hiện đang là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Trung tướng Đào Văn Quân thuộc biên chế Đại đội 1, Tiểu đoàn 45, Bộ Tư lệnh Đặc công.

Trân trọng cảm ơn những đóng góp của Trung tướng Đào Văn Quân cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn mong muốn Trung tướng sẽ tiếp tục có những đóng góp tích cực hơn nữa cho công tác Hội Cựu chiến binh nói riêng và TP Hà Nội nói chung, đặc biệt là trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay.

(Thảo Trần)

Bài viết mới
Kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 -17/2/2019): 40 năm trong ký ức người lính đặc công