Hoạ sĩ Đào Hải Phong gọi những món đồ bày trong nhà mình là đồ “nghễu”. “Hồi nhỏ, khi có việc gì, bà tôi hay bảo mấy đứa cháu: “Chúng mày còn ngồi nghễu ra ở đó làm gì, sao không vào giúp bà một tay”. Ngồi “nghễu” là ngồi làm những chuyện vớ vẩn, vô ích và giết thời gian. Đồ “nghễu” cũng thế, là thứ đồ nhìn qua không hiểu để làm gì và thực sự cũng không có giá trị sử dụng về mặt công năng”. Không có giá trị sử dụng công năng nghĩa là chẳng hỗ trợ gì cho sự tiện nghi của ngôi nhà. Nhưng những món đồ “nghễu” lại đem đến cho ngôi nhà 139 Bà Triệu của Đào Hải Phong thứ khác. Đó là tâm hồn.
Vẻ đẹp từ sự cũ kỹ của những viên gạch chính gốc Tây Ban Nha
Trước khi bước vào ngôi nhà trên phố Bà Triệu, người viết cũng đã từng nhiều lần đi qua đoạn phố và không thể không bị kiến trúc của ngôi nhà hút mắt. Và xin đảm bảo với bạn đọc rằng, tôi không phải trường hợp duy nhất và đầu tiên. Mang tâm sự đó nói với chủ nhà, tưởng “lấy lòng” được ông hoạ sĩ nhưng lại bị ông họa sĩ cho chưng hửng: “Chuyện đấy xưa rồi. Gần mười năm nay, ai đi qua nhà anh, mà có tí cảm giác thẩm mỹ, chắc chắn cũng phải đứng lại nhìn. Vì nhà anh đẹp. Nhưng đẹp như thế nào thì anh lại dám đảm bảo không phải ai cũng tự trả lời được đâu” Và anh giải thích: “Ngôi nhà này được xây trong một năm rưỡi do một kiến trúc sư người Hà Nội gốc là anh Vũ Hoàng Hạc thiết kế. Anh Hạc là một kiến trúc sư có tài, nhưng cái tài của anh lại không phải ai cũng nhìn ra. Khi thiết kế ngôi nhà, anh Hạc chỉ nói một câu: “Nhà này được vẽ và xây riêng cho ông. Nó là ông và nếu ông không ở mà người khác ở thì… vứt đi!” Và một ngôi nhà được xây cho đúng người chủ của nó thì chắc chắn là đẹp. Giống như một bộ đồ cắt đo cho đúng thân hình bạn thì chắc chắn cả bạn và cả bộ đồ đều đẹp”.
Nói về cái đẹp của ngôi nhà thì nhiều cách. Nhưng xin chỉ “lẩy” ra cái cầu kỳ của ông chủ nhà nghệ sĩ khó tính mà cũng quá đỗi chịu chơi. Năm 1999, khi xây ngôi nhà, vì quá mê một mẫu gạch lát nền của Tây Ban Nha, ông chủ phải chấp nhận đặt riêng một container gạch chuyển từ hãng sản xuất về. Không chơi kiểu gạch “nay ốp, mai ngồi cọ tường”, anh “thửa” riêng loại gạch nguyên viên tuyệt đẹp để xây phần cổng và tầng một của ngôi nhà. Gần trăm bộ khung cửa to nhỏ trong ngôi nhà hơn trăm mét vuông đều dùng gỗ lim loại tốt. Rồi còn nhiều nhiều nữa những sự cầu kỳ của Đào Hải Phong. Nhưng đang xuýt xoa với ngôi nhà, người viết lại lần nữa bị… chưng hửng. “Tôi ưng ý nhất với ngôi nhà vì nó đã cũ ngay khi vừa xây xong! Hay như tôi vẫn nói đùa bạn bè mình là nhà tôi là ngôi nhà “ăn gian” thời gian”
Ngôi nhà đẹp xây hơn một năm trời với biết bao kỳ công, đó là chưa kể khoản tiền chắc chắn không thể nhỏ mà chủ nhà đã phải bỏ ra mà vì ngại nói chuyện con số với nghệ sĩ e mích lòng, người viết chẳng dám đề cập. Vậy mà xây xong lại được làm cho cũ luôn. Thế nghĩa là sao? “Đó là quan niệm thẩm mỹ của tôi. Bạn hãy tưởng tượng bạn mặc một chiếc áo đến gặp ai đó. Nếu chiếc áo quá rách rưới, bẩn thỉu hoặc cũ nhàu, thế là bạn không tôn trọng người đó. Nhưng nếu bạn mặc chiếc áo mới đến mức… quên chưa cắt mác hay những nếp áo gấp trong bao nilông còn nguyên. Thế thì bạn lại thành lố bịch mà theo kiểu người Hà Nội xưa gọi là quỷnh lắm. Vậy thì bạn mặc một chiếc áo người ta thấy nó không quá mới nhưng nó vẫn đẹp vì được chăm sóc tốt và đặc biệt là bạn đã mặc nó một thời gian, nó gắn với con người bạn, hay nói như các cụ là mang cái hơi của bạn. Thế bạn là người lịch sự và cái áo đó mới là cái áo bạn mặc lâu”. Đào Hải Phong làm cũ ngôi nhà theo cách đó. Vợ chồng anh chỉ mua đúng hai loại đồ mới khi về ngôi nhà này ở, đó là mấy chiếc giường và hệ thống tủ bếp. Còn lại, anh dùng những thứ từ ngôi nhà cũ mang về. Đến viên gạch Tây Ban Nha mà anh cất công đưa về cũng vì cái sự “cũ hóa” ngôi nhà. Tông màu nâu trầm và bền là sự kết hợp hoàn hảo với những thứ không mới toanh mà không cũ nát anh đặt trong nhà mình.
Sống khép kín và rất ngại tiếp khách, phòng khách chỉ là nơi trưng bày và lưu giữ những món quà từ bạn bè và những đồ sưu tập cá nhân
Một bình phong vải ngăn cách phòng khách và góc vẽ tranh. Góc sáng tác tại nhà của hoạ sĩ. Anh chỉ đến xưởng khi làm những tranh lớn
Vì đôi tượng quý đời Trần này mà Đào Hải Phong phải đặt kiến trúc sư xây thêm riêng hai cái bệ ở phòng khách. “Mỗi đồ vật đều có chỗ của nó!” – chủ nhân quan niệm
Giếng trời nối giữa phòng khách và khu bếp. Chân dung người vợ do Dương Minh Long chụp tặng bày chung với một tác phẩm ghế của Lê Thiết Cương
Một góc décor trong phòng ngủ, nơi mà theo anh, góc riêng và tự do nhất trong nhà. Những khoảng nghỉ giữa các nhịp cầu thang luôn là những góc nhỏ, xinh xắn và hấp dẫn, đủ để ta có thể chậm bước chân và níu những ánh nhìn
Toàn cảnh mặt tiền căn nhà 139 phố Bà Triệu, Hà Nội
Có đồ rồi mới xây nhà nên những sắp đặt trong ngôi nhà của Đào Hải Phong rất hợp lý và dễ chịu. Chỉ cho tôi hai bệ tường xây cạnh đôi cột gỗ nằm giữa tầng trệt, anh giải thích: “Khi xây nhà tôi đã nghĩ tới việc phải có hai cái bệ như thế bởi đó là vị trí đẹp nhất để tôi đặt đôi tượng quý thời Trần này. Nếu bỏ đôi tượng ra, hai cái bệ này vô duyên và phá hỏng hoàn toàn căn phòng. Đấy chính là có đồ rồi mới xây nhà”. Hay chỉ vào đôi câu đối rất đẹp treo cạnh đó, anh hỏi tôi có nhận ra điều gì không. Nở một nụ cười tinh ranh, Phong giải thích: “Nhà tôi hơi lệch. Hai mảng tường không cân nhau. Nhưng đặt đôi câu đối này vào thì cảm giác lệch được “cân” lại ngay.”
Và cuối cùng, anh bắt đầu cho tôi xem những món đồ “nghễu” của mình. Đó là chiếc đĩa nhỏ xinh nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vẽ tặng anh. Con rối gỗ do một nghệ sĩ múa rối tặng. Một món đồ mỹ nghệ của Hungary tuyệt đẹp mà anh kể rằng một người bạn anh quen trong câu lạc bộ thể thao vì quý trọng tình bạn, đã mang món đồ mình đang bày trong nhà tới tặng anh. Hay một vài bức tượng bằng đất nung, bằng kim loại xinh xắn mà vợ anh đưa về từ những chuyến công tác hay du lịch nước ngoài. Đôi mặt nạ rất đẹp được treo trong không gian nhỏ mà anh dành để vẽ khi ở nhà, được anh mua trong một chuyến đi nước ngoài mang phong cách nghệ thuật thổ dân một vùng nào đó ở Đông Nam Á… Và còn rất nhiều những món đồ như thế mà anh gọi chúng là đồ “nghễu” được treo, được đặt trong tủ hoặc trên giá gỗ, trên mặt đất theo những vị trí tưởng chừng rấ t tự nhiên nhưng lại tạo cảm giác ấm cúng và dễ chịu. “Những món đồ này không có công năng sử dụng và nếu xét về giá trị theo tiêu chuẩn thực dụng, chúng chẳng có giá trị gì đáng kể. Nhưng cái thứ vô giá trị đó mới là thứ xa xỉ. Bởi giá trị của nó là kỷ niệm. Mỗi món đồ với tôi là một câu chuyện, một kỷ niệm mà nhìn thấy chúng, tôi nhớ đến một con người, một vùng đất, một sự kiện trong cuộc đời. Đấy chính là giá trị quan trọng nhất!” Có lẽ đó chính là sự lý giải về cảm giác dễ chịu khi bạn bước vào ngôi nhà của người hoạ sĩ này.
Tôi hỏi Đào Hải Phong hơn mười năm qua, đã bao giờ anh phải sửa lại ngôi nhà. Anh bảo chưa và chắc là không bao giờ phải sửa gì cả. “Thỉnh thoảng hứng lên tôi cũng thay đổi vị trí các đồ vật được xếp đặt trong nhà. Nhưng sửa lại nhà thì không. Ngôi nhà xây cho tôi và gia đình tôi sống. Ngôi nhà chính là con người tôi. Mà con người của mình thì dù có muốn mình cũng chẳng bao giờ thay đổi hoặc chỉnh sửa được. Bạn có biết tại sao tranh của tôi được người ta thích không? Vì tôi vẽ phong cảnh hoàn toàn khác những hoạ sĩ khác. Cũng thế, ngôi nhà của tôi khác những ngôi nhà khác nên bạn đến đây và cảm thấy thích thú. Nhưng cốt lõi của tất cả những điều đó là tôi cũng không giống những người khác. Và tôi là một nghệ sĩ, tôi biết biến sự khác biệt đó thành những điều có giá trị”.
Đào Hải Phong sinh tại Hà Nội năm 1965, và tốt nghiệp đại học Sân khấu điện ảnh năm 1987. Anh là con trai họa sĩ nổi tiếng Đào Đức, vì thế từ khi lên sáu tuổi anh đã được làm quen với nghệ thuật hội họa. Sau khi tốt nghiệp đại học, Đào Hải Phong hoạt động trong lĩnh vực mà mình được đào tạo là thiết kế sân khấu một thời gian. Nhưng sau vài năm anh chuyển hẳn sang nghiệp vẽ cho tới nay. Đào Hải Phong được coi là một trong những họa sĩ tiêu biểu của hội họa Việt Nam đương đại. Tuy ít tổ chức triển lãm trong nước (lần triển lãm trong nước gần đây nhất là năm 2000) nhưng gần như năm nào, tranh của Đào Hải Phong cũng được trưng bày tại các nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Hong Kong, Ý, Nhật. Dự kiến, tháng 9 tới, Đào Hải Phong sẽ có cuộc triển lãm tại Hà Nội.
Tác phẩm của họa sĩ Đào Hải Phong (từ trên xuống dưới): Những ký ức mùa tình yêu / Lời ru của dòng sông / Ánh vàng trên dòng sông
Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 52