Thoạt nhìn vẻ đẹp sang trọng, quý phái cùng nụ cười hiền và chất giọng xởi lởi dễ gần, ít ai nghĩ người phụ nữ gốc ca trù Thượng Thôn (xã Đông Tiến, Yên Phong) ấy đã sang tuổi 66. Chị là Đào Thị Khanh, người vợ tài sắc, thảo hiền của nhà khoa học đáng kính - cố PGS, TS Nguyễn Đức Lữ, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Cũng không nhiều người biết, để thư viện Làng cò Đông Xuyên trở thành không gian văn hóa đọc thuộc loại độc đáo bậc nhất toàn quốc như hiện nay, có sự đóng góp rất lớn của người phụ nữ kỳ lạ này. Tự nhận là người “học ít” nhất trong gia đình, chỉ học hết cấp 3 rồi lấy chồng, nhưng vốn chịu ảnh hưởng bởi nền nếp gia phong lại được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ bạn đời là trí thức lớn, chị đã trở thành người phụ nữ hội đủ các yếu tố tốt đẹp giữa truyền thống và hiện đại. Chỉ riêng câu chuyện tình yêu của vợ chồng chị đủ biên thành cuốn sách đặc biệt, cuốn hút.
Chị Đào Thị Khanh, chủ nhiệm thư viện Làng cò Đông Xuyên.
Những người cao tuổi làng Thượng Thôn và Đông Xuyên xã Đông Tiến còn nhớ hình ảnh bà mẹ trẻ 3 con Đào Thị Khanh cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 ngày nào cũng tất tả ngược xuôi. Hết đồng áng lại chạy chợ, gom những sản vật quê hương như rau, thịt ra thủ đô tiêu thụ, góp thêm thu nhập vào đồng lương còm của người chồng khoa học đương ở trong khu tập thể xập xệ nhà trường.
Cảnh vợ chồng một chốn đôi nơi đằng đẵng nhiều năm nhưng PGS, TS Nguyễn Đức Lữ yêu và rất tự hào về người vợ nông dân của mình. Chị thì không chỉ thương yêu mà còn coi chồng như người thầy lớn đã truyền cảm hứng tự học đến bản thân. Có lẽ nhờ sức mạnh tình yêu mà sau bao năm, những tất tả, lo toan của cuộc sống dường như không in hằn trên gương mặt người phụ nữ gốc nông dân ấy?
Hiện nay ở Đông Tiến, gia đình chị Đào Thị Khanh được vinh danh là giàu truyền thống học tập nhất với 4 Tiến sĩ và 2 Phó Giáo sư (chồng, con trai, con gái và con dâu, đều công tác tại các trường ĐH, viện nghiên cứu ở Hà Nội). Có điều lạ, dù chỉ học hết cấp 3, nhưng tấm gương tự học của chị lại chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ để các con phấn đấu vươn lên trên con đường học vấn. Cũng ảnh hưởng từ người chồng làm khoa học, chị rất chịu khó tự đọc, tự học và nghiên cứu nhiều sách vở, giáo trình. Sau này những cuốn sách, những công trình giá trị về tôn giáo và văn hóa do PGS, TS Nguyễn Đức Lữ biên soạn, chị đều đọc và thi thoảng còn góp ý cho chồng những chi tiết mà theo chị nên chỉnh sửa… PGS, TS Nguyễn Đức Lữ sinh năm 1943, hơn chị Khanh 16 tuổi, nghỉ hưu năm 2010, đến 2012 thì phát hiện mắc bạo bệnh. Bác sĩ tiên lượng sự sống chỉ kéo dài vài tháng, nhưng có lẽ nhờ tình yêu cùng sự chăm lo tuyệt vời của người vợ hiền, đến năm 2014 TS Lữ mới ra đi.
Là người nặng tình với quê hương và thương yêu vợ con hết mực, lúc sinh thời, PGS,TS Nguyễn Đức Lữ từng tâm nguyện khi nghỉ hưu sẽ về Đông Xuyên, nơi đất lành cò đậu để vui thú điền viên và lập thư viện sách cho con cháu dòng họ và bà con xóm giềng đến đọc mở mang thêm tri thức… TS Lữ ra đi khi ước nguyện chưa hoàn thành, để lại nỗi khắc khoải trong lòng người vợ hiền Đào Thị Khanh.
Sau một thời gian bàn soạn, năm 2019, chị Khanh cùng các con dốc tâm huyết xây lại toàn bộ cơ ngơi trên mảnh đất quê 650 m2 ở giữa làng Đông Xuyên gồm 2 khu nhà: nhà thờ 3 gian xây theo lối cổ và nhà sinh hoạt 2 tầng rộng rãi dùng chung cho cả gia đình quần tụ dịp cuối tuần. Cả 2 khu nhà được thiết kế hài hoà, sân trước sân sau được xen kẽ bởi những khu vườn sum suê bóng mát. Chị còn nêu ý tưởng về nội dung những bức tranh gốm trên các bức tường xung quanh khuôn viên, là câu chuyện kể với con cháu về cuộc đời thăng trầm mà sinh sắc của vợ chồng chị.
Như mối duyên lành, tháng 3/2019, xã Đông Tiến ra mắt Mô hình khuyến học mới, người sáng lập là ông Cao Văn Hà, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh. Thời hoa niên, ông Hà và chị Khanh là bạn học nên khá rõ về nhau. Mục tiêu của Mô hình khuyến học mới là truyền lửa, truyền cảm hứng học tập đến mọi người dân, gia đình, dòng họ nhằm xây dựng Đông Tiến thành xã hội học tập, từng bước hiện thực hoá khát vọng giàu - sang. Trong các nội dung hoạt động của Mô hình khuyến học mới thì khuyến đọc là một trụ cột, ông Hà muốn xây dựng tại Đông Tiến một không gian văn hoá đọc, giúp hình thành thói quen đọc sách như món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi người dân Đông Tiến. Sau nhiều năm không gặp, 2 người bạn thuở hàn vi nhanh chóng tìm thấy sự đồng cảm bởi những việc làm tử tế mà mỗi người đang theo đuổi, họ quyết định cộng tác làm những điều tử tế cho quê hương.
Vậy là, toàn bộ cơ ngơi xây mới ở quê được chị Đào Thị Khanh sử dụng làm không gian văn hoá đọc với tên gọi Thư viện làng cò Đông Xuyên. Đây là mô hình thư viện độc đáo, kết hợp giữa gia đình, Hội khuyến học và Quỹ ước mơ lớn xã Đông Tiến. Tháng 12/2020, lễ khai trương thư viện được tổ chức hoành tráng, bà con trong trong làng đến dự đông và vui như hội. Thư viện làng cò Đông Xuyên độc đáo từ cách thiết kế, nội dung các loại sách và đặc biệt là những người phục vụ từ chủ nhiệm thư viện Đào Thị Khanh đến các thủ thư, họ đều tình nguyện vì cộng đồng. Thư viện Làng cò Đông Xuyên hiện có hơn 1 vạn đầu sách mở cửa đọc và mượn sách miễn phí với mọi đối tượng trong 2 ngày cuối tuần thứ Bảy và Chủ Nhật. Độc giả đủ thành phần đối tượng từ nam phụ lão ấu trong xã, trong huyện, trong tỉnh và cả những độc giả từ Đông Anh (Hà Nội) cũng tìm đến.
Vốn ở Hà Nội cùng các con, nhưng từ khi có thư viện, chị Khanh năng về quê hơn, ngoài 2 ngày cứng là thứ Bảy và Chủ Nhật. Bản thân chị và các con như được truyền cảm hứng và năng lượng sống bởi những việc làm tử tế của họ đang tác động tích cực đến quê hương. Khuôn viên 650 m2 nay được mở rộng hơn nghìn m2, là phần đất chị mới mua thêm của người hàng xóm và xây dựng ở đó những công trình cần thiết để con cháu xôm tụ dịp cuối tuần vui vẻ mà không ảnh hưởng đến không gian văn hoá đọc của thư viện. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ chủ nhiệm thư viện, với năng khiếu nghệ thuật và khả năng truyền cảm hứng, chị Đào Thị Khanh còn kiêm nhiệm chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ sông Cầu của xã Đông Tiến, hoạt động rất sôi nổi, trọng tâm là nghệ thuật ca trù vốn là thương hiệu của làng Thượng Thôn…
Đào Thị Khanh, người phụ nữ giỏi giang tài sắc gốc ca trù làng Thượng Thôn ấy thực sự là người phụ nữ kỳ lạ và hiếm có trong cuộc sống hối hả hiện nay. Muốn hiểu hơn về chị và không gian văn hoá đọc độc đáo ở nơi đất lành cò đậu, một ngày đẹp trời, bạn hãy ghé thư viện Làng cò Đông Xuyên để tiếp xúc và chiêm nghiệm nhiều hơn về người phụ nữ kỳ lạ này…
Thanh Tú