ANTĐ - Qua một lời giới thiệu ngắn gọn rằng: “Đó là một người lính, một chiến sỹ Công an nhân dân mới được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Bình dị lắm!…”, tôi điện thoại đến mấy lần đều bị ông khéo léo chối từ. Đường thẳng không xuôi, tôi đã phải nhờ đến người quen “tác động” bằng cách nói giúp thì ông đồng ý với “barie” rõ ràng rằng: “Chuyện gì cũng được, nhưng không một lời về công việc, về nghiệp vụ đấy nhé!”. Thế là tôi được diện kiến ông - Đại tá Đào Văn Vinh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; nguyên Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I, Tổng cục An ninh, Bộ Công an - vào một tối mùa thu tại nhà riêng của ông trong Khu đô thị Văn Quán, TP Hà Nội.
Đại tá Đào Văn Vinh phát biểu tại hội nghị của lực lượng công an
“Cuộc đời sẽ trôi về đâu (?!)”
…Là một câu hỏi mà tôi tin, phần đông trong số người trẻ bước những bước chân đầu tiên vào đời đều tự vấn bản thân mình như vậy; và ông, khi đó là chàng thanh niên 17, 18 tuổi cũng tự hỏi mình chẳng khác. Tương lai không đoán định, con người ta có số với những ngã rẽ mang tên định mệnh, ông nói vậy, và cả cái bước ngoặt đưa ông đến với lực lượng Công an, bất ngờ, có một chút tiếc nuối với chúng bạn được đi học đại học, đi học ở trời Tây. Nhưng không sao, quyết tâm với ý chí không dừng lại, chàng thanh niên ấy vẫn đến đích để ngày hôm nay đây, khi mới nhận quyết định nghỉ hưu sau hàng chục năm tận tâm cống hiến phục vụ ngành, phục vụ nhân dân, vì sự bình yên của cuộc sống, ông bảo lòng mình bình yên.
Bên chén trà nóng một tối mùa thu, vị Đại tá nhớ về cái ngày xưa xa lắc ấy… - “Quê hương tôi ở huyện Văn Giang, nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở thị xã Hưng Yên. Năm 1954. Thế rồi cũng như bao người con ở khắp các miền quê trên cả nước, chiến tranh loạn lạc, tha hương, tôi cùng gia đình khăn gói đi sơ tán sang phía Nam của tỉnh Hưng Yên và gắn bó với miền đất Tiên Lữ suốt những năm tháng tuổi thơ.
Cái miền quê Tiên Lữ ấy những năm tháng 1960-1970 của thế kỷ trước phải ai ở đó mới thấy, mới thấu mảnh đất chiêm trũng này nghèo khổ cực nào. Không có lấy một tuyến đường giao thông đi qua, mọi di chuyển từ xã nọ sang xã kia thì đi bộ trên triền đê, muốn bắt xe đi từ huyện lên tỉnh thì đi bộ mất 20km… Quanh năm nước ngập mênh mông, đỉa rất nhiều, bà con đi cầy, tay cầy tay cấy không được phép quên quấn xà cạp cao đến tận đùi, sau lưng buộc một bình vôi, ngổng cái que lên để khi có con đỉa nào bám vào là dí một cái… mới “toàn vẹn thân thể” trở về.
Thời bấy giờ cuộc sống tuy nghèo khổ nhưng được cái hiếu học, học trong cảnh nước ngập, đói đến thắt ruột vậy mà thầy thì cố mà truyền dạy kiến thức, trò thì học lấy học để, siêng như nuốt từng chữ từng ý. Vùng xa xôi này không một mẩu thông tin, không radio, tivi, báo chí, mù thông tin, không một mảnh tài liệu tham khảo, “thế giới” của tụi nhỏ chúng tôi chỉ vỏn vẹn trong cuốn sách giáo khoa. Kỳ lạ vậy mà cũng lớn, cũng biết, cũng trưởng thành qua từng cấp học”.
“Một hôm, tôi nhớ lắm, bởi đêm trăng sáng vằng vặc, lủi thủi trên đường trở về nhà sau buổi đi học ôn thi, tay cầm cái đèn dầu đi trên bờ đê, ánh trăng, ánh đèn quyện lại hắt bóng tôi méo mó dài thuồn thuỗn xuống triền đê, tôi nhìn và tự hỏi với cái bóng của chính mình rằng, không biết cuộc đời mình sẽ trôi về đâu, tương lai mình biết làm gì đây?”…
Tương lai là một người anh hùng
Năm 1972, sau khi học xong THPT tại trường Cấp III Tiên Lữ, chàng thanh niên với bao câu hỏi mơ hồ về tương lai ấy thi đại học, kết quả đỗ đạt mà chẳng thể nhập học. Đại tá Đào Văn Vinh kể lại: “Chúng tôi, những người thi đỗ đang háo hức đợi nhập học thì Mỹ ném bom, có lẽ đó là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam khiến tất cả các trường đại học tạm ngừng tuyển sinh. Buồn lắm, nhưng chẳng làm gì khác được, chúng tôi sống cùng bom đạn.
Trong lúc chờ đợi, người anh rể của tôi khi đó đang công tác tại Công an tỉnh có “tiết lộ” rằng trường Công an Trung ương tuyển sinh đấy. Một suy nghĩ lóe sáng trong đầu, ngồi đợi để gọi đi học đại học chẳng biết đến bao giờ, nghĩ rồi đi, tôi khăn gói nhập học tại trường Cảnh sát nhân dân Trung ương đóng tại vùng đất Suối Hai, Ba Vì, Hà Tây. Dưới bom đạn của chiến tranh, khó khăn chồng chất, vừa thiếu cán bộ giáo viên, vừa thiếu cơ sở vật chất để nghiên cứu, giảng dạy nhưng với lòng yêu ngành yêu nghề, thầy trò vẫn miệt mài khẩn trương để hoàn thành nhiệm vụ dạy và học. Được đi học khiến tôi cố gắng lắm. Đang tập trung học tập thì Cục Kỹ thuật 2 (KG2), Bộ Công an thời điểm đó đến trường tuyển chọn học viên đào tạo lớp ngắn hạn để đi chi viện cho miền Nam. Sau đó tôi được cử đi học Đại học Bách khoa Hà Nội, đi học và quay trở về gắn bó với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I, Tổng cục An ninh, Bộ Công an cho đến lúc về hưu”…
Con đường đi “đóng đinh” vào cuộc đời Đại tá Đào Văn Vinh là thế, nhưng ông chia sẻ rằng, thời điểm ban đầu khi đã vào ngành Công an rồi, thật sự là có… tiếc! “Khi mà bao chúng bạn phải chờ được đi học thì ông lại được đi học ngay, ông tiếc điều gì vậy?” - Tôi hỏi thì được ông đáp: “Thì mình đi công an rồi thì các trường đại học bắt đầu gọi những người thi đỗ đi học. Bạn người thì đi học đại học, bạn thì người ra nước ngoài học, có đứa viết thư với gửi ảnh về, ba bốn đứa chỉn chu comple đứng dưới tán cây rộng trong khung cảnh làng quê bình yên ở Liên Xô; trong khi bản thân mình ăn không no, mặc không có, quần áo rách tích kê chằng chịt, lộn ngược đảo xuôi, cũng tiếc chứ. Rồi mình ra trường, bạn bè cũng tốt nghiệp trở về nước, mình thì áo rét chẳng có, quần vá, mua được cái khung xe ở miền Nam ra, mua lẻ phụ tùng tự lắp cái xe cọc cạnh để đi, bạn đi nước ngoài về thì quần áo đẹp đi xe Favorit bóng loáng lao vèo vèo, nghĩ cũng tủi, tuổi trẻ mà nên qua nhanh thôi. Mặc dù xuất phát chậm hơn nhưng cái số của mình cứ đi là khắc đến, tự thân vận động với ý chí quyết tâm cao…"
Và tương lai không thể biết trước rằng ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một vinh dự cao quý mà không phải ai cũng có được trong đời, tôi chia sẻ với Đại tá Đào Văn Vinh thì được ông tâm sự: “Vinh dự lắm nhưng nhắc đến danh hiệu này tuy được đấy vẫn thấy mình chẳng là gì so với các bậc đi trước, không dám so sánh mà cũng chẳng dám nhận Anh hùng hay nghĩ đến điều này. Xã nghèo Nghĩa Trụ quê tôi là một xã anh hùng. Cả huyện Văn Giang có 4 người con được phong tặng danh hiệu Anh hùng thì xã tôi có tới 3 người là một niềm tự hào rất lớn trong tôi về quê hương, bản làng. Miền quê nghèo này sản sinh ra rất nhiều những người con ưu tú của đất nước, trong đó có cả các bậc lão thành cách mạng, danh nhân văn hóa như đồng chí Tô Hiệu, Tô Chấn, Lê Giản, Lê Văn Lương, Nguyễn Công Hoan, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tài… So với các bậc tiền bối mình nhỏ bé lắm không nên nhắc đến, thôi thì mình tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy làm rạng danh gia đình, họ tộc, đặc biệt là miền quê anh hùng”.
Bình dị bên những vần thơ
Dẫu biết nguyên tắc được ông giao ước ngay từ đầu rằng chuyện gì cũng chia sẻ được trừ công việc, khi gặp ông rồi thì đúng là không một lời ông nói về nghề nghiệp như chính nguyên tắc của một người chiến sỹ Công an nhân dân.
Khó khăn lắm tôi mới được Đại tá Đào Văn Vinh, người từng kinh qua các vị trí Cục trưởng Cục An ninh mạng; Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I “bật mí” rằng phía sau những thành tích, danh hiệu Anh hùng ông được nhận thì chỉ tính riêng trong thời gian ông làm Cục trưởng đã chỉ đạo Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I phối hợp với công an các đơn vị, địa phương bắt giữ hơn 1.000 tên tội phạm.
Con số này là đủ để nói lên nhiều điều, nó trái ngược hoàn toàn với sự giản dị toát lên từ con người ông. Mà nghe chuyện ông cũng thấy lạ, một một người anh hùng, một chiến sỹ Công an nhân dân nghiêm nghị, đầy nguyên tắc, sắc lẹm trong các quyết định ấy lại bách nghệ đến mức đã từng đoạt giải Nhì văn tỉnh Hải Hưng (cũ) năm 1972 của thế kỷ trước. Ngấm vào máu, văn thơ như giúp ông cân bằng trong những lúc căng thẳng trên hành trình phá án cùng đồng đội.
Đại tá Đào Văn Vinh cho biết bài thơ có tên “Đêm Tây Bắc” ra đời cũng trong một trường hợp như thế, khi trời đã xế chiều, các trinh sát nghỉ ngơi chốc lát trong hành trình băng Tây Bắc phá án ông đã viết: “Ai lên Tây Bắc với ta không/ Nghe gió rừng đêm rộn tiếng lòng/ Trăng mờ thao thức trên đầu núi/ Da diết nỗi gì nơi cuối sông/ Thấp thoáng gần xa ánh lửa hồng/ Nhà sàn e ấp dưới bóng thông/ Thoảng hương mật ngọt trong khói bếp/ Say hồn du khách giữa đêm đông”.
Vậy đấy, ông ngồi đây, tâm sự với tôi về quá khứ, trong đó có tuổi thơ, về cuộc đời, về cái nghề duy nhất đi cùng ông suốt chiều dài một con đường từ thời còn là một người lính đến Cục trưởng đến khi về hưu. Ngày ông về hưu, ngày ông được phong tặng Anh hùng vẫn còn mới lắm, nhưng dường như hai tiếng “về hưu” trong con người ông Cục trưởng Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I, Tổng cục An ninh, Bộ Công an này thanh thản và nhẹ nhàng lắm như chính bài thơ “Về quê” ông viết trước lúc rời xa công việc.
Ông bảo ông sinh năm Ngọ thế là lấy luôn con chiến mã làm đề tài, ông chủ và con chiến mã ra đi từ vùng quê nghèo, cùng nhau trải qua chiến trận cùng đồng đội, mấy mươi năm gian khổ bôn ba khắp nơi, lúc đói - lúc rét - lúc gian nan - lúc hiểm nguy, và giờ, tự hào khi bản thân đã góp được chút sức nhỏ vào chiến trận, giờ vui vẻ về quê: “Hai ta ra đi từ thôn dã/ Theo đoàn quân khắp bến bờ xa/ Nay đã mỏi chiến mã ơi dừng bước/ Xếp giáp khiên trở lại quê nhà”…
Chia tay vị Đại tá Anh hùng, cũng là lúc nhà ông lại có khách, thì ra đó là một người lính trẻ đang làm việc tại nơi xưa ông công tác đến để ông góp ý sửa luận văn Thạc sỹ, tôi bỗng có cảm giác ấm lòng. Tôi nán lại, trong lúc ông đi tìm thêm tài liệu cho người lính của mình tôi mới được nghe thêm về sự bình dị trong công việc lẫn cuộc sống của ông. Giờ thì tôi hiểu vì sao nhiều đồng chí, đồng đội của ông, trong đó có cả người giới thiệu ông cho tôi luôn nhắc đến ông với sự trìu mến, trân trọng đến vậy!