Trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam, có hai người con quê lúa Thái Bình đảm nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Một người là Đại tướng Hoàng Văn Thái (Tây An, Tiền Hải) Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên, người thứ hai là Thượng tướng Đào Đình Luyện (1929-1999), đảm nhiệm chức Tổng Tham mưu trưởng từ năm 1991-1995.
Đào Đình Luyện, tên thật là Đào Mạnh Hùng, sinh ngày 5 tháng 11 năm 1929 tại làng Phụng Công, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, trong một gia đình nhà Nho nghèo, có truyền thống cách mạng. Bố đẻ là Đào Văn Huống và chú ruột là Đào Văn Hiển đều là Đảng viên Cộng sản năm 1930. Từ nhỏ, cậu bé Hùng đã tỏ rõ sự thông minh hơn người, có trí nhớ tốt và học rất giỏi; hết trường làng, lên trường huyện và trường tỉnh Thái Bình…
Thượng tướng Đào Đình Luyện khi tham gia Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên và khi làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
Tháng 8 năm 1945, trong không khí hào hùng của Mùa thu Cách mạng, khi mới 16 tuổi, chàng thanh niên Đào Mạnh Hùng đã đổi tên thành Đào Đình Luyện và xung phong vào bộ đội. Chỉ vài tháng sau, vào tháng 10 năm 1945, Đào Đình Luyện đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Và dù còn rất trẻ, nhưng những năm 1945 – 1946 anh đã thoát ly gia đình và được giao giữ chức vụ Chính trị viên Trung đội Bộ đội địa phương tỉnh Thái Bình.
Kháng chiến bùng nổ, Đào Đình Luyện cùng đơn vị hành quân đi chiến đấu và trực tiếp tham gia những trận đánh ác liệt nhất trong 9 năm chống Pháp. Suốt trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, ông cùng đơn vị tham dự hầu hết các chiến dịch. Đặc biệt, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312 của ông đã vinh dự được đánh trận mở màn chiến dịch, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Him Lam. Ngày ấy, ông là cán bộ chỉ huy Trung đoàn. Sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, tháng 10 năm 1955, ông được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 312, lúc đó ông chưa đầy 26 tuổi.
Ngay sau Chiến thắng Điện Biện Phủ "lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu", để xây dựng lực lượng cho binh chủng mới - lực lượng Không quân nhân dân, Việt Nam đã bắt đầu lựa chọn những cán bộ, sĩ quan, thanh niên ưu tú nhất, gửi ra nước ngoài đào tạo phi công. Tháng 3 năm 1956, đã có 110 người Việt Nam đầu tiên, được chọn lựa kỹ càng từ nhiều đơn vị, để đi ra nước ngoài học lái máy bay quân sự. Và Đào Đình Luyện cũng là cái tên đầu tiên được xếp trong danh sách ấy.
Nguyên là Tham mưu trưởng một Đại đoàn nổi tiếng, thời gian đầu, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm học viên phi công lái máy bay ném bom loại Tu-2, ở Học viện Không quân số 2 (Trường Xuân, Trung Quốc). Một thời gian sau, do yêu cầu của cấp trên, Đào Đình Luyện phụ trách thêm toàn bộ các học viên lái tiêm kích MiG-17cho đến hết khóa học.
Đại tá Đào Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng (con trai của Thượng tướng Đào Đình Luyện) phát biểu tại buổi lễ gắn biển tên phố
Một sự kiện đáng nhớ và một dấu mốc quan trọng: Ngày 30 tháng 5 năm 1963, Trung đoàn không quân tiêm kích 921, mật danh là Đoàn Sao Đỏ, được thành lập tại cao nguyên Vân Quý (Trung Quốc), trên cơ sở Đoàn học viên tiêm kích MiG-17, do Trung tá Đào Đình Luyện làm Trung đoàn trưởng, Thiếu tá Đỗ Long làm Chính ủy.
Tới ngày 3 tháng 2 năm 1964, Trung đoàn tiêm kích 921 chính thức làm Lễ ra mắt tại Mông Tự, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Ban đầu Trung đoàn có biên chế 70 phi công, được trang bị 32 máy bay tiêm kích MiG-17 và 4 máy bay huấn luyện chiến đấu MiG-15 do Trung Quốc bàn giao. Mãi tháng 4 năm 1965, đơn vị mới được tiếp nhận loại máy bay mới MiG-21, do Liên Xô viện trợ.
Sau sự kiện "Vịnh Bắc Bộ", Bộ Quốc phòng Mỹ kiếm cớ để dùng Không quân và Hải quân đánh phá vào Nghệ An, Quảng Ninh và một số địa phương khác… Trung đoàn 921 nhận được lệnh di chuyển về nước để chuẩn bị chiến đấu.
10 giờ 35 phút ngày 6 tháng 8 năm 1964, những chiếc máy bay MiG-17 của Không quân nhân dân Việt Nam cất cánh từ sân bay Mông Tự (Trung Quốc) đã bay qua biên giới Trung – Việt và đáp xuống sân bay quân sự Đa Phúc (tức Nội Bài ngày nay) vừa được xây dựng ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương đã dành sự quan tâm đặc biệt tới lực lượng Không quân non trẻ. Ngay sau khi lứa phi công tiêm kích đầu tiên của Trung đoàn 921 về nước nhận nhiệm vụ, Bác đã đến sân bay thăm hỏi, động viên và căn dặn: "Tổ tiên ta ngày xưa đã có chiến công trên sông, trên biển như: Bạch Đằng, Hàm Tử... trên bộ như: Chi Lăng, Vạn Kiếp, Đống Đa... Ngày nay, chúng ta phải mở mặt trận trên không thắng lợi. Trách nhiệm ấy trước hết là của các chú". Thực hiện lời dạy của Bác, Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện và Ban chỉ huy Trung đoàn đã khẩn trương tổ chức huấn luyện, chuẩn bị mọi mặt để "mở mặt trận trên không thắng lợi".
Qua do thám, tình báo, Mỹ nắm được thông tin những chiếc MiG đã xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng lực lượng Không quân Mỹ cũng không quan tâm lắm vì họ cho rằng MiG-17 là loại tiêm kích đã hoàn toàn lạc hậu, chỉ có vận tốc dưới âm, không có radar cũng như tên lửa. Các phi công Mỹ cũng tin rằng: Đối thủ của họ sẽ là những phi công Liên Xô, hoặc chí ít cũng là phi công Trung Quốc, chứ không thể nào là những phi công Việt Nam non nớt.
Chính vì thế, họ có quyền tin rằng bầu trời Việt Nam sẽ hoàn toàn do các phi công Mỹ làm chủ! Nhưng sau này, thực tế đã chứng minh ngược lại: Theo một thống kê, tổng cộng trong chiến tranh, Không quân nhân dân Việt Nam đã bắn hạ 320 máy bay các loại của Mỹ, trong khi tổn thất trong chiến đấu là 131 máy bay các loại (đạt tỉ lệ 1 đổi 2,5). Đây quả là một kì công, nhất là với trang bị máy bay cũ kĩ và số giờ bay thấp. Nói cách khác: Các phi công Mỹ đã chịu thua phi công Việt Nam một cách "tâm phục khẩu phục".
Trong những năm tháng tham gia chỉ huy Bộ đội Không quân, Thượng tướng Đào Đình Luyện không chỉ tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu và tổ chức cho phi công đánh thắng mà còn là người đặt những viên gạch đầu tiên tổ chức hệ thống công tác chỉ huy chiến đấu trên không, một hình thức tổ chức trước đó chưa hề có tiền lệ.
Với cương vị Trung đoàn trưởng, ông là người khích lệ các phi công và chủ trì các cuộc "Hội nghị quân sự dân chủ" - một hình thức khuyến khích sáng tạo về cách đánh trong đội ngũ phi công. Ông còn là một trong những người có công lớn mở đầu công tác tổng kết chiến thuật và cách đánh cho Bộ đội Không quân, đối phó với các thủ đoạn luôn biến hóa của Không quân Mỹ. Một biệt tài nữa của ông là việc phát hiện, tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng cán bộ. Bằng kinh nghiệm công tác, chiến đấu, ông đã rèn luyện, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ trưởng thành, nhiều đồng chí được giữ trọng trách cao của Đảng, Nhà nước, quân đội sau này.
Trải qua nhiều cương vị công tác, từ một Tham mưu trưởng Sư đoàn bộ binh đến làm Đoàn trưởng lưu học sinh quân sự học lái máy bay ở Trung Quốc, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân Tiêm kích đầu tiên của quân đội ta, đến những năm làm Tư lệnh Quân chủng Không quân, rồi khi là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Đào Đình Luyện luôn thể hiện là một vị tướng khiêm tốn, giản dị. Khi nghỉ công tác ở Bộ Quốc phòng, ông về nhận nhiệm vụ ở Hội Cựu chiến binh Việt Nam, với cương vị Phó Chủ tịch thường trực.
Các cựu chiến binh và toàn thể cán bộ, chiến sĩ không quân luôn nhớ về người Trung đoàn trưởng đầu tiên của Trung đoàn Không quân tiêm kích đầu tiên, người chỉ huy trận đầu đánh thắng, người kiến tạo nên những thành công của bộ đội Không quân, người "anh cả" của Bộ đội Không quân anh hùng.
Sáng 2/4/2023, tại Hà Nội, Quận ủy – Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Long Biên đã tổ chức lễ gắn biển tên tuyến đường, phố mang tên Đào Đình Luyện. Tuyến phố Đào Đình Luyện (quận Long Biên) bắt đầu từ đoạn giao cắt phố Đoàn Khuê - Đào Văn Tập tại Khu đô thị Vinhomes Riverside kéo dài đến ngã ba giao cắt đường Nguyễn Văn Linh. Phố dài 1,4km, rộng 30m.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện nghi thức gắn biển phố Đào Đình Luyện
Đây là việc làm không chỉ ghi nhận công lao to lớn của ông mà còn góp phần không nhỏ vào việc giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là thế hệ trẻ
Phan Anh