Tọa đàm về Danh nhân Đào Hữu Ích


Danh nhân Đào Hữu Ích, một vị quan trọng thần triều Nguyễn, hàm Thượng thư đầu triều. Ông nổi tiếng thanh liêm, thương dân hết mực, có nhiều công lao to lớn với quê hương xứ sở huyện Hương Sơn vào cuối thế kỷ thứ 19. Di tích nhà thờ Ông tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Sáng ngày 9/10, Ban lịch sử và ban Doanh nhân Hội đồng họ Đào Việt Nam phối hợp với Hội khoa học lịch sử Hà Tĩnh, Chi tộc họ Đào ở xã Sơn Bằng và chính quyền địa phương xã Sơn Bằng đã tổ chức buổi tọa đàm về Thượng thư Đào Hữu Ích.

Đại biểu tham dự buổi tọa đàm về Danh nhân Đào Hữu Ích

Tới dự có nhà sử học Lê Văn Lan,  Nhà văn Đào Ngọc Du –  Trưởng Ban lịch sử Hội đồng họ Đào Việt Nam, Ông Đào Trung Quân - Trưởng đoàn Ban Doanh nhân họ Đào Việt Nam;  bà Đồng Thị Hồng Hoàn - Hội khoa học lịch sử Hải phòng; ông Nguyễn Trí Sơn  - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh. Ở huyện có đồng chí Bùi Nhân Sâm – TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, đồng chí Hồ Thái Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo Phòng Văn hóa, Trung tâm Văn hóa – Truyền thông, lãnh đạo xã Sơn Bằng.

Bà Uông Thị Kim Yến – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Bằng với tham luận có tựa đề: “ Vùng đất, dòng họ, gia đình làm nên tên tuổi Đào Hữu Ích ”

Ông Nguyễn Trí Sơn - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh với tham luận: “ Vai trò của danh nhân Đào Hữu Ích trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm”

Ông Trần Anh Nam, trưởng phòng Văn hóa Thông tin Hương Sơn với tham luận “Ân nghĩa cụ Thượng Đào với người dân Hương Sơn”

Ông Đào Duy Sính, tộc trưởng Chi họ Đào – hậu duệ của Danh nhân Đào Hữu Ích với tham luận:“Di tích và Hậu thế Danh nhân Đào Hữu Ích”

Ông Đào Thanh Anh, hậu duệ Danh nhân Đào Hữu Ích với tham luận: “ Những điểm mới về Danh nhân Đào Hữu Ích”

Ông Đào Trung Quân - Trưởng đoàn Ban Doanh nhân họ Đào Việt Nam kiến nghị về nâng cấp di tích xứng đáng với công lao, tài đức của Thượng thư Đào Hữu Ích

Tại buổi tọa đàm, các tham luận đã tập trung làm rõ về gốc tích, cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đào Hữu Ích, một vị quan trọng thần triều Nguyễn, hàm Thượng thư đầu triều. Ông nổi tiếng thanh liêm, thương dân hết mực, có nhiều công lao to lớn với quê hương xứ sở huyện Hương Sơn vào cuối thế kỷ thứ 19. Trọng tâm là các tham luận: “ Vùng đất Hữu Bằng xưa” của đơn vị xã Sơn Bằng; tham luận “Danh nhân Đào Hữu Ích, một kẻ sỹ Lam Hồng, một vị quan tài đức” của Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng; tham luận “ Trọng thần Đào Hữu Ích, một vị quan yêu nước, thương dân” của Hội Khoa học lịch sử Hà Tĩnh; tham luận: “Ân nghĩa cụ Thượng Đào với người dân Hương Sơn” của Phòng Văn hóa Thông tin Hương Sơn; tham luận :“ Di tích và Hậu thế Danh nhân Đào Hữu Ích” và tham luận: “ Những điểm mới về Danh nhân Đào Hữu Ích” của các hậu duệ Danh nhân Đào Hữu Ích.

Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu tại buổi tọa đàm

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Giáo sư sử học Lê Văn Lan chia sẽ “thời thế tạo anh hùng – anh hùng sinh thời thế”, chữ thời ở đây ứng vào cụ Đào Hữu Ích một cách trọn vẹn. Thời của cụ là 1 thời cực kỳ khó khăn của đất nước. Vua Tự Đức băng hà năm 1883, để lại  một giang sơn rối bời, ngoại bang đô hộ. Cụ là người được chọn ra để ghé vai gánh vác. Chữ “thời” ở đây, cụ đã vận dụng rất sáng tạo, nương theo, tỏa được các ảnh hưởng, các giá trị của mình, để giúp cho thế sự. Rất khó nhưng “Cụ Thượng Đào” đã làm được. Làm quan ở triều đình, đi nhận chức ở các miền đất nước nhưng Cụ vẫn đau đáu 1 nỗi niềm và đến lúc từ quan về với quê nhà, cụ hết lòng vì dân, giúp đỡ dân, thương yêu dân, cưu mang dân. Khi người dân quê nhà gặp khó khăn, chính nhờ cụ chở che mà thoát khỏi tai ương, thảm sát”.

Đồng chí Hồ Thái Sơn  - Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn phát biểu tại buổi tọa đàm

Cũng tại buổi tọa đàm, đồng chí Hồ Thái Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khẳng định, Hương Sơn là vùng đất địa linh nhân kiệt, có nhiều bậc hiền tài đã làm rạng danh quê hương, đất nước, trong đó có Danh nhân Đào Hữu Ích. Ông là một vị quan yêu nước, thương dân, thanh liêm, mẫn cán, một nhà chính trị, giáo dục tài năng, hết lòng phụng sự vương triều và chăm lo đến đời sống Nhân dân. Năm 2007, Nhà thờ Đào Hữu Ích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến năm 2015, Mộ và Nhà thờ Đào Hữu Ích được nâng hạng thành di tích lịch sử cấp Quốc Gia. Đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, trong thời gian tới, huyện nhà sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, trong các trường học về cuộc đời và sự nghiệp của các vị  Danh nhân nói chung, Danh nhân Đào Hữu Ích nói riêng. Qua đó giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, niềm tự hào, tự tôn dân tộc và “ Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Cũng tại buổi tọa đàm, dòng tộc họ Đào kiến nghị huyện nhà cần tạo mọi điều kiện để tôn tạo phần  mộ, phục hồi cổng, lối vào, khuôn viên Di tích nhà thờ Danh nhân Đào Hữu Ích như thuở ban đầu; đặt tên con đường mang tên Danh nhân tại Thành phố Hà Tĩnh và các tỉnh/thành khác mang tâm vóc Quốc gia.


Trước đó, các đại biểu đã tổ chức dâng hoa, thắp hương tại phần mộ và nhà thờ Đào Hữu Ích tại thôn Hữu Bằng, xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn.

Bích Hường – Bích Liên

Bài viết mới
Tọa đàm về Danh nhân Đào Hữu Ích