Trung tướng Đào Duy Minh: “Bản tình ca người lính” mãi ngân vang – Những ân tình sâu nặng


Phần lớn, cuộc đời quân ngũ của Trung tướng Đào Duy Minh gắn bó với chiến trường miền Trung - Tây Nguyên, nên ông hiểu rất rõ về mảnh đất này. Miền Trung là chiếc đòn gánh “gánh” hai đầu đất nước. Trong chiến tranh, người dân chịu nhiều mất mát, hy sinh. Thời bình, họ lại gồng mình chống chọi với bao nỗi đau thương, gian khó bởi thiên tai, bão lũ. Chính vì vậy, ông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm tới vấn đề an sinh xã hội.

Lo cho dân như lo cho mình

Từ quan điểm sâu sắc ấy, nên mỗi khi có tin bão vào địa bàn, Chính ủy Đào Duy Minh luôn sâu sát chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 5 triển khai toàn diện các mặt... chỉ cần có lệnh là lên đường cứu dân...

Là người cẩn trọng và sâu sát, tuy đã chỉ đạo các đơn vị triển khai nhiệm vụ, nhưng ông vẫn thường xuyên dùng điện thoại di động liên lạc với các hướng để nắm tình hình chung và động viên anh em gắng sức vượt lũ cứu người bị nạn... Ở đâu gặp hoạn nạn, thiên tai, bão lũ là ông điều lực lượng tới ngay. Quyết định chính xác, dứt khoát ấy thể hiện sự trải nghiệm trong ứng xử với những trường hợp đột xuất, khó lường của một người lính từng trải, lăn lộn, gắn bó máu thịt với nhân dân, với địa bàn; đó chính là sự hiệp đồng chặt chẽ, chủ động, kịp thời.

Trung tướng Đào Duy Minh thăm cán bộ, chiến sĩ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), ngày 28-4-2013.

Ông là người có duyên nợ với khó khăn, gian khổ. Tôi nhớ năm 2004, mưa lũ kéo dài, nhân dân huyện Trà Bồng thiếu đói, đích thân Đại tá Đào Duy Minh (thời điểm đó đang giữ chức Phó chỉ huy trưởng về Chính trị Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi) cùng lực lượng cứu trợ dùng xe tải chở lương thực lên cứu đói cho bà con. Hôm ấy, mưa tầm tã, chiếc xe tải ì ạch bò tới địa phận xã Trà Phong thì bị tắc đường do núi lở. Không chậm trễ, anh chỉ đạo bộ đội cắt rừng vận chuyển gạo lên trực thăng để thả hàng cho dân. Trời mây mù, máy bay quần đảo mấy vòng vẫn không tìm thấy bãi đáp. Nhiều đồng chí tỏ vẻ lo lắng, nhưng anh vẫn bình tĩnh động viên mọi người: “Mỗi túi gạo, thùng mì tôm, gói muối đối với dân lúc này là rất cần thiết, hãy cố gắng lên!”.

Vài ngày sau, ông lại cùng bộ đội ra tận xã Bình Minh (Bình Sơn) cứu đói. Người dân địa phương rất cảm động khi thấy một vị đại tá áo quần sũng nước, cùng bộ đội chèo xuồng cấp phát mì tôm cho đồng bào. Suốt cả ngày dầm mình trong lũ cứu đói cho dân, Đại tá Đào Duy Minh mệt bã cả người, bụng đói cồn cào. Được ổ bánh mì (khẩu phần ăn của mình) anh cũng dành tặng trẻ em vùng lũ...

Trung tướng Đào Duy Minh và Đại tá Tạ Nhân, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5 trên tàu ra đảo thăm quân - dân huyện đảo Lý Sơn, tháng 4-2013.

Trung tướng Đào Duy Minh thường tâm sự: “Cứu dân là mệnh lệnh trái tim. Nhiệm vụ của người lính giữa thời bình là đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân. Các cụ ngày xưa vẫn coi trọng lấy dân làm gốc đấy thôi!”. 

Nhiều lần tháp tùng ông, tôi nhớ mãi hình ảnh vị tướng quần xắn gối, chân dép lốp, đầu đội mũ cối cùng đoàn cán bộ về các vùng ngập lũ. Dáng ông tất tả trong chiều bão dông… Chính những lần cùng ông về với dân trong những lúc gian khó, tôi mới nhận ra rằng, nước mắt người dân vùng lũ chảy ngược vào trong, nhưng sau bão họ lại gắng gượng vươn lên. Vươn lên như cây lúa ngoi lên giữa dòng nước bạc...

Bao năm gắn bó với địa bàn miền Trung - Tây Nguyên, từng được nhân dân đùm bọc, che chở từ những ngày gian khổ nhất, nên Trung tướng Đào Duy Minh hiểu rõ cuộc sống khó khăn của bà con đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại nặng nề do thiên tai bão lũ gây nên. Vì lẽ đó mà ông cố gắng chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn, đáp nghĩa” và các vấn đề về an sinh xã hội.

Vào dịp Tết Mậu Tý (2008), trên cương vị là Phó chính ủy Quân khu 5, ông đã bàn bạc, thống nhất cùng các thủ trưởng Bộ tư lệnh Quân khu trích 250 triệu đồng từ Quỹ “Ngày vì người nghèo” để mua gạo tặng các hộ nghèo trên địa bàn đơn vị đóng quân. Từ số tiền 250 triệu đồng được phân bổ, Bộ CHQS các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương khảo sát cụ thể các đối tượng, trực tiếp cử cán bộ mang quà tới từng gia đình. Không chỉ cấp gạo cho dân, các đơn vị trong toàn Quân khu còn tổ chức đợt phát động quyên góp chăn màn, quần áo tặng người nghèo. Và đợt cứu trợ ấy là việc làm thiết thực thể hiện đạo lý truyền thống “Đoàn kết, tương thân, tương ái” vì sự phát triển của dân tộc, đây còn là hoạt động bổ ích thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trung tướng Đào Duy Minh thăm và làm việc tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu Đá Bằng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk) ngày 13-4-2013. Ảnh: VĂN NHƯƠNG 

Ngoài việc quyên góp gạo, muối, quần áo, chăn màn tặng đồng bào vùng sâu, vùng xa, ông cũng đã thống nhất với Cục Chính trị Quân khu chỉ đạo các đội công tác 123 phối hợp với các đại đội làm công tác dân vận và các đội tuyên truyền văn hóa cơ sở lập kế hoạch cử 350 lượt cán bộ, chiến sĩ đến thăm và chúc Tết hơn 15.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số; trao 3.500 suất quà tặng các đối tượng chính sách, già làng, trưởng thôn; tham gia giúp dân vệ sinh môi trường, giao lưu văn hóa văn nghệ. Các tỉnh Tây Nguyên hỗ trợ thêm kinh phí cho đội 123 để cán bộ, chiến sĩ vui Tết đón xuân cùng đồng bào nghèo, dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng.

Từ tháng 6-2011 đến tháng 5-2015, Thiếu tướng Đào Duy Minh được điều động bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên cương vị mới, ông thường xuyên quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao hơn nữa chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác trước mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới. Tuy bận rộn như thế nhưng ông vẫn luôn quan tâm theo dõi và nhắc nhở các đơn vị coi trọng các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và các vấn đề an sinh xã hội.

Sáng mãi khúc quân hành

Chuyện tình của Trung tướng Đào Duy Minh và phu nhân là Thiếu tá QNCN Trần Thị Tiếp chớm nở từ trong chiến tranh, trải qua nhiều thử thách đã có một cái kết đẹp và bình dị như chính cuộc đời của họ.

Trong ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Bình (TP Đà Nẵng), bà Trần Thị Tiếp lặng lẽ thắp nén hương lên bàn thờ, ngắm nhìn chân dung chồng giây lát rồi chậm rãi kể về cuộc đời mình. Qua câu chuyện, tôi càng hiểu sâu hơn về mối tình giản dị mà đẹp đẽ của bà và Trung tướng Đào Duy Minh.

Cha hy sinh khi Trần Thị Tiếp mới 5 tuổi, mẹ sau đó cũng mất sớm nên Tiếp phải ở với bà nội. Trong lòng mang nặng nỗi hờn căm quân giặc, lớn lên thêm chút, Trần Thị Tiếp tình nguyện tham gia du kích. Trong một lần vô tình gặp gỡ tại hậu cứ, chiến sĩ Đào Duy Minh ấn tượng mãi với cô du kích nhỏ nhắn, gương mặt hiền hậu, có hai bím tóc duyên dáng. Cùng chung cảnh ngộ mồ côi, họ đồng cảm rồi yêu nhau. Tình yêu nồng nàn, mãnh liệt trong bối cảnh thời chiến giúp họ vượt qua tất cả khó khăn, thử thách. Đến năm 1979, hai người nên duyên chồng vợ.

Chuyện hỏi vợ của đồng chí Đào Duy Minh cũng khá hài hước. Đầu năm 1979, lúc ông cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Campuchia thì ở quê nhà, nhân đám cưới người anh con bác ruột, bà con nội tộc sực nhớ tới đứa cháu là bộ đội. “Bữa nay đông đủ, vui vẻ thế này, sao không hỏi vợ luôn thể cho thằng Minh nhỉ? Chúng nó quen nhau lâu rồi kia mà!", ông bác dõng dạc tuyên bố. Nghe vậy, anh em trong dòng tộc nhanh chóng kiếm vài hộp trà, bọc trong vuông vải màu hồng rồi kéo đến nhà Trần Thị Tiếp.

Bà nội và Tiếp nhận lễ mà hoàn toàn bất ngờ. Họ nhà trai chạm ngõ đầu năm thì cuối năm Đào Duy Minh được đơn vị cho về làm đám cưới. Đám cưới tuy đơn sơ nhưng ấm tình làng nghĩa xóm. Cô dâu không có chút vàng bạc, sính lễ nào nhưng tâm hồn thì phơi phới đón chú rể “động phòng” trong ngôi nhà tranh vách đất thơm nồng.

Gia đình Trung tướng Đào Duy Minh, ngày 18-2-2018.

Cưới nhau chưa đầy hai tháng thì ông lại sang chiến trường Campuchia. Ông đi hơn hai năm sau mới về phép. Đến cuối năm 1981, con trai đầu lòng Đào Duy Tân cất tiếng khóc chào đời thì ông lại đi biền biệt. Một mình bà Tiếp ở quê nhà chăm con nhỏ, đối mặt với bao vất vả, khó nhọc, nỗi lo cơm áo gạo tiền. Năm 1982, nhận tin chồng bị thương ở bên nước bạn Campuchia, bà thương ông khóc cạn nước mắt... Ông mải lo việc quân, mình bà tần tảo nuôi con khôn lớn. Còn nhớ trận lũ lớn nhất Quảng Ngãi năm 1989. Lũ về bất ngờ, nước dâng cao, chảy xiết. Bà đang đi làm thì hay tin nước ngập mái nhà, con trai may mắn được bà con cứu giúp.

Thời còn công tác ở Quân khu 5, gia đình Trung tướng Đào Duy Minh được mọi người đặt cho cái tên thật giản dị là “gia đình quân nhân”. Câu chuyện do một đồng nghiệp của tôi ghi lại giúp độc giả hiểu thêm về truyền thống gia đình ông... "Hôm ấy, sắp tới giờ khai mạc Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ VIII, tôi bước nhanh tới bàn cấp phát tài liệu. Qua bậc cửa, một đại biểu mặc quân phục vội vàng đi qua, vai anh chạm vào vai tôi.

Anh quay lại, giọng nhỏ nhẹ: “Em xin lỗi”. Nhìn biển tên đeo trên ngực và cầu vai, tôi biết người đó là Trung úy Đào Duy Tân, lúc đó là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Năm 2006, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân 2 về đơn vị công tác, trải qua các chức vụ: Trung đội trưởng, Phó đại đội trưởng về quân sự, Đại đội trưởng, dù ở cương vị nào, Trung úy Đào Duy Tân cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 3 năm liền (2007-2009) được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, năm 2009 đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân. Ở đơn vị, công việc quản lý, chỉ huy bộ đội bận rộn, ngày ngày theo bộ đội ra bãi tập huấn luyện, đêm về khi bộ đội tắt điện đi ngủ, anh lại miệt mài bên trang giáo án, nghiên cứu tài liệu, soạn bài thục luyện... nên Tân có ít thời gian dành cho gia đình.

Gia đình Trung tướng Đào Duy Minh (Ảnh chụp ngày 18-2-2018).

Khi được thông báo được đi dự Đại hội Thi đua Quyết thắng toàn quân lần thứ VIII, Tân đã điện thoại cho bố mình. Bố anh dặn: “Tới đại hội, con phải chú ý lắng nghe các ý kiến phát biểu, tiếp thu kinh nghiệm của các đơn vị để vận dụng trong quá trình xây dựng đơn vị mình...”. Người cha của Đào Duy Tân là Trung tướng Đào Duy Minh, thời điểm đó là Thiếu tướng, Chính ủy Quân khu 5, đại biểu của Quân khu dự đại hội. Mấy tháng trời, hai cha con mới có dịp gặp nhau tại đại hội".

Đúng như nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Lớp cha trước, lớp con sau / Đã thành đồng chí, chung câu quân hành...”. Đối với gia đình Trung tướng Đào Duy Minh cũng vậy, hai người con trai của ông bà đều chọn con đường binh nghiệp của cha mẹ, con trai cả là Thượng tá Đào Duy Tân, hiện là Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn 2; con trai út là Thiếu tá Đào Tiến Tân, Chủ nhiệm Hậu cần – Kỹ thuật Lữ đoàn 575 (Quân khu 5). 

Có thể nói, tình yêu và cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Đào Duy Minh bình dị như “Khúc quân hành lặng lẽ”, là “bản tình ca người lính” mãi ngân vang...

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG

Trung tướng Đào Duy Minh: “Bản tình ca người lính” mãi ngân vang – Những ân tình sâu nặng