Ba anh em và con đường đến với khoa học: Đào Xuân Sâm, Đào Xuân Trà, Đào Xuân Lâm tại làng Sêu, xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Tây, 1975


Ba anh em và con đường đến với khoa học: Đào Xuân Sâm nhà nghiên cứu quản lý kinh tế, Đào Xuân Trà nguyên Viện trưởng Viện Mắt Trung ương, Đào Xuân Lâm đóng góp cho việc phục hồi giao thông trong chiến tranh tại làng Sêu, xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Tây, 1975

tin từ MEDDOM Tại thôn Trinh Tiết, thường gọi là làng Sêu thuộc xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội) có một gia đình khá đặc biệt. Dù cha mẹ mất sớm, nhưng ba anh em trai đã đùm bọc, tự nuôi nhau ăn học và trở thành những nhà khoa học thành danh. Ba anh em là PGS Đào Xuân Trà (Y học), nguyên Viện trưởng Viện Mắt Trung ương; PGS Đào Xuân Sâm (Kinh tế), nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS Đào Xuân Lâm (Giao thông vận tải), nguyên Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Vâng lời cha dạy

Hai cụ Đào Xuân Mai và Nguyễn Thị Yên có 8 người con - năm con gái và ba con trai. Ngoài trồng lúa, vợ chồng cụ Mai còn làm thêm nghề nuôi tằm và buôn bán vải nên kinh tế thuộc hạng khá giả trong làng, nhờ vậy ba người con trai là Đào Xuân Trà (1924), Đào Xuân Sâm (1925), Đào Xuân Lâm(1935) đều được ăn học đầy đủ. Tháng 3-1940, cụ bà ốm nặng rồi qua đời, không lâu sau đó cụ ông cũng phát hiện bệnh lao, sức khỏe suy sụp dần. Trước khi mất (tháng 10-1940), cụ Mai gọi các con lại gần và dặn Đào Xuân Trà: Cha mẹ đang dệt vải thì gẫy khung (ý không thể nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn), các con phải yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cố gắng học thành tài[1]. Sau khi bố mất, kinh tế gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, anh trai Đào Xuân Trà đang học ban Toán, trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An), các chị Cam, Tham, Lam đã lấy chồng nên chỉ giúp đỡ phần nào việc nhà. Các em nhỏ là Sam, Yêm, Lâm, nên gánh nặng gia đình đặt lên vai con trai Đào Xuân Sâm khi mới 15 tuổi. Đào Xuân Sâm đang học ở trường Cao đẳng tiểu học Auguste Eugène Ludovic Tholance (mang tên một vị Thống sứ Bắc Kỳ) ở phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Ứng Hòa, Hà Nội) phải nghỉ học để giúp chăm lo gia đình. 

Không muốn để anh trai cả dở dang việc học tập ở trường Bưởi và có thể nuôi dạy các em nhỏ, Đào Xuân Sâm nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ tìm chọn công việc phù hợp để có tiền trang trải trong gia đình. Ban đầu, ông mua trâu về để đi cày thuê cho các hộ trong làng, vì thiếu kinh nghiệm nên bị lừa mua phải trâu ốm. Vài tháng sau trâu bị chết ông phải đổi sang làm nghề dệt vải. Ông đến làng Đông Tín (thuộc phủ Ứng Hòa) để xin học nghề với điều kiện phải làm không công trong nửa năm. Nhờ thông minh lại cần cù ham học, ông học được nghề rồi cùng người chú họ mua máy về dệt vải. Do còn trẻ, việc giao dịch mua bán vải đều do chú nắm nên ông chán nản và nghỉ làm. 

Tháng 9-1940, quân đội Nhật Bản tiến vào Việt Nam, hàng hóa ngày càng khan hiếm do tác động của chiến tranh, Đào Xuân Sâm quyết định nuôi tằm để lấy trứng bán. Giá một kilôgam trứng tằm làm giống thì ông không nhớ, nhưng chỉ cần bán khoảng 10kg là thu nhập cao hơn trồng một vụ lúa. Nhờ đó, ông Sâm có tiền nuôi các em và gửi tiền ra Hà Nội cho anh trai. PGS Đào Xuân Sâm kể: Lâm khi đó mới 6 tuổi nhưng chăm học, mỗi lần tôi đi làm đồng về, nghe tiếng tôi gọi là Lâm liền chạy từ vườn về và cất tiếng “dạ” rất to[2].

Có tháng về nhà lấy tiền và gạo, ông Trà mang sách và một số tài liệu, báo chí của Hội truyền bá chữ Quốc ngữ cho em Đào Xuân Sâm. Năm 1943, ông Sâm cùng một số thanh niên trong làng như Nguyễn Văn Hi, Nguyễn Văn Hoải, Lưu Văn Chiêng, Đỗ Xuân Tiêu, Nguyễn Văn Lễ... lập Hội truyền bá chữ quốc ngữ ở địa phương. Buổi tối, Đào Xuân Sâm cùng các bạn đến đình làng dạy chữ cho dân, mỗi người đến học thường mang theo đèn dầu. Lớp học đủ mọi thành phần: người già, người trẻ, có cả phụ nữ và trẻ con, không phân biệt tuổi tác, tuy cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng mọi người đều rất ham học. Ban ngày, các thành viên trong Hội cắt cử người kiểm soát cổng ra vào chợ làng, muốn vào chợ thì phải đọc đúng chữ cái do thành viên trong Hội đưa ra. Ai không đọc được hoặc không tuân thủ quy định thì buộc phải đi lối cổng chui, vì vậy mọi người đều cố gắng học để biết chữ. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông Đào Xuân Trà về quê cùng em trai Đào Xuân Sâm vận động thanh niên trong xã tích cực tham gia phong trào Việt Minh.

Ba anh em – ba hướng đi khoa học

Đất nước độc lập không bao lâu thì Pháp đưa quân trở lại miền Bắc gây hấn nhiều nơi. Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ba anh em của ông Sâm phải chia ly mỗi người một ngả. Anh cả Đào Xuân Trà lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến rồi thi đỗ vào trường Đại học Y Việt Nam năm 1949. Sau 6 năm học tập, ông tốt nghiệp và được phân về làm Viện trưởng Viện Quân y 5 (nay là Bệnh viện Quân y 5) ở Ninh Bình. Năm 1955, ông chuyển về làm Phó trưởng khoa Mắt, Viện Quân y 108 rồi sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh với đề tài So sánh một số phương pháp điều trị bỏng hóa chất nặng trên mắt. Sau 4 năm học tập, năm 1964, ông về nước và làm Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Quân Y 108. Đến năm 1976 ông Trà được Bộ Y tế chuyển về làm Viện trưởng Viện Mắt (nay là Bệnh viện Mắt Trung ương). Ông Đào Xuân Trà được phong hàm Phó giáo sư ngành Y học năm 1980. Bốn năm sau, ông qua đời vì ung thư đường tiêu hóa khi tròn 60 tuổi. Ông có hơn 20 đề tài, bài viết nghiên cứu khoa học công bố trong và ngoài nước về các vấn đề: vết thương đụng dập mắt do bom bi, xử lý kẹt mống mắt do chấn thương, đục thủy tinh thể chấn thương, biểu hiện ở mắt do chấn thương sọ não, nhãn viêm giao cảm…

Ba anh em: Đào Xuân Sâm (bìa trái), Đào Xuân Trà, Đào Xuân Lâm (bìa phải) tại làng Sêu, xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Tây, 1975

Người em trai thứ hai là PGS Đào Xuân Sâm, ông được biết đến là nhà nghiên cứu quản lý kinh tế, người tiên phong trong sự nghiệp đổi mới những năm 80. Sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, Đào Xuân Sâm gia nhập quân đội ở Trung đoàn Thủ đô. Ông bị thương trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm giữ thành Hà Nội. Ông được chuyển về hậu phương và tiếp tục phục vụ trong quân đội 12 năm. Năm 1958, ông ra quân để tiếp tục thực hiện ước mơ học tập còn dang dở. Ông là sinh viên trường Kinh tế quốc dân khi đã 33 tuổi. Năm 1961, ông tốt nghiệp và được giữ lại công tác ở khoa Kinh tế công nghiệp của trường. Năm 1978, ông chuyển sang công tác ở khoa Quản lý kinh tế, trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Trong những năm tháng khó khăn kinh tế, ông đã có nhiều bài viết về các vấn đề gay cấn của đất nước: Mở rộng phạm vi kế hoạch hóa trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần, báo Nhân dân, 11-1980, Khoán sản phẩm và những vấn đề đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp, báo Nhân dân, 27-5-1981, Kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quyền tự chủ của người kinh doanh, báo Nhân dân, 3-1986... Với những đóng góp trong giảng dạy và nghiên cứu, ông được phong hàm Phó giáo sư Kinh tế năm 1984. Với bề dày về chuyên ngành kinh tế, ông còn được mời tham gia các Nhóm nghiên cứu đổi mới của Chủ tịch Hội đồng nhà nước Trường Chinh (1984-1986); sang Lào tư vấn cho Tổng Bí thư Kayson (1987), thành viên Nhóm nghiên cứu chống lạm phát của Thủ tướng Đỗ Mười (1988-1990), Ban nghiên cứu của Thủ tướng (1993-2006)…

Người em trai út là PGS Đào Xuân Lâm, ông là một trong những thế hệ sinh viên đầu tiên được cử sang Trung Quốc đào tạo về ngành giao thông và có nhiều đóng góp cho việc phục hồi giao thông trong chiến tranh, thiết kế xây dựng đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên. Khi hai anh trai tham gia kháng chiến thì Đào Xuân Lâm sống cùng chị gái ở quê và đi học trường Trung học Nguyễn Huệ được mở ở trong xã. Năm 1950, Pháp mở rộng vùng đánh chiếm xuống huyện Mỹ Đức, ông Đào Xuân Trà đón em trai lên chiến khu Việt Bắc để tiếp tục được đi học. Năm 1954, Đào Xuân Lâm 19 tuổi được cử sang Trung Quốc học chuyên ngành Giao thông. Sau 4 năm học tập, ông về nước và công tác ở Viện Thiết kế giao thông. Những năm Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần I (1964-1968), rồi lần II (1972), các trục đường giao thông luôn là mục tiêu tấn công của không quân Mỹ, vì vậy cầu đường bị tàn phá nặng nề. Ông Lâm cùng các đồng nghiệp thường có mặt những nơi bị bom đạn cày xới ác liệt nhất để khảo sát rồi đề ra phương án khắc phục để giao thông nhanh chóng hoạt động trở lại, đảm bảo tiếp tế và phục vụ chiến trường miền Nam. Năm 1978, ông làm Viện phó Viện Thiết kế giao thông, Bộ Giao thông vận tải, rồi Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội (1982-1987), Viện trưởng Viện Thiết kế giao thông (1987-1997). Ông được phong Phó giáo sư ngành Giao thông vận tải năm 1984. Ông tham gia thiết kế nhiều tuyến đường giao thông, tiêu biểu như đường sắt Hà Nội – Thái Nguyên, dự án mở rộng quốc lộ 1, hệ thống cầu đường liên doanh với nước ngoài… Đồng thời, ông dành nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học, đã tham gia 4 đề tài cấp Nhà nước, trong đó tiêu biểu là đề tài đã được in thành sách: Tiêu chuẩn thiết kế cầu Việt Nam và Mỹ học cầu, Nxb. Giao thông vận tải, 2003 và viết hàng trăm bài báo, sách về chuyên ngành cầu đường.

Ba anh em họ Đào, dù sinh ra trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, đất nước chiến tranh, nhưng chính tình yêu thương, trách nhiệm với gia đình đã trở thành nguồn động lực để họ khắc phục mọi gian khó, vươn lên trong cuộc sống và trở thành nhà khoa học có tên tuổi trong các lĩnh vực khác nhau. Họ đã trở thành tấm gương sáng về nghị lực, về sự hy sinh vì những người thân yêu, cho các thế hệ sau học tập và noi theo.

 Ngô Văn Hiển


[1] Tài liệu ghi âm PGS Đào Xuân Sâm ngày 2-3-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam
[2] Tài liệu ghi âm PGS Đào Xuân Sâm ngày 4-7-2016, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Bài viết mới
Ba anh em và con đường đến với khoa học: Đào Xuân Sâm, Đào Xuân Trà, Đào Xuân Lâm tại làng Sêu, xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Tây, 1975