Danh nhân văn hóa Đào Tấn – niềm tự hào của nhân dân Bình Định


Ðào Tấn (tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng) là nhà sáng tác, nhà đạo diễn lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật tuồng Việt Nam; đồng thời ông còn là nhà thơ nổi tiếng của giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Ðào Tấn đã để lại cho chúng ta một gia tài nghệ thuật vô giá bao gồm các vở tuồng, thơ và từ, lý luận sân khấu, câu đối cùng với các thế hệ học trò của ông đã lưu truyền những nét tinh hoa của nghệ thuật tuồng từ đời này sang đời khác.

Đền thờ danh nhân văn hóa Đào Tấn

Di tích lịch sử Khu lăng mộ, Đền thờ Danh nhân văn hóa Đào Tấn

Trên một đỉnh đồi thuộc dãy núi Huỳnh Mai (Phước Nghĩa, Tuy Phước) có một khu lăng mộ đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia; được chăm sóc, nhang khói thường xuyên. Ðó là nơi yên nghỉ đời đời của Danh nhân Văn hóa Ðào Tấn, Hậu tổ nghệ thuật tuồng - người đã có công đưa nghệ thuật tuồng lên đến đỉnh cao vào thế kỷ 19, có nhiều đóng góp rất to lớn cho bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc.

Ðào Tấn (tự là Chỉ Thúc, hiệu là Mộng Mai, Mai Tăng) là nhà sáng tác, nhà đạo diễn lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật tuồng Việt Nam; đồng thời ông còn là nhà thơ nổi tiếng của giai đoạn nửa cuối thế kỷ 19. Ðào Tấn đã để lại cho chúng ta một gia tài nghệ thuật vô giá bao gồm các vở tuồng, thơ và từ, lý luận sân khấu, câu đối cùng với các thế hệ học trò của ông đã lưu truyền những nét tinh hoa của nghệ thuật tuồng từ đời này sang đời khác.

Ðào Tấn đã sáng tác gần 100 vở tuồng, trong đó có rất nhiều vở nổi tiếng; nhiều vở đến nay vẫn còn được biểu diễn như: Cổ thành, Hộ sinh đàn, Hoàng Phi Hổ quá Giới Bài quan, Diễn võ đình... Những vở tuồng của Ðào Tấn đã để lại trong lòng quần chúng nhiều điển hình nhân vật không phai mờ về những con người bất khuất, không chịu đầu hàng trước những điều bất công. Ông cũng đã lên án mạnh mẽ cái xấu xa của bọn vua quan phong kiến với những suy nghĩ rất mới mẻ, gần với chủ nghĩa hiện thực, ông có công nâng văn học tuồng lên trình độ bác học và sáng tạo một phương pháp sáng tác mới cùng với những cách tân trong nghệ thuật biểu diễn. qua 2 trường dạy hát bội - Học bộ đình Vinh Thạnh (Tuy Phước) và Học bộ đình Nghệ An - Ðào Tấn đã đào tạo được rất nhiều nghệ sĩ xuất sắc ở miền Trung từ Bình Ðịnh đến Thanh Hóa. Ngoài ra ông còn sáng tác nhiều văn thơ tập hợp lại trong các tập Mộng Mai ngâm thảo, Mộng Mai thi tồn, Mộng Mai từ lục, Mộng Mai văn sao... được giới nghiên cứu văn học hiện nay đánh giá cao. Các hoạt động về văn học nghệ thuật của Ðào Tấn rất phong phú và đa dạng, nhưng ảnh hưởng của ông đối với đương thời sâu sắc nhất vẫn là những hoạt động nghệ thuật tuồng, nên được tôn xưng là Hậu tổ của bộ môn nghệ thuật này.

Ðào Tấn làm nhiều chức quan (Tổng đốc, Thượng thư...) dưới triều đại nhà Nguyễn từ thời Tự Ðức đến Thành Thái nhưng luôn mang nặng tấm lòng yêu nước, thương dân; luôn trăn trở, dằn vặt, đau buồn cùng cái đau chung của nhân dân và đất nước dưới ách ngoại xâm. Ðiều này thể hiện rất nhiều trong tác phẩm của ông. Ông đã từng có quan hệ với phong trào chống pháp của Phan Ðình Phùng; có cảm tình sâu sắc với cuộc khởi nghĩa cần vương của Mai Xuân Thưởng; nhiều lần giúp đỡ Phan Bội Châu trong quá trình hoạt động yêu nước của cụ Phan... Qua nhiều công trình nghiên cứu về Ðào Tấn, qua 3 cuộc Hội nghị khoa học về Ðào Tấn do Sở VHTT tỉnh kết hợp cùng Viện nghiên cứu sân khấu - Bộ Văn hóa - Thông tin, đã xác định được Ðào Tấn là một nghệ sĩ nhiều tài năng, có nhiều đóng góp lớn cho nền văn hóa dân tộc, nên sau năm 1990 Nhà nước ta đã công nhận Ðào Tấn là Danh nhân Văn hóa quốc gia.

Từ bấy đến nay, sự nghiệp nghiên cứu về Ðào Tấn vẫn được tiếp tục, nhiều tập sách về Ðào Tấn đã được xuất bản. Gần đây nhất, vào giữa năm 2001, Sở VHTT tỉnh Bình Định đã kết hợp cùng Viện nghiên cứu sân khấu tổ chức Hội thảo về phong cách tuồng Ðào Tấn nhằm xác định rõ hơn về phong cách nghệ thuật của cụ Ðào để có thể học tập, kế thừa một cách chính xác hơn, khoa học hơn.

Thúy Vi

Bài viết mới
Danh nhân văn hóa Đào Tấn – niềm tự hào của nhân dân Bình Định