Trong số những nhà văn cao tuổi còn “đi” được, còn “viết” được của Hội Nhà văn Việt Nam, thì nhà văn Đào Ngọc Du, với tuổi gần 90 mà vẫn còn tinh nhẹn lắm!
Cần mẫn trong nghề tạc chữ
Trong số những nhà văn cao tuổi còn “đi” được, còn “viết” được của Hội Nhà văn Việt Nam, thì nhà văn Đào Ngọc Du, với tuổi gần 90 mà vẫn còn tinh nhẹn lắm! Trên các trang mạng xã hội, bạn bè và người đọc vẫn thấy ông cập nhật liên tục những hoạt động văn chương của mình! Vừa thấy ông đưa ảnh ở Lạng Sơn tuần trước, vài hôm sau đã lại thấy ông ngược Báo Bắc Giang trong hội nghị cộng tác viên thường niên, rồi mấy bữa, lại thấy ông trầm ngâm chụp ảnh cùng nhà sử học Lê Văn Lan ở nhà thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm tại Hải Phòng...
Sau mỗi chuyến đi, lại thấy ông khoe ra một vài phong chữ vừa hái được dọc đường. Khi thì một chiếc tản văn nho nhỏ, khi thì chiếc tùy bút xinh xinh, khi thì một phiến thơ gòn gọn. Nhìn cái cách ông líu ríu nói cười, khoác túi văn chương vân du cùng câu chữ ở tuổi ấy chắc không ít người phải ngạc nhiên kính nể!
Tôi và ông cách nhau ngót bốn mươi năm trần thế, hai thế hệ với vô vàn những khác biệt, ấy thế nhưng mỗi lần ngồi với ông, chả còn thấy cái khoảng cách thăm thẳm của tuổi tác đâu nữa. Những câu chuyện từ mạch chữ, mạch đời, mạch văn cứ sòng phẳng, vô tư và trong trẻo chảy giữa hai thế hệ. Thi thoảng lại thấy ông bốc máy gọi cho bạn bè qua Zalo, Facebook nhoay nhoáy. Trên các trang cá nhân, ông tương tác rất tích cực, comment, reply chỗ này, chỗ kia cứ toanh toách trên cái điện thoại bé xíu!
Mười lăm năm công tác tại Thư viện Hà Nội, hai mươi mốt năm làm công tác Biên tập, Quản lý Phòng Biên tập tại Nhà xuất bản Văn học. Bên cạnh ông là chữ và chữ, ngày tháng lật mở qua những trang bản thảo văn chương, thì việc ông trở thành người sáng tác, rồi trở thành một nhà văn, ấy cũng là thuận Đạo tự nhiên vậy! Cứ thầm lặng sống cùng kiếp chữ giữa cõi người tần tảo, đến nay ông đã có 18 tác phẩm văn học, gồm thơ, tản văn, bút ký, tùy bút được xuất bản! Để có được gia tài văn chương ấy, với văn nhân Đào Ngọc Du là kết quả tổng hợp của tài năng, sự đam mê, cần mẫn và tư tưởng kiên định của một nhà văn chân chính trước cuộc đời này!
Từ lãng đãng trong miền câu chữ ấy
Đọc văn chương của văn nhân Đào Ngọc Du, phải tinh ý mới nhận ra những nét tài hoa mà ông đã chắt chiu để lập dựng thành vóc chữ. Trong mảng thơ, thấy ngôn ngữ thơ của ông chặt chiệm và kiệm lời. Thơ ông hướng tới sự lay gợi và chia sẻ với nỗi người, nỗi đời qua những góc nhìn của riêng ông.
Những tập thơ: “Đất và hoa” (in chung), NXB Văn học, 1990; “Riêng mình tôi nhớ”, NXB Văn học, 1998; “Giấc mơ không ngủ”, NXB Hội Nhà văn, 2005… đã định hình rõ nét phong cách thơ riêng của nhà văn Đào Ngọc Du. Thơ ông đằm thắm, nhuần nhụy và lay gợi, dù vẫn trong cái khung chữ truyền thống quen thuộc của thơ Việt:
“Làng anh ở đầu ô/ Sương sa mờ thành cổ/ Đổ bóng in mặt hồ/ Sóng dâng trào nỗi nhớ/ Xóm em ở giữa phố/ Đường kẻ ô bàn cờ/ Lá rơi vàng lối nhỏ/ Mưa ướt nhòe trang thơ”. (Làng phố xóm nhỏ).
Thơ Đào Ngọc Du được tinh lọc và sắp đặt có chủ ý trong vần điệu, lớp lang, ngỡ như dạng thức thường thấy của thơ tự sự, mặt phẳng, nhưng trong ấy lại là cái hàm ngôn, chồng lớp:
“Rượu tu lưng chừng núi/ Ta ngồi uống với mây/ Trước mặt cao dốc núi/ Sau lưng suối với cây/ Bỗng nhớ về Quang Dũng/ Trong “Mắt người Sơn Tây” / …/…/ Ba Vì núi ơi núi/ Ta lạc vào cõi mây/ Bên Trung Hà dưới ấy/ Chiều trung du say…say” (Một thoáng Ba Vì).
Một số tác phẩm của nhà văn Đào Ngọc Du.
Cứ chân văn, chân thơ, văn nhân họ Đào lặng lẽ độc hành trên cung đường văn học mà trời đất đã khai mở cho ông. Ngôi chữ mà ông lập cho thơ mình luôn dung dị, chân thành mà đầy đặn những tin yêu:
“Năm nay ta lại lên biên giới/ Suối rừng trong vắt sáng mặt gương/ Rực rỡ xuân này đào mận nở/ Áo chàm ai xanh thắm đồi nương” (Ải Chi Lăng)
Nhưng với văn nghiệp của Đào tiên sinh, thì có lẽ thơ chỉ là kết quả của một cuộc chơi cùng câu chữ văn chương, còn cái tinh túy khiến ông phải lao tâm khổ tứ, phải dày công “đi” và “sống” lại nằm trong mảng bút ký và tùy bút mang thương hiệu Đào Ngọc Du trong suốt mấy chục năm qua! Tổng hợp những ý kiến của các văn nhân tên tuổi như nhà văn, dịch giả Thúy Toàn, nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Hà Nguyên Huyến…v.v khi nhận xét về tùy bút và bút ký của Đào Ngọc Du đã cho chúng ta một sự khả tín quan trọng khi tiếp cận văn xuôi của ông:
“Đào Ngọc Du đã đóng góp vào mảng sáng tác một thể loại mới là Bút ký Lịch sử - Văn hóa” (nhà văn Hà Nguyên Huyến). Sử gia Lê Văn Lan khi đọc và viết về tập bút ký "Lãng đãng Hồ Tây" của ông có đoạn: "Lãng đãng Hồ Tây” được xuất bản, đã góp phần khép nối lại thành một đường viền văn chương chữ nghĩa và tâm tư tình cảm quanh bốn mạn Hồ Tây''.
Ấn phẩm “Lãng đãng Tây Hồ”, hiện đã được tái bản tới lần thứ 4! Đó là một tập sách viết về Hồ Tây với dầy đặc những chi tiết, số liệu cụ thể về văn hóa và đời sống của các làng nghề quanh Hồ Tây từ trong lịch sử đến hiện tại! Viết bút ký bằng trách nhiệm và sự tìm tòi công phu, ấy là cách làm đã thành nguyên tắc sáng tác của Đào Ngọc Du. Chỉ vì chưa làm rõ nghĩa sự ra đời của địa danh Hồ Trúc Bạch, mà cái vướng vất ấy đã lập thành đoạn văn đầy trăn trở này:
“Những vướng vất cứ miên man thế, cho đến một đêm ngồi chong đèn đọc sách trên căn gác cũ trông ra Hồ Tây, tôi chợt thấy mấy dòng ẩn hiện dưới ngọn đèn vàng: Năm tháng trải bao nhiêu, non sông từng biến đổi. Tên cũ “Hồ Tây” bắt đầu chỉ riêng khu hồ phía Bắc. Nhà Hậu Lê đắp tiểu quách ngang hồ, từ Yên Phụ đến Yên Quang, trở về Đông, phân hạn làm hồ Trúc Bạch”. Chợt thấy sáng bừng nghĩa lý sự ra đời của vùng nước trời ngay trước mặt. Hồ Trúc Bạch vậy là sản phẩm của một công cuộc triều chính: Nhà Hậu Lê đắp tiểu quách!
“Quách” vốn là chữ díu đôi với “Thành” trong tổ hợp từ thành quách, nó là cái bao bên ngoài của tường thành. Vậy là cái quách Cố Ngự - Cổ Ngư - Thanh Niên trước mặt chỗ tôi đọc sách được nhà Hậu Lê cho đắp, bao ra ngoài cái tường thành Cửa Bắc, đã gạt một phần trời nước Hồ Tây vào góc Đông Nam tạo nên Hồ Trúc Bạch”.
(Đêm Tây Hồ đọc Tây Hồ chí).
Văn cũng như đời, để tạo nên cái đẹp, cái sang trọng của văn chương, thì không chỉ cần tài năng mà cần cả sự đam mê, công phu và khổ luyện! Đào tiên sinh với hơn nửa thế kỷ nổi chìm cùng nghiệp chữ, đã luôn đồng hành với những yếu tố ấy để làm nên những trang bút ký với đa chiều giá trị!
Loạt tác phẩm bút ký tiêu biểu của nhà văn Đào Ngọc Du gồm: “Lãng đãng Hồ Tây”, “Từ Long Hưng tới Thăng Long”, “Những miền đất tôi qua”, “Nhớ đất nhớ người”, “Sương khói Tây Hồ”, “Tuyển tập bút ký Đào Ngọc Du”…. Đồng hành với những trang bút ký và thơ, từ năm 2010 đến nay, nhà văn Đào Ngọc Du đã cùng với sử gia Lê Văn Lan phối hợp làm biên kịch của 6 tập phim về “Triều đại nhà Trần”, 3 tập phim về “Chiến thắng Bạch Đằng” và 8 tập phim về “Danh nhân Đất Việt” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện!
Năm 2020, ông cùng Hội đồng Họ Đào Việt Nam hoàn thành công trình đồ sộ “Họ Đào Việt Nam quyển II" với gần ngàn trang in khổ lớn! Bên cạnh đó ông còn viết một số ấn phẩm riêng về người họ Đào, như: “Người họ Đào Việt Nam thời hiện đại”, NXB Lao động, 2015; “Đào tộc nhân vật chí”, NXB Hồng Đức, 2016;” Họ Đào Việt Nam, các nhà khoa bảng xưa” NXB Hồng Đức, 2016…
Chân dung một nhà văn giữa trang đời
Từ sinh kế mà hóa nên nghiệp văn, nghiệp đời, hóa nỗi đam mê, đã biến cậu bé Đào Ngọc Du của làng Đông Kinh, xã Thái Thuần, Thái Thụy, Thái Bình năm xưa thành một nhà văn Đào Ngọc Du lão luyện giữa Thủ đô hôm nay, ấy phải là cái duyên văn chương mà trời đất đặt vào ông sâu nặng lắm.
Nhà văn Đào Ngọc Du sinh năm 1937, hiện ông là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Tám mươi bảy tuổi đời, Đào tiên sinh vẫn đang hối hả xuôi Nam ngược Bắc cùng sự minh mẫn, nhanh nhẹn và tươi trẻ.
Với tư duy và tính cách văn chương ấy, cộng với sự cần mẫn và nguồn nội lực sáng tác luôn dào dạt trong ông, tôi tin rằng bức chân dung văn chương của ông sẽ còn liên tục được cập nhật và làm tươi, làm mới bằng những tác phẩm mà ông đang thực hiện!
Hà Nội, trước thềm năm mới 2024!
Nguyễn thế kiên