Ông tổ dưỡng sinh học Đào Công Chính


Không chỉ có tài năng y học vượt trội, Đào Công Chính còn là đồng tác giả biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư (năm 1665); chủ biên hai tập quốc sử Trùng san lam sơn thực lục và Trung hưng thực lục, tham gia nhóm biên soạn quốc sử do Phạm Công Trứ đứng đầu.

HẢI PHÒNG: Đào Công Chính được suy tôn là ông tổ ngành dưỡng sinh, ngang hàng Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Thiền sư Tuệ Tĩnh.

Theo nhiều tư liệu lịch sử, Đào Công Chính sinh năm 1639, người làng Hội Am, còn có tên là làng Cõi, thuộc huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương xưa, nay là thôn Hội Am, xã Cao Minh, huyện huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Sinh ra trong gia đình Nho học lâu đời, Đào Công Chính được xem như thần đồng nổi tiếng khắp vùng. Năm 13 tuổi, ông đã đậu Hương cống (cử nhân).

Vì đỗ đạt từ khi còn nhỏ, Đào Công Chính còn được sách Hải Dương phong vật chí đời vua Gia Long xếp vào mục danh nhân với câu thơ: "Hải Dương có thần đồng dĩnh ngộ, tuổi mười ba đã đỗ thu vi. Sang xuân sớm dự long trì. Ra ngoài sứ tiết vào thi giảng diền".

Vào đời vua Lê Thần Tông, Đào Công Chính đỗ Bảng nhãn (tiến sĩ), được bổ nhiệm làm Thị thư hàn lâm viện. Năm 1673, ông được triều đình cử làm phó sứ sang Trung Quốc. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ, khi trở về ông được phong chức Lại bộ Hữu thị lang, nhập thị kinh diên giảng quan (người giảng sách cho vua) rồi Tăng tả thị lang, quang tiến thận lộc đại phu bồi tụng.

Nhờ tài năng và sự tận tụy, trong 15 năm (1661-1676), ông đã lên đến chức Phủ doãn phụng thiên, đứng đầu kinh đô Thăng Long khi đó.

Tượng đại danh y Đào Công Chính được thờ phụng nhiều đời ở nhà thờ dòng họ Đào Công làng Hội Am. Ảnh: Lê Tân

Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, một thời gian dài, thân thế và sự nghiệp của Đào Công Chính rất ít được nhắc đến. Lý do ông làm quan dưới thời vua Lê chúa Trịnh, giai đoạn bị vua Minh Mạng sau này cho rằng viết sử không dựa trên quan điểm của vua mà dựa vào quan điểm của chúa nên bị xóa tên, tiêu hủy sách.

Đến năm 2004, hội thảo về thân thế, sự nghiệp danh y Đào Công Chính được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, sử học, y học. Tất cả nhất trí suy tôn ông là một trong ba đại danh y của Việt Nam, tạo thế kiềng ba chân. Y học có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, dược học có Tuệ Tĩnh và dưỡng sinh học có Đào Công Chính.

Các quan điểm về dưỡng sinh và phương pháp chữa bệnh được ông ghi chép, tổng kết trong cuốn Bảo sinh diên thọ toản yếu viết năm 1676. Bộ sách viết về lý luận lẫn thực tiễn phòng bệnh, chữa bệnh, rèn luyện sức khỏe, hướng dẫn cách ăn uống, kiêng kỵ, tắm giặt, nghỉ ngơi và sinh hoạt tình dục trong bốn mùa... dành cho vua, quan.

Vua Lê và chúa Trịnh đánh giá rất cao bộ sách, cho in số lượng lớn nên nhiều nơi còn lưu giữ được. Sau này, bộ sách được Hội Khoa học lịch sử Hải Phòng dịch ra chữ quốc ngữ và nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam phát hành vào năm 2007.

Theo các Chuyên gia tham dự hai cuộc hội thảo về Đào Công Chính vào năm 2004 và 2022, Bảo sinh diên thọ toản yếu dạy cách phòng bệnh, chữa bệnh khoa học, ít tốn kém, rất gần với phương pháp dưỡng sinh mà nhiều người đang theo đuổi. Tác giả có hiểu biết sâu rộng về y học phương Đông và các thuyết âm dương ngũ hành, tạng phủ, vận khí. Bộ sách quý đã khẳng định Đào Công Chính là nhà dưỡng sinh học đầu tiên của Việt Nam.

Nhà lưu niệm được xây dựng để ghi nhớ công lao của Đào Công Chính với nền y học cổ truyền dân tộc. Ảnh: Lê Tân

Đến tuổi hưu, Đào Công Chính về quê mở trường dạy học và chữa bệnh cứu người, được người dân xưng tôn là Thánh thuốc Nam. Ông mất năm 1709, phần mộ hiện vẫn còn ở nghĩa trang làng Hội Am.

Không chỉ có tài năng y học vượt trội, Đào Công Chính còn là đồng tác giả biên soạn Đại Việt sử ký toàn thư (năm 1665); chủ biên hai tập quốc sử Trùng san lam sơn thực lục và Trung hưng thực lục, tham gia nhóm biên soạn quốc sử do Phạm Công Trứ đứng đầu.

Ghi nhận những đóng của ông, tháng 7/2023, Nhà lưu niệm danh y Đào Công Chính đã được xây dựng trên khu đất rộng hơn một ha ở làng Hội Am, tổng giá trị đầu tư giai đoạn một 14,5 tỷ đồng. Ông Đào Công Phượng, cháu đích tôn đời thứ 14 của đại danh y, được chính quyền giao quản lý, chăm sóc nhà lưu niệm.

Lê Tân

Bài viết mới
Ông tổ dưỡng sinh học Đào Công Chính