Đào Chí Mạnh – Giải thưởng Hòa bình Gusi 2023: Người mang đổi mới ‘xây’ trường học hạnh phúc


Thầy giáo Đào Chí Mạnh là người Việt Nam đầu tiên và là một trong 20 cá nhân toàn cầu được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ ứng viên để trao giải thưởng Hòa bình Gusi (Gusi Peace Prize) 2023. Trong những thôi thúc mạnh mẽ để Mạnh không ngừng đổi mới việc dạy học, có cảm hứng đến từ cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - “cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc.

Thầy giáo Đào Chí Mạnh là người Việt Nam đầu tiên và là một trong 20 cá nhân toàn cầu được lựa chọn từ gần 2.000 hồ sơ ứng viên để trao giải thưởng Hòa bình Gusi (Gusi Peace Prize) 2023. Trong những thôi thúc mạnh mẽ để Mạnh không ngừng đổi mới việc dạy học, có cảm hứng đến từ cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc - “cha đẻ khoán hộ” Kim Ngọc.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho biết Đào Chí Mạnh được vinh danh giải thưởng Hòa bình Gusi 2023 vì có nhiều kiến tạo giá trị cho giáo dục. Nhà giáo này là một trong những hiệu trưởng khởi xướng và tiên phong các hoạt động vì cộng đồng; có những cống hiến, sáng kiến vượt lên nhiều giáo viên khác khi áp dụng mô hình trường học hạnh phúc theo tiêu chí của UNESCO và nhiều nước trên thế giới. “Thầy Mạnh tạo động lực mạnh mẽ về tình yêu và trách nhiệm với nghề dạy học bằng các việc làm cụ thể, là người tạo ra xu hướng chuyển đổi số trong các trường tiểu học, ứng phó hiệu quả với các biến đổi chung đang diễn ra ngày càng lớn...”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam ghi nhận.

Hành trình đi đến trường học hạnh phúc

Đào Chí Mạnh là một trong những hiệu trưởng trẻ nhất Việt Nam khi được bổ nhiệm lần đầu ở tuổi chưa đầy 36 (năm 2016). Từ những trăn trở trong nhiều năm làm giáo viên: làm sao để học sinh đến trường cảm thấy vui vẻ, giáo viên hạnh phúc trong công việc, Mạnh đã không ngừng tìm tòi các phương pháp giáo dục mới, thử nghiệm và điều chỉnh để phù hợp với đặc thù dạy học tại những ngôi trường anh làm hiệu trưởng: tiểu học Kim Ngọc và tiểu học Hội Hợp B (thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Tuy đưa được trường mình vào danh sách những trường đáng học hàng đầu ở Vĩnh Phúc nhưng Mạnh vẫn luôn cảm giác đó chưa phải đích đến của giáo dục, khi mà vẫn còn nguyên áp lực của những việc “chẳng đâu vào đâu”, của mối quan hệ với các thầy cô giáo, ban giám hiệu trong trường, rồi thì chạy theo thành tích với các trường trong thành phố, trong tỉnh, kỳ vọng của cấp trên và của chính mình… Tất cả khiến Mạnh căng thẳng.

“Ngày ấy tôi thường xuyên mất ngủ. Nhiều khi tôi tự hỏi làm hiệu trưởng sao mà khổ thế? Tôi không hạnh phúc với công việc của mình”, Mạnh nhớ lại và bắt đầu nung nấu ý định tìm hướng đi riêng. Cuối năm 2019, Mạnh tiếp cận được thông tin dự án trường học hạnh phúc của UNESCO và tìm thấy từ đó lời giải cho những bí bách trong lòng mình. “Hành trình đi đến trường học hạnh phúc của tôi là một hành trình rất tự nhiên, dựa trên hai từ khóa “trách nhiệm” và “quan tâm”. Trách nhiệm là mỗi chúng ta thực hiện tốt chức trách của mình trong công việc để tránh những va chạm tiêu cực về cảm xúc giữa từng người trong nội bộ, từ đó quan tâm nhau hơn để tạo ra những cảm xúc tích cực cho đội ngũ giáo viên, tạo ra nhiều cơ hội để họ tiếp cận được những nguồn cảm xúc tích cực và được hạnh phúc”, Mạnh chia sẻ. 

Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh cùng hoạt động thể dục với học trò tiểu học Hội Hợp B. Ảnh: CTV


Học sinh dưới mái trường Mạnh làm hiệu trưởng không phải đem bài tập về nhà trong tuần, thay vào đó các em được khuyến khích chơi thể thao, sinh hoạt trọn vẹn bên gia đình mỗi tối. Phòng chờ của thầy cô giáo trong trường được trang bị nhiều tiện nghi: cà phê, ghế mát-xa, máy nghe nhạc, những cuốn sách hay… để thư giãn giữa giờ lên lớp.

Ngay từ khi khái niệm “dạy học trực tuyến” còn xa lạ thì năm 2009 Mạnh đã thiết kế nền tảng dạy học trực tuyến eteachers.edu.vn (sau này phát triển thành vio.edu.vn), tự quay dựng các video bài giảng, đăng tải lên đó làm phương thức bổ trợ việc dạy học ở trường, hỗ trợ học sinh tự học đồng thời giúp giáo viên biết cách thiết kế video bài học dễ hiểu, thuận tiện sử dụng cho cả phụ huynh lẫn học sinh, thay đổi toàn diện cách dạy và học từ truyền thống sang hiện đại, chủ động và thích ứng với những điều kiện bất khả kháng. Bên cạnh dấu ấn đổi mới sáng tạo trong dạy học, Mạnh còn hai lần xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam khi trở thành người tâng bóng lâu nhất bằng hai chân, giữ bóng bằng đầu và bằng vai trong lúc đi bộ quãng đường 8.525m nhằm kêu gọi quyên góp giúp đỡ học sinh nghèo, mồ côi.  

PGS-TS. Chu Cẩm Thơ (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) từng có thời gian tham gia “Nhóm cùng học” do Mạnh gầy dựng cho biết anh đặc biệt có ý chí tự học. “Tôi trực tiếp chứng kiến thầy Mạnh trăn trở để học được các mô hình quản lý hiện đại, nhân văn áp dụng vào công việc. Thầy đã thành công với mô hình trường học hạnh phúc ở trường tiểu học Kim Ngọc, Hội Hợp B và giờ thầy vẫn đang trau dồi tiếng Anh, kỹ năng quản lý, tâm lý học đường… để làm giàu vốn kiến thức và cho công việc. Với thầy Mạnh, không thể có kết quả mới trên cách làm cũ”, PGS. Thơ nói.

Đổi mới trong giáo dục cần sự dũng cảm 

Khi nhắc đến ngôi trường tiểu học đầu tiên làm hiệu trưởng mang tên cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc - người được lịch sử ghi nhận tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp, Mạnh cho biết đó là vinh dự và tự hào. “Thực tế lịch sử cho thấy có nhiều ý tưởng dù hay đến mấy cũng không thể thuyết phục đám đông, mà phải đau đớn qua thời gian rồi mới được chấp nhận. Những người dũng cảm dám đổi mới, thoát ra sự an toàn để lao vào nguy nan khởi xướng hay ủng hộ một sự đổi mới không phải họ không nhận ra sự gian truân, gập ghềnh. Họ hy sinh, dám chịu búa rìu dư luận, chịu thiệt thòi vì họ nhìn thấy đằng sau những bão giông ấy là cả một khoảng trời rộng mở, nơi đó có thể họ không được tận hưởng nhưng đồng bào họ sẽ được tốt đẹp hơn…”, Mạnh suy nghiệm.

Thầy giáo Đào Chí Mạnh và GS. Thakur S. Powdyel - nguyên Bộ trưởng Giáo dục Bhutan - tại lễ trao giải Hòa bình Gusi tối 29.11.2023 ở Philippines. Ảnh: TLNV


Những ngày đầu làm hiệu trưởng trường tiểu học Kim Ngọc, Mạnh gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí trước đó vài năm trường còn bị bỏ hoang, cơ sở vật chất cũ kỹ. Sau nhiều đêm trằn trọc Mạnh đưa ra hướng đi táo bạo: Thay đổi từng bước để xây dựng môi trường giáo dục mới, phù hợp với nhiều đối tượng học sinh, phát huy được những điểm mạnh khác nhau của học sinh. Mạnh thuyết phục các thầy cô giáo trao thật nhiều cơ hội khám phá cái mới cho học sinh; tạo ra không gian thoải mái cho học trò sáng tạo với rất nhiều bài tập gần gũi, thú vị; hạn chế “thầy cô đọc, học trò chép và ghi nhớ”. Việc giao bài tập về nhà cũng được đổi mới quyết liệt để tạo thật nhiều cơ hội hạnh phúc cho giáo viên, học sinh, phụ huynh mỗi tối. Cùng với đó, những tiêu chí về phẩm chất, năng lực học sinh cũng dần được đưa vào mục tiêu dạy học...

Từ một ngôi trường vỏn vẹn 385 học sinh luôn nằm ngoài lựa chọn của rất nhiều phụ huynh, sau 5 năm Kim Ngọc có hơn 1.000 học sinh với nhiều em vượt đường xa từ địa phương khác đến học. "Điều khiến tôi vui nhất là các thầy cô đã thoải mái hơn, vui tươi hơn mỗi ngày khi đến trường, trong đó có bản thân tôi", Mạnh kể. Sau này, khi chuyển đến làm hiệu trưởng tiểu học Hội Hợp B, Mạnh đã cảm thấy nhẹ nhàng hơn vì hành trang anh mang theo có những kinh nghiệm quý báu. “Nhà trường hạnh phúc mới có thể khiến học sinh hạnh phúc. Để nhà trường hạnh phúc thì người đầu tiên hạnh phúc phải là hiệu trưởng. Hiệu trưởng căng thẳng thì áp lực sẽ truyền tới giáo viên. Giáo viên không thoải mái thì chính là nguồn cơn để truyền áp lực tới các em học sinh theo cấp số nhân và nó giết chết sự sáng tạo của các em”, Mạnh đúc kết.

Theo Mạnh, đổi mới trong giáo dục không hề dễ, thậm chí nguy hiểm nên cần có sự dũng cảm. Ở thời buổi thông tin lan truyền với tốc độ chóng mặt, một sự để ý dù chỉ là khác biệt nhỏ cũng rất dễ bị dư luận “ném đá” tan tác, bị coi là dị biệt, quái đản. Trong suốt những năm qua, Mạnh đã kiên trì nỗ lực để trường học nơi anh công tác có những thay đổi trong văn hóa giao tiếp, ứng xử; thay đổi trong hoạt động dạy học, chú trọng phát triển năng lực phẩm chất thay vì chỉ chú trọng kiến thức; thay đổi trong cách vận hành nhà trường, trong đó giảm những việc làm hình thức, tăng thực chất, xây dựng văn hóa tự học...

“Xây dựng trường học hạnh phúc đúng là có rất nhiều khó khăn nhưng nếu chúng ta có niềm tin hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc đó, các thầy cô giáo, các em học sinh được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị", Mạnh nói chắc giọng. 

Giải thưởng Hòa bình Gusi thuộc Quỹ Giải thưởng Hòa bình Gusi (có trụ sở tại Manila - Philippines), là một trong những giải thưởng uy tín hàng đầu châu Á và nằm trong số những giải thưởng hàng đầu thế giới hiện nay, được trao tặng để vinh danh các cá nhân và tổ chức có đóng góp cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu thông qua nhiều lĩnh vực. Giải thưởng được nhắc đến trong tuyên bố của Tổng thống số 1476 do Tổng thống Philippines Gloria Macapagal Arroyo ký ngày 17.3.2008. 
2023 là năm đầu tiên Việt Nam đề cử ứng viên, hội đồng gồm 21 thành viên đến từ Hy Lạp, Mỹ, Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines, New Zealand, Ý và Anh bỏ phiếu lựa chọn.

Minh Hoàng - Người đô thị

Bài viết mới
Đào Chí Mạnh – Giải thưởng Hòa bình Gusi 2023: Người mang đổi mới ‘xây’ trường học hạnh phúc