Tục thờ tổ nghề và những người họ Đào là tổ nghề


Thờ cúng tổ nghề là phong tục tốt đẹp của người dân ở các làng nghề Việt Nam, tục này được biểu hiện qua nhiều hình thức khác nhau ở mỗi làng nghề truyền thống, nó khẳng định tín ngưỡng trong dân gian có giá trị văn hóa cao được nhân dân lưu truyền và gìn giữ. Sau đây là những người mang họ Đào được tôn thờ làm tổ nghề tại các địa phương:

Tổ nghề gốm Hương Canh - ông Đào Nồi, hay Nồi Hầu là ông tổ nghề gốm nồi niêu

"Truyền thuyết Hùng Vương” (Hội VHNT Vĩnh Phú xuất bản 1981) trang 106, 107 có truyện ông Nồi. Truyện rằng: ở làn Hương Canh, xã Tam Canh (nay thuộc huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) có một gia đình nghèo, chuyên sống bằng nghề nặn nồi niêu. Hai ông bà hiếm hoi sinh được một mụn con trai, đặt tên là Nồi. Nồi càng lớn, càng thông minh, lại giỏi vẽ, giỏi vật, được An Dương Vương cho làm tướng cai quản quân sĩ Âu Lạc. Ông Nồi kết hôn với cô gái mồ côi làng Chiêm Trạch gần kinh đô Cổ Loa, sinh được 2 trai, đặt tên là Đống và Vực. Ba cha con ông Nồi đã nhiều lần làm cho quân xâm lược Triệu Đà thất điên bát đảo. Khi thấy Triệu Đà dùng kế hiểm, cho con trai là Trọng Thuỷ sang cầu hôn với công chúa Mỵ Châu, ba cha con ông vào triều can ngăn, vua Thục không nghe. Ông Nồi cùng hai con xin từ chức về Chiêm Trạch làm ruộng, nặn nồi. Quân Triệu chiếm được Loa Thành, Triệu Đà sai người dụ ba cha con ông ra làm quan. Thấy ông không nghe, Triệu Đà cho quân bao vây Chiêm Trạch. Cả nhà ông phá vây, chạy về quê cũ Hương Canh. Giặc bao vây Hương Canh, ông quay về Chiêm Trạch, lúc ấy là nửa đêm, dân làng đã đóng chặt cổng. Giặc đuổi tới nơi, vợ chồng ông rút dao tự vẫn. Đống và Vực chạy đến nơi, thấy cha mẹ đã chết, cũng tự tử theo. Dân làng chôn cất họ ở khu gò rìa làng. Về sau, mọi người gọi đấy là "Gò Thánh Hoá”. Nhân dân hai thôn Ngọc Chi và Vĩnh Thanh (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) đã lập đền thờ và ở Hương Canh nhân dân cũng lập đền thờ cúng ba bố con ông Nồi.

Đào Nồi con ông Đào Hoằng, vốn gốc người Tuyên Quang, ông tổ 4 đời đã chuyển cư về làng Hương Canh (Vĩnh Phúc) lập nghiệp bằng nghề nặn nồi niêu. Nối được nghiệp nhà, Đào Nồi nổi tiếng khắp vùng là người thợ lỗi lạc, tài hoa. Ông lấy vợ họ Dương, người làng Chiêm Trạch (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội) cũng là thợ làm nồi khá giỏi giang. Vợ chồng sinh được 2 con đặt tên là Đống và Vực. Đào Nồi không những giỏi nghề mà còn tinh thông võ nghệ, được Thục An Dương Vương cho làm quan, ban tước Hầu, nên còn gọi là Nồi Hầu. Triệu Đà diệt được Vua Thục, đem quân vây làng Chiêm Trạch bắt Nồi Hầu, Gia đình ông chạy về quê cũ Hương Canh. Giặc vây làng Canh, ông lại đưa vợ con quay về Chiêm Trạch. Cổng làng chưa kịp mở, giặc đã tới. Vợ chồng ông rút dao tự sát, hai người con trai cũng chết theo. Dân làng thương tiếc, kính phục, chôn cất gia đình ông ở một khu gò, gọi là mộ Thánh hoá (thuộc thôn Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh). Đồng thời lập đền thờ để nhớ ơn người vừa là tổ nghề vừa có khí tiết, không đội trời chung với kẻ thù xâm lược.

Tổ nghề gốm Thổ Hà thờ tại đền Thổ Hà - Tiến sĩ Đào Trí Tiến, thôn Thổ Hà, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang

Ngôi đền thờ thành hoàng làng ngay bến nước, tường gạch rêu phong. Ông tổ của nghề gốm làng Thổ Hà được cho là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Ông đã học được nghề gốm trên đường đi xứ Trung Quốc và truyền lại cho dân làng từ thế kỷ XIV.

Nằm bên bờ sông Cầu, làng Thổ Hà nổi danh với nghề làm gốm từ thế kỷ 14. Nơi đây từng là một thương cảng tấp nập thuyền bè ngược xuôi ra vào bến sông Như Nguyệt, mang đi những đồ gốm thổi hồn từ đất và bàn tay nghệ nhân làng.

Lễ hội làng Thổ Hà diễn ra từ ngày 20 – 22/1 âm lịch và ngày lễ chính là 21/1 âm lịch. Lễ hội nhằm tôn vinh, tưởng nhớ ông Đào Trí Tiến - người được xem là ông tổ nghề gốm của làng Thổ Hà.

Tổ nghề quạt họ Đào tại phố hàng Quạt - Hà Nội ngày nay

Ðình Xuân Phiến Thị: Ðình Xuân Phiến Thị là ngôi đình nằm trên số nhà 4, phố Hàng Quạt, thờ ông tổ nghề quạt họ Ðào. Năm xưa nơi đây, người dân làng Ðào Xá (còn gọi là làng Ðấu Quạt, ở huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) đã mang nghề truyền thống của tổ tiên ra dựng làng, lập nghiệp. Ông tổ nghề quạt họ Ðào được lập đình thờ, gọi là đình Xuân Phiến Thị, nghĩa là 'chợ quạt mùa xuân'. Về sau, phố Hàng Quạt trở thành điểm tập trung mua bán các loại quạt có nguồn gốc từ nhiều địa phương khác. Có thể liệt kê ra ở đây một số làng làm quạt lớn ở đồng bằng Bắc Bộ thời ấy như: làng Lủ (tức làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) có quạt phất giấy, quạt phất bằng lượt mỏng (lượt - một loại lụa thưa có nhuộm mầu), quạt nan xương, quạt nan ngà...; làng Hải Yến (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) làm quạt nan trúc; làng Vác (tức làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Hà Nội) nổi tiếng với quạt lụa dùng cho đội múa và quạt nan sừng châm kim; làng Vẽ (tức làng Ðông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) làm quạt nan tre, nan nứa theo nhiều hình dạng khác nhau; quạt thóc của làng Vo (huyện Gia Lâm, Hà Nội); quạt lông ngỗng của làng Ðơ Ðình (Hà Ðông, Hà Nội), v.v...

Tổ nghề Y dưỡng sinh - Danh y Đào Công Chính, Phủ doãn Phủ Phụng Thiên

Thời Hậu Lê có một vị danh y được tôn vinh là thần y, ông tổ phương pháp dưỡng sinh với những kiến thức về bảo vệ sức khỏe. Đó chính là đại danh y Đào Công Chính, với tác phẩm tiêu biểu là “Bảo sinh diên thọ toản yếu”, bộ sách cẩm nang dưỡng sinh từ thế kỷ 16-17 mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Đào Duy Từ là Ông Tổ lớn nhất của "Nhã nhạc cung đình Huế", Tổ nghề hát Bội

Đào Duy Từ là một nhân vật lịch sử của thế kỷ XVII ở nước ta. Ông là một gương mặt kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, quân sự, văn hóa… được người đương thời và cả ngày nay ca ngợi như là một tài năng “Kinh bang hoa quốc, thống nhất xã thư”. Những đóng góp của ông là những cống hiến lớn cho nền văn hiến Việt Nam trong dòng chảy của tiến trình lịch sử dân tộc.

Đào Tấn - Ông tổ của nghệ thuật Tuồng, Hậu tổ hát Bội

Đào Tấn tự Chỉ Thúc, hiệu Mộng Mai, Mai Tăng - là nhà thơ, nhà từ khúc, nhà soạn tuồng xuất sắc của đất Bình Định, được sân khấu hát bội cả nước tôn vinh là Hậu Tổ.

Cuộc đời làm quan của Đào Tấn khá suôn sẻ, suốt 30 năm trong chốn quan trường - trừ 2 lần đi làm Tổng đốc An Tịnh (10 năm), làm Tri phủ Quảng Trạch (2 năm) thì ông đã sống trọn vẹn ở Huế 18 năm. Sau khi vua Tự Đức băng hà, ông xin treo ấn từ quan. Nhưng rồi lúc Đồng Khánh lên ngôi, ông được gọi ra làm quan trở lại.

Và khi làm quan, thái độ của ông đối với hiện tình đất nước thật rạch ròi, minh bạch. Lúc ngồi ghế Phủ doãn Thừa Thiên, ông đã nhiều lần bộc bạch tâm sự ghét Tây và bọn theo Tây hà hiếp nhân dân.

Đào Xuân Lan tổ nghề làm đàn Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Tương truyền, nghề đàn Đào Xá có từ hơn 200 năm trước do cụ tổ nghề Đào Xuân Lan đã hành hương sang xứ Bắc rồi mang nghề về làng. Ban đầu cũng chỉ dạy cho người trong họ, để trong lúc nông nhàn có thêm việc và cũng là hợp với hoàn cảnh lúc bấy giờ, các đám hát, phường hội rất cần những đàn tam, đàn tứ, tì bà... Rồi nghề phát triển khắp làng, việc buôn bán thịnh vượng ở cửa hàng trên TP. Từ đó nghề làm nhạc cụ trở thành nghề truyền thống. Các loại đàn được sản xuất ở đây gồm: đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tì bà... cho đến những cây đàn nhị, đàn hồ, đàn líu.

Trải qua bao thăng trầm, biến cố lịch sử, làng nghề vẫn lưu giữ được nét riêng của nghề làm đàn. Những cây đàn xuất xứ từ làng Đào Xá có mặt ở khắp các cửa hàng đàn lớn, nhỏ trong cả nước, không một cuộc thi nào, hội diễn âm nhạc nào lại vắng bóng nhạc cụ do làng Đào Xá làm ra.

Tổ làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng Đào Trực

Sơn Đồng thờ cụ tổ nghề Đức thánh Đào Trực. Cụ là người đã có công “phục nghệ giáo dân”, tức khôi phục nghề và dạy học cho dân làng Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Làng nghề truyền thống Rèn Tây Phương Danh, Phường Đập Đá, Thị xã An Nhơn, Tỉnh Bình Định

Cụ tổ là ông Đào Giã Tượng mang nghề từ phương Bắc vào truyền thụ cho người dân địa phương để làm kế sinh nhai cho bà con trong vùng, vừa phục vụ sản xuất. Rồi từ đó nghề rèn duy trì và ngày càng phát triển. Đến nay, Làng rèn Tây Phương Danh có đến hơn 300 hộ trong tổng số 436 hộ dân đang làm nghề rèn.

Lễ hội Làng rèn Tây Phương Danh – sự biết ơn những người thợ làng rèn Tây Phương Danh diễn ra hàng năm vào những ngày 12, 13 và 14 của tháng Hai âm lịch tại làng Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá, An Nhơn, Bình Định). Đây là một lễ hội truyền thống, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của các nghệ nhân làng rèn đối với cụ tổ sáng lập và những người tiền bối trong nghề.

Tổ nghề nghệ thuật biểu diễn tại Kiến Xương, Thái Bình

Giới hoạt động nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam suy tôn 7 vị tổ nghề. Thái Bình có 3 vị là Đào Văn Só và Đào Nương quê ở phủ Tiên Hưng, Đặng Hồng Lân quê ở phủ Kiến Xương. Cả 3 vị đều sống vào thời Đinh (thế kỷ X). Thuở trước, các phường hát của Thái Bình thường lập bài vị thờ hai vị Đặng Hồng Lân và Đào Văn Só. Bà Đào Nương được dân làng Hoàng Quan, xã Đông Phong, huyện Đông Hưng thờ làm thành hoàng, các triều đại phong là Thượng đẳng thần, có đền thờ nên dân gọi là đền bà Thượng. Theo lệ xưa, lễ hội ở đền bà Thượng và đình Hoàng Quan thường được tổ chức hàng năm từ  ngày 10 - 22/4. Trong những ngày hội có hát chèo và ca trù. Riêng tối 15/4 là đông nhất với sự góp mặt của nhiều phường hát xa gần về tế tổ và đua tài. Bài vị của bà cũng được thờ ở đền bách thần của phủ Thái Bình đặt tại làng Châu Giang, xã Đông Phong, huyện Đông Hưng và miếu nhà trò tại xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy. Những ngôi đền, miếu này đã bị hạ giải vào những năm giữa thế kỷ XX.

Bài viết mới
Tục thờ tổ nghề và những người họ Đào là tổ nghề