Nghè Keo tức đền Giao Tất 膠漆 có từ lâu đời. Thờ: ông bà Đào Phúc - Tiên Anh, phối thờ tổ nghề ca trù Đinh Dự - Mãn Đường Hoa và hậu thần. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 2XFR+VHG, Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 19km (hướng 3h). Trạm bus: Chợ Keo trên QL17.
Lược sử
Nghè Keo nằm trên đất làng Keo tức thôn Cổ Giao hay Giao Tất, nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Tại đây có thờ vị tướng thời Lý là Đào Phúc cùng vợ là công chúa Tiên Anh và phối thờ ông bà Đinh Dự - Mãn Đường Hoa là tổ nghề ca trù.
Ngoài ra trong cung cấm còn thờ hậu thần là vj quận công họ Đỗ có công xây chùa Keo chung cho hai làng Giao Tất và Giao Tự. Lăng mộ của quận công hiện ở phía đông nghè Keo. Hàng năm đến mùng 10 tháng 3 thì vào đám, thôn trưởng hai làng mang trầu cau đến cáo yết ở từ vũ, ngày 20 tháng 3 hai làng rước thánh vị về cung.

Theo truyền thuyết, cuối thời Lý có ông Đào Bột từ Thanh Hóa đến thôn Giao Tất lấy vợ là Nguyễn Thị Lương rồi ở lại làm thầy giáo. Con trai là Đào Phúc, văn võ song toàn, sau đỗ tiến sĩ, được vua gả cho công chúa Tiên Anh. Bỗng giặc từ biển đến xâm lược, Đào Phúc được giữ chức thượng tướng quân đem binh đi dẹp, Tiên Anh xin vua cho lo việc lương thảo.
Thắng trận, Đào Phúc cùng quân sĩ trở lại kinh đô. Ngài về quê mẹ, gặp vợ và bái tổ đường ở Giao Tất. Hôm ấy là mùng 7 tháng 4 âl, dông tố chợt nổi lên, hai người cùng hóa, mối đùn kín thành mộ lớn. Dân làng cử người lên tâu, vua sai quan về xem xét, rồi lệnh cho lập nghè tạc tượng để thờ.

Kiến trúc
Cạnh cổng nghè có một miếu thờ Tứ Phủ bị bọc trong rễ cổ thụ. Sân nghè rộng và rợp bóng cây, ở giữa có sập đá. Toà tiền tế 5 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai. Phía sau là phương đình 2 tầng 8 mái, cổ diềm chấn song con tiện. Toà hậu cung 3 gian, tường hồi bít đốc tay ngai. Từ ngoài vào bày đôi phỗng quỳ, tượng Kim Đồng, Ngọc Nữ, trên bệ cao là tượng ông bà Đào Phúc - Tiên Anh. Gian bên trái thờ ông bà Đinh Dự - Mãn Đường Hoa. Gian bên phải thờ Mẫu và hậu thần.
Năm 1993, nghè Keo được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di sản
Trong nghè bảo lưu được một cuốn ngọc phả, các sắc phong thần và bia hậu thần. Nổi bật là long ngai bài vị và khám thờ tạo tác từ thế kỷ XIX được trang trí bằng chạm thủng, chạm nổi các đề tài rồng mây, hổ phù, sóng nước. Lại có cỗ long mã trên xe gỗ; 1 bộ bát bửu, 8 pho tượng gỗ sơn son thếp vàng; 5 câu đối gỗ; 1 bức đại tự…
Hội nghè hàng năm được tổ chức 2 lần vào ngày chính lễ mùng 6 tháng 4 âl và ngày hóa 13 tháng 11 âl của Tổ nghề ca trù Đinh Dự - Mãn Đường Hoa. Người dân trong làng xưa kia còn có tục kiêng húy tên các ngài thành hoàng.
