Đại học Bách khoa Hà Nội vừa khen thưởng 5 nhà giáo tiêu biểu của Nhà trường vì có những thành tích nổi bật trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thu hút tài trợ, hợp tác nghiên cứu năm học 2021-2022.
Mỗi thầy/cô giáo được vinh danh là một câu chuyện về tình yêu nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong giảng dạy, những nỗ lực và khát vọng cống hiến cho Bách khoa Hà Nội, cho sự nghiệp giáo dục Việt Nam.
PGS. Đào Phương Nam - Tác giả chính công trình khoa học có ảnh hưởng
PGS. Đào Phương Nam hiện là giảng viên khoa Tự động hóa, Trường Điện-Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội. Anh nhận bằng Tiến sỹ về chuyên ngành Kỹ thuật Điều khiển – Tự động hóa năm 2013 tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Hướng nghiên cứu chủ yếu hiện nay của anh là Điều khiển tối ưu sử dụng các thuật toán học trong các hệ Robotic với nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí và hội nghị uy tín.
Bài báo tiêu biểu của PGS. Đào Phương Nam được xuất bản tháng 11/2022 trên Tạp chí ISA Transactions (Science Direct, Elsevier), đã có được một số trích dẫn khi vừa xuất bản, với chỉ số ảnh hưởng FWCI: 3.43. Tạp chí ISA Transactions là Tạp chí Top trong ngành Tự động hóa (Impact Factor: 5.911, CiteScore: 10.2), thuộc danh mục SCIE-Q1 (Nhóm tạp chí có thứ hạng cao nhất) trong nhiều lĩnh vực, gồm có Điều khiển-Tự động hóa, Ứng dụng Khoa học Máy tính, Toán ứng dụng, Kỹ thuật Điện-Điện tử.
Bài báo được hoàn thành là kết quả của PGS. Nam với nghiên cứu sinh và sinh viên chương trình Kỹ sư Tài năng. Bài báo thuộc chủ đề Ứng dụng của kỹ thuật học tăng cường trong điều khiển chuyển động cho phương tiện không người lái (một dạng của hệ Robot di động).
Đóng góp của bài báo là đã đưa ra một phương án điều khiển cho hệ Robot di động không giống như truyền thống mà theo hướng được quan tâm hiện nay sử dụng kỹ thuật học tăng cường. Ngoài ra bài báo bước đầu có đề xuất dạng hàm kích hoạt phù hợp (Activation Function) phục vụ cho quá trình học của bộ điều khiển.
PGS. Đào Phương Nam cho biết, khi bài báo được gửi đi, nhóm tác giả cũng hơi “lo” vì thiếu 2 yếu tố: Thứ nhất, thiếu Kết quả thực nghiệm do điều kiện làm việc của nhóm chưa được đầu tư Lab nghiên cứu; Thứ hai, bài báo hoàn toàn được viết ở Đại học Bách khoa Hà Nội trong điều kiện Việt Nam, không có yếu tố nước ngoài (không có tác giả nước ngoài, không có địa chỉ (affiliation) nước ngoài, không được hỗ trợ từ các đề tài). Để khắc phục nhược điểm, nhóm tác giả đã tìm cách nâng nội dung lý thuyết và kết quả mô phỏng bằng máy tính lên một mức.
Bài báo được phản biện 3 vòng với 5 phản biện với 35 câu hỏi, và được xuất bản sau 14 tháng. Hiện nay một số phát triển của bài báo này đã bước đầu được hoàn thiện để chuẩn bị cho những công bố mới.
Năm 2022 với cá nhân thầy giáo Đào Phương Nam là một năm nhiều nhiều vui khi được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư và mới đây nhất, được Đại học Bách khoa Hà Nội vinh danh là 1 trong 5 giảng viên tiêu biểu của Trường.
GS. Nguyễn Đức Toàn - “Tác giả chính công trình khoa học có ảnh hưởng”
GS. Nguyễn Đức Toàn hiện là giảng viên cao cấp - Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội; Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu biên tập công trình khoa học và công nghệ Việt Nam.
Giảng viên Nguyễn Đức Toàn là cựu sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận bằng đại học ngành Cơ khí, chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy vào năm 2003. Năm 2011, anh tốt nghiệp Tiến sỹ tại Trường ĐH Quốc gia Kyungpook, Hàn Quốc ngành Cơ khí, chuyên ngành Kỹ thuật cơ khí. Tiến sỹ Toàn được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận chức danh phó giáo sư ngành Cơ khí năm 2015 và chức danh Giáo sư năm 2020.
Tính đến hết năm 2022, GS. Nguyễn Đức Toàn đã hoàn thành 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ và 4 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường. Anh cũng đã công bố 120 bài báo khoa học, trong đó hơn 60 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (ISI&SCOPUS); đồng thời, đã tham gia biên soạn 4 sách và 6 chương sách quốc tế (gồm có 2 giáo trình, 2 sách chuyên khảo, 6 chương sách quốc tế).
Trong năm học 2021-2022, GS. Toàn đã công bố 8 bài báo khoa học trên hệ thống quốc tế ISI. Trong 3 năm gần nhất, nhà khoa học Nguyễn Đức Toàn đã đăng tải 17 bài bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế uy tín ISI và 12 bài báo hội nghị quốc tế thuộc danh mục SCOPUS.
Đa phần các bài báo khoa học có nội dung về lĩnh vực gia công biến dạng tạo hình và gia công cắt gọt vật liệu kim loại có độ cứng cao nhờ hỗ trợ gia nhiệt để từ đó tiến hành tối ưu hóa các quá trình gia công. Những nghiên cứu của GS. Toàn cùng cộng sự góp phần giải quyết các bài toán thực tế từ công nghiệp để từ đó tăng năng suất và cải thiện chất lượng cho sản phẩm kim loại.
Hàng năm từ 2016 đến nay, GS. Nguyễn Đức Toàn luôn tham gia tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế, tập hợp các nhà khoa học cùng làm nghiên cứu, phát triển chuyên môn để từ đó định hướng cho các NCS, học viên cao học và sinh viên triển khai một số hướng nghiên cứu mới.
GS. Nguyễn Đức Toàn chia sẻ anh rất vinh dự và tự hào khi đạt danh hiệu Giảng viên tiêu biểu của Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo anh, đây là kết quả của cả một quá trình phấn đấu chứ không chỉ là thành tích trong 1, 2 năm.
Sự đổi mới và phát triển của Đại học Bách khoa đã đặt ra cho các nhà khoa học khả năng tự rèn luyện, phát huy năng lực cá nhân và tập thể để có thể đảm nhiệm được việc công bố các công trình nghiên cứu tốt nhất cho bản thân và đội ngũ nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm nghiên cứu. Mỗi thành viên cần luôn phải duy trì được mạch nghiên cứu, sáng tạo để đạt được nhiều kết quả mới đóng góp và sự thành công chung của toàn Đại học.
Việc được bầu chọn là “Tác giả chính công trình khoa học có ảnh hưởng” của Đại học Bách khoa có thể coi là một áp lực với GS. Nguyễn Đức Toàn để anh tiếp tục phấn đấu. Như anh chia sẻ: Bất cứ nhà khoa học nào hàng năm đều tự tạo áp lực cho mình để triển khai tiếp các công trình, phát triển tiếp những nghiên cứu mình đang có, đặc biệt, có thể áp dụng những nghiên cứu đó vào trong sản xuất thực tế để cải thiện điều kiện sản xuất của doanh nghiệp.
PGS. Trương Thu Hương - chủ nhân của nhiều đề tài An ninh mạng
PGS. Trương Thu Hương hiện là Phó Trưởng khoa, Giảng viên cao cấp Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội; thành viên của Future Internet Lab, trực tiếp hướng dẫn hơn 20 sinh viên bậc cử nhân/kỹ sư thuộc các chương trình chuẩn, chương trình tài năng, chương trình tiên tiến, cũng như chương trình quốc tế.
Ngoài ra, trong thành viên của nhóm còn có các học viên cao học, và nghiên cứu sinh đang thực hiện nghiên cứu các chủ đề chính hiện nay là về An ninh mạng cho mạng IoT và truyền dẫn video thực tế ảo (VR) và các chủ đề khác.
Hướng nghiên cứu của PGS. Trương Thu Hương gồm các lĩnh vực: An ninh mạng; truyền dẫn Video, Video 360 độ; đảm bảo QoE/QoS cho dịch vụ mạng; Kiến trúc Edge Cloud cho mạng IoT, ứng dụng IoT, Ứng dụng Thực tế ảo; Kỹ thuật mạng xanh, Kỹ thuật mạng điều khiển bằng phần mềm (SDN), điều khiển lưu lượng trong các mạng thế hệ mới, NFV.
Năm học 2021-2022, PGS. Trương Thu Hương tiếp tục theo đuổi hai chủ đề NCKH với định hướng: Nghiên cứu giải pháp phát hiện lỗi, bất thường và tấn công trong các hệ thống công nghiệp dựa trên nền tảng IoT.
Các hệ thống thông tin, đặc biệt các hệ thống kiểm soát công nghiệp hiện nay được xây dựng trên các kiến trúc Internet vạn vật, dễ nảy sinh các bất thường/tấn công vào hệ thống kiểm soát trung tâm đến từ nhiều vùng phân tán. Vì thế cần phát triển các giải pháp phát hiện bất thường hiệu quả trên các thiết bị IoT phân tán,vốn có năng lực tính toán giới hạn đó; Nghiên cứu truyền dẫn video 360 độ (hay còn gọi là VR - Thực tế ảo) trễ thấp.
Trong bối cảnh đại dịch, con người cần chuyển sang làm việc ở chế độ kết hợp linh hoạt vừa offline, vừa online, dịch vụ truyền dẫn VR (video cong - hay video 360 độ) trở nên quan trọng và là xu hướng thế giới tiến tới nhằm đem lại trải nghiệm sống động như ngoài đời thật cho những người dùng tham gia vào ứng dụng như phòng học hay phòng họp trực tuyến.
Tuy nhiên thách thức chính là video cong rất nặng, chiếm dụng băng thông đường truyền rất lớn. Vì thế cần có giải pháp điều khiển thích nghi nhằm truyền dịch vụ video 360 độ để tiết kiệm chi phí băng thông nhưng vẫn mang lại cho người dùng trải nghiệm trơn tru, mượt mà.
Trong năm học 2021-2022, PGS. Trương Thu Hương đã đăng 6 bài báo khoa học trong danh mục tạp chí SCIE-Q1, 1 bài SCIE-Q2, và 2 bài tạp chí Scopus. Trong đó xuất bản có tầm ảnh hưởng nhất là xuất bản trên tạp chí Elsevier Computers in Industry với FWCI: 6.8, IF: 11.245.
Trước đó, năm học 2020-2021, PGS. Trương Thu Hương được vinh danh Cán bộ tiêu biểu thu hút tài trợ và hợp tác nghiên cứu cho Đại học Bách khoa Hà Nội. Đạt được danh hiệu này, cô giáo Trương Thu Hương cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Thời điểm đó, cô chia sẻ không xác định nỗ lực để được vinh danh mà chỉ mong muốn năm sau sẽ làm tốt hơn năm nay, đặt mục tiêu cố gắng cải thiện công tác giảng dạy, nghiên cứu; kéo dự án về trường và cả các công tác khác.
Và quả ngọt năm 2022 đã đến với PGS. Trương Thu Hương được Bộ GD-ĐT vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu năm 2022; được Đại học Bách khoa Hà Nội vinh danh là 1 trong 3 “Tác giả chính công trình khoa học có ảnh hưởng”.
PGS. Bùi Văn Hạnh - “mở cửa trái tim” các doanh nghiệp trong và ngoài nước
PGS. Bùi Văn Hạnh hiện là Giảng viên cao cấp Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Lĩnh vực nghiên cứu của PGS. Bùi Văn Hạnh là: Tự động hóa quá trình hàn; Công nghệ và thiết bị hàn tiên tiến; Robot công nghiệp và các hệ cơ điện tử; Thiết bị gia công cơ khí CNC.
Nhận thấy nhu cầu của thầy và trò Bách khoa cần nguồn hỗ trợ kinh phí để học tập, nghiên cứu… trong điều kiện Nhà trường thực hiện tự chủ, nguồn lực còn hạn hẹp, PGS. Bùi Văn Hạnh đã tìm kiếm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thương hiệu, uy tín của Đại học Bách khoa Hà Nội chính là “chìa khóa” để thầy Hạnh “mở cửa trái tim” các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Thầy Bùi Văn Hạnh tự hào chia sẻ: Nhân lực do Đại học Bách khoa đào tạo ra được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Họ luôn luôn “khát” những kỹ sư – người Bách khoa - tốt nghiệp từ Bách khoa Hà Nội. Bản thân những người Bách khoa trong quá trình công tác tại công ty, xí nghiệp, tập đoàn… đều được đồng nghiệp, lãnh đạo tin yêu, có vị trí, uy tín cao, tạo nên thương hiệu Đại học Bách khoa Hà Nội.
Từ nền tảng này, khi thầy/cô giáo Bách khoa đặt vấn đề hợp tác NCKH, CGCN, doanh nghiệp luôn ủng hộ, yên tâm, tin tưởng. Mối quan hệ hợp tác đạt được hiệu quả rất cao, hai bên cùng có lợi: Đại học Bách khoa cung cấp cho doanh nghiệp nguồn nhân lực chất lượng cao. Các thầy/cô giáo Bách khoa với năng lực chuyên môn của mình có thể tư vấn về khoa học công nghệ, lĩnh vực sản xuất hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong năm học 2021- 2022, PGS. Bùi Văn Hạnh đã thành công trong việc vận động tài trợ như: Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Daihen, Công ty TNHH OTC Daihen Asia; Xin tài trợ Học bổng Technokom cho sinh viên ngành Công nghệ hàn, 24 suất trong 2 năm, mỗi suất 6 triệu đồng; Dự án PVGAS: Đầu tư mới Phòng thí nghiệm Công nghệ hàn; Xin tài trợ Học bổng PVGAS cho sinh viên ngành Công nghệ hàn, 20 suất/năm, mỗi suất trung bình 5 triệu đồng, bắt đầu từ kỳ 1 năm học 2022 - 2023, kéo dài 5 năm; Hợp đồng Chuyển giao công nghệ hệ thống thiết bị di trượt robot (với vai trò là chủ nhiệm hợp đồng).
Điều khiến PGS. Bùi Văn Hạnh thấy hạnh phúc nhất đó là niềm tự hào khi được đóng góp một chút công sức nhỏ bé giúp cho sinh viên có điều kiện tiếp cận những trang thiết bị hiện đại theo chuẩn quốc tế, giúp ích cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, nâng cao chất lượng đào tạo của toàn Đại học Bách khoa Hà Nội.
Danh hiệu nhà giáo tiêu biểu năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội là một sự ghi nhận, tuyên dương của Nhà trường đối với cá nhân PGS. Bùi Văn Hạnh. Đây là niềm vui đầu xuân mới, đồng thời cũng là động lực để thầy giáo Bùi Văn Hạnh cố gắng tìm thêm những nguồn tài trợ nhiều hơn nữa, tạo thêm nhiều cơ hội cho Đại học Bách khoa Hà Nội đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu, đào tạo.
TS. Phạm Quang Dũng - trưởng nhóm nghiên cứu phát triển các thư viện mã nguồn mở
TS. Phạm Quang Dũng hiện là giảng viên Khoa Khoa học Máy tính, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Lĩnh vực chuyên môn của TS. Phạm Quang Dũng là thuật toán và tối ưu hoá tổ hợp.
TS. Dũng đã có một số công bố khoa học trên các tạp chí và hội nghị quốc tế chuyên ngành. TS. Phạm Quang Dũng là trưởng nhóm nghiên cứu phát triển các thư viện mã nguồn mở (OpenCBLS, CBLSVR) phục vụ cho việc nghiên cứu và phát triển các ứng dụng tối ưu hoá trong lĩnh vực vận tải và kho vận.
Bắt đầu từ năm 2019, TS. Phạm Quang Dũng và nhóm cộng sự đã phát triển một nền tảng phần mềm nhằm nâng cao hiệu quả của việc dạy và học, đặc biệt cho một số môn học liên quan đến lập trình. Nền tảng có các tính năng chính như: Giáo viên đăng tải học liệu (video, slide, bài tập); sinh viên xem học liệu, làm bài tập; tính năng tạo lập và thực thi kỳ thi trắc nghiệm; tính năng tạo lập các kỳ thi lập trình trực tuyến, chấm điểm tự động, kiểm tra việc sao chép mã nguồn; hệ thống giúp tăng hiệu quả tương tác dạy và học của giáo viên và sinh viên.
Tính đến năm 2022, nền tảng phần mềm này đã có hơn 3.000 sinh viên đăng ký tài khoản; nền tảng đã được ứng dụng thành công cho một số kỳ thi trắc nghiệm, thi lập trình thuật toán, lập trình C cơ bản trong 3 học kỳ gần đây.
Nền tảng cũng là công cụ hỗ trợ sinh viên học tập, luyện tập, thực hành: sinh viên hàng ngày kết nối vào nền tảng để học, ôn tập, thực hành một số môn học liên quan đến toán rời rạc, tối ưu hóa, lập trình, thuật toán. Đến nay, nền tảng đã có hơn 30.000 bài lập trình được nộp và chấm điểm tự động, hơn 300.000 lượt làm bài tập trắc nghiệm luyện tập của sinh viên, hơn 14.000 lượt xem video bài giảng.
Điều khiến thầy giáo Phạm Quang Dũng thích nhất là nền tảng này đã được các bạn sinh viên đón nhận, sử dụng và đóng góp các ý kiến quý giá để tiếp tục được hoàn thiện.
Danh hiệu giảng viên tiêu biểu năm 2022 với thầy giáo Phạm Quang Dũng là một sự bất ngờ, nhưng anh cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Thành tích này cũng đặt cho TS. Phạm Quang Dũng mục tiêu phải tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa chất lượng giảng dạy, nghiên cứu trong các năm học tới.
Gia Hân