Cách xưng hô các vị tiền nhân trước đây tại Việt Nam


Thông thường cách ghi các đời sau đời Thủy tổ là: cao cao cao tổ,  cao cao tổ, cao tổ, tằng tổ, tổ, khảo… 

1. Các cụ Tổ xa đời trước ở nước ta trong gia phả thường được ghi như sau:

- Khai cơ sáng thủy 開基創始: Mở ra cơ nghiệp, khai sáng dòng họ; Triệu Tổ 肈祖: Người khai sinh ra dòng họ. 

- Đại Tổ 大祖 hay Thái Tổ 太祖, Viễn Tổ 遠祖, Tị Tổ鼻祖: Cụ Tổ rất xa xưa, cách quãng Tổ Thượng mà chưa thể xác tín được số đời.

- Thượng Tổ 上祖: Người sinh ra cụ Tổ đời thứ nhất, tính từ thời điểm xác định chính xác trong phả hệ.

- Thủy Tổ 始祖, tương tự Đệ nhất Đại Tổ 第一代 祖: Cụ Tổ đời thứ nhất thờ ở từ đường cả họ 大宗祠堂 .

Thông thường cách ghi các đời sau đời Thủy tổ là: cao cao cao tổ,  cao cao tổ, cao tổ, tằng tổ, tổ, khảo…  

2. Còn từ Cụ Tổ mà xác định là khai sinh ra dòng họ ở vùng đó thì xếp là đời thứ Nhất (đệ nhất đại tổ 第一代祖), các thế hệ sau chép thứ tự là đời thứ hai, thứ ba… cho đến ông nội, bố đẻ (nếu đã mất) của người chép phả.

3. Các vị tổ chi theo thứ bậc anh em mà gọi là tổ chi nhất, chi nhị…

Cửu huyền thất tổ 

Đặc biệt tại các vùng đất phương nam, do ảnh hưởng của Đại đạo Tam kỳ phổ độ tòa thánh Tây Ninh, trên bàn thờ  thường có bài vị  “cửu huyền thất tổ “, và lời khấn “cửu huyền thất tổ, nội ngoại hai bên” vậy thất tổ và cửu huyền là gì .

Tranh thờ  Cửu huyền thất tổ

a. Thất Tổ

Thất Tổ là 7vị Tổ sau đây:

7. Thủy/Thỉ  Tổ (Tỷ/ Khảo) Thất Tổ

6. Viễn Tổ (Tỷ/ Khảo) Lục Tổ

5. Tiên Tổ (Tỷ/ Khảo) Ngũ Tổ     

4. Cao Tổ (Tỷ/ Khảo) Tứ Tổ

3. Tằng Tổ (Tỷ/ Khảo) Tam Tổ

2. Nội Tổ (Tỷ/ Khảo) Nhị Tổ

1. Phụ thân (Tỷ/ Khảo) Nhứt Tổ

b. Cửu huyền 

Cửu 九 : số 9 mang nghĩa tột cùng, rất nhiều, tối cao, muôn vàn...

Huyền 玄: màu đen, ảo diệu, sâu xa , huyền hoặc...

Do đó “Cửu huyền” mang ý nghĩa vô lượng và ảo diệu. Ý nói vô lượng tổ tiên đang trong cõi ấy.

Dựa theo lịch sử Trung Quốc thì cuối đời nhà Đường bên Tàu (618-907) tại nước Tiền Thục, có một đạo sĩ nổi tiếng, tên là Đỗ Quang Đình. Ông có viết một quyển kinh , tựa là “Trung Nguyên chúng tu kim lục trai từ”. Trong quyển kinh này có một câu như sau:

“Thần đẳng Cửu huyền thất tổ thụ phúc chư thiên di tộ lưu tường truyền hưu vô cực”.

(Tạm dịch: Cửu huyền thất tổ của chúng thần, thụ phúc từ Chư Thiên, lưu giữ và truyền tiếp không ngưng nghỉ sự thụ phúc ấy đến vô cực cháu con”).

Tổ hợp từ Cửu huyền thất tổ đã ra đời và được các đạo sĩ dùng trong việc “chuyện trò” tại các buổi tụng cầu cúng đấng “Chư Thiên” của mình. Dù mang màu sắc của Đạo giáo, nhưng đấy lại là một tổ hợp từ phản ánh một nội dung đối tượng rất trần thế. Đó là các đời tổ tiên, vừa xa vừa gần, của một chủ thể nhất định. Và các đời tổ tiên này chỉ là những người đã “du” về một “tiên cảnh” nào đó chứ không phải là “đã chết”.

Tóm lại, Cửu huyền thất tổ, vào thuở ban sơ, là một tổ hợp từ do Đạo giáo chế tác bằng cách vay mượn từ ngữ Thất Tổ của đạo Nho kết hợp vào từ ngữ Cửu Huyền vốn từng có trước đó trong Đạo của mình. Khi đã trở thành thuật ngữ mới, đương nhiên là nó phải mang nội dung nghĩa đầu tiên theo quan điểm của Đạo giáo. Sau đó, trong hoàn cảnh tam giáo hợp nhất xảy ra, đạo Phật đã mượn lại tổ hợp từ này từ Đạo giáo. Riêng bản thân Nho giáo thì có vẻ đã chưa từng mượn tổ hợp từ này trong sinh hoạt tế tự nội bộ của mình nhưng lại mượn một điều đặc biệt hơn, quan trọng hơn. Đó là thế giới tâm linh trong tư tưởng của nhà Phật và thế giới siêu thoát thế gian trong tư tưởng của Đạo giáo. Hay nói cách khác, khi tam giáo hợp nhất, đạo Nho bấy giờ cũng như cái vỏ ốc tư duy hóa thạch đang hồi thô ráp rỗng ruột được đổ đầy vào đó tinh thần từ bi bác ái của nhà Phật cùng tinh thần phóng khoáng tự do khinh bạc tung hoành xuất thế của Đạo giáo. Nhưng dù biện giải theo quan điểm tôn giáo của mình như thế nào, giữa Đạo giáo và Phật giáo, thì Cửu huyền thất tổ cũng vẫn là một tổ hợp từ điểm chỉ các thế hệ tổ tiên ông bà đã chết trong quá khứ của mình.

Cách xưng hô 18 đời theo Trung Quốc 

Theo chuẩn Trung Hoa, thứ tự cách xưng hô 18 đời, dựa theo sách Gia lễ, sách Nhĩ nhã (1) , không khác nhiều với cách sử dụng kết hợp Cao tổ, Tằng Tổ quen dùng tại Việt Nam trong các loại gia phả.

Tính từ bản thân trở lên, ta có:

1. Phụ, mẫu (nhất thế tổ) 父,母

2. Tổ, tổ mẫu (nhị thế tổ) 祖

3. Tằng tổ, tằng tổ mẫu (tam thế tổ) 曾祖

4. Cao tổ, cao tổ mẫu (tứ thế tổ) 高祖

5. Thiên tổ, thiên tổ mẫu (ngũ thế tổ) 千祖

6. Liệt tổ, liệt tổ mẫu (lục thế tỏ 列祖

7. Thái tổ, thái mẫu (thất thế tổ). 太祖

8. Viễn tổ mẫu (bát thể tổ). 遠祖

9. Tị tổ tị tổ mẫu (hay thủy tổ 始祖, thủy tổ mẫu) (cửu thế tổ) 鼻祖.

Tính từ chủ xưng trở xuống, ta có:

1. Tử (nhất thế tôn)  子

2. Tôn (nhị thế tôn) 孫

3. Tằng tôn (tam thế tôn) 曾孫

4. Huyền tôn (tứ thế tôn) 玄孫

5. Lai tôn (ngũ thế tôn) 來孫

6. Côn tôn (lục thế tôn) 昆孫

7. Nhưng tôn (thất thế tôn) 仍孫

8. Vân tôn (bát thế tôn) 雲孫

9. Nhĩ tôn (cửu thế tôn) 耳孫

Nếu tính theo chiều từ nhỏ tới lớn, ta có: Nhĩ, vân, nhưng, côn, lai, huyền, tằng, tôn, tử, phụ, tổ, tằng, cao, thiên, liệt, thái, viễn, tị. Do con người khi hình thành bào thai trong bụng mẹ, mũi (tị) là bộ phận xuất hiện đầu tiên, do đó Tị tổ đứng ở vị trí thủy tổ. 

Tính từ chủ thể, các tên gọi được mặc định không cần phụ thêm danh xưng gồm trên 9 đời, dưới 9 đời, tổng gộp là 18 đời, do vậy ta thường nghe câu cửa miệng: tổ tông 18 đời. 

Các quốc gia Nho giáo có truyền thống tứ đại đồng đường, nên trong xưng hô hàng ngày với nhau, trên thường chỉ dùng đến Cao tổ, dưới thường chỉ dùng tới huyền tôn.

……

Chú giải:

 (1) Sách Nhĩ Nhã (爾雅) là bộ tự điển thời cổ đại của Trung quốc, là một trong 13 kinh sách kinh điển (thập tam kinh) của Trung quốc xưa (Tứ thư, ngũ kinh, Lễ kinh, nhĩ nhã...) Nhĩ nghĩa là cận (gần), nhã nghĩa là chính (tức nhã ngôn - lời nói nhã nhặn), nên Nhĩ Nhã nghĩa là cận chính, tức là tiếp cận với quy cách ăn nói sao cho nhã nhặn, đúng mực. 

Bảng thân xưng họ hàng thân thích 9 đời  theo "Nhĩ Nhã", mục "Thân thích".

Lâm Hoài Phương

Bài viết mới
Cách xưng hô các vị tiền nhân trước đây tại Việt Nam