Đền Thượng Sơn Đồng thuộc địa phận xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Đền Thượng ở phía sau Chùa Diên Phúc
Đền Thượng vốn là đền chung của 2 thôn Nội và Ngoại. Trước đây, 2 thôn này thuộc xã Sơn Đồng, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.
Đền Thượng ở phía sau chùa Diên Phúc.
Đền quay hướng nam, các thành phần kết cấu tạo kiểu chữ “môn”, một dạng kết cấu rất ít gặp gồm Đại bái và Hậu cung phía sau. Hai bên sân có dãy Tả hữu mạc đối xứng. Toà Đại bái gồm 7 gian với 2 mái chảy. Đầu hồi có thêm gian chái hai lớp mái ngắn để tránh mưa nắng xuyên thẳng vào di tích. Các bộ vì làm khá đơn giản, với kiểu “vì kèo”, ít chạm khắc trang trí.
Trên câu đầu bên trái ghi năm khởi dựng vào triều Nguyễn, niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914) và câu đầu bên phải lại cho biết hai thôn cùng tu sửa nâng cao nền. Sau Đại bái là khoảng sân lọng rồi đền Hậu cung với 3 gian nhỏ với 4 mái chảy, các góc mái đắp đạo. Vào bên trong, các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường” trên 4 hàng chân. Tại Hậu cung cũng ít trang trí các hoạ tiết hoa văn, chỉ đáng chú ý là vách ngăn phía trước gian giữa làm lùi từ cột cái về phía sau cột quân làm cung cấm, chính ở cung cấm này lưu giữ một ít dấu tích kiến trúc cũ, các mảng chạm khắc này là sự thể hiện phong cách nghệ thuật chuyển tiếp từ thế kỷ XVII sang thế kỷ XVIII. Đó là bức ván mỏng chạm lộng rồng ổ mẹ con quấn quýt, cúc hoá long xen kẽ là mây, đao lửa với phong cách khoẻ khoắn, viền cửa khám phía trên chạm rồng chầu mặt nguyệt rồi cúc hoá long và những con thú nhỏ như lân, phía dưới cả một ổ lân con. Phần ngưỡng cửa cốn các mắt của hình hoa tám cánh... Chính giữa khám thờ là nơi đặt tượng đức thánh và bộ long ngai bài vị mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Dãy tả, hữu mạc ngoài sân được làm khá đơn giản, trên câu đầu nhà tả mạc ghi rõ do thôn Nội làm lại vào tháng 5 nhuận, năm Giáp Dần, niên hiệu Duy Tân thứ 8 (1914), câu đầu nhà hữu mạc cũng ghi như vậy nhưng do thôn Ngoại làm.
Tượng Thánh Đền Thượng (huý danh Đào Trực) – danh nhân thế kỷ thứ X
Đền Thượng Sơn Đồng còn lưu giữ 2 nghê đá trên ban thờ cung cấm, chiếc hương án chạm khắc tứ linh, đôi hạc thờ ở Đại bái... Ngoài ra còn nhiều bức hoành phi có nội dung tôn vinh đức thánh. Bản thần phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) cho biết thành hoàng là quan Thái phi Đào Trực, người có công giúp vua Lê Đại Hành (980 - 1005) đánh thắng quân xâm lược nhà Tống do Hầu Nhân Bảo cầm đầu. Sau khi dẹp xong giặc, Đào Trực về quê dạy học cho con em trong làng. Ngọc phả còn cho biết ngôi đền dựng vào năm 1485, vốn chỉ là một thảo am nhỏ, tranh tre nứa lá, đến khi vua Lê Thái Tổ (1428 - 1433) ban vàng bạc thì dân làng mới dựng lại thành một ngôi đền lớn. Tuy nhiên, kiến trúc hiện tại vẫn thuộc đầu thế kỷ XX, chỉ còn ít các bộ phận của đền cũ thuộc thế kỷ XVII mà thôi.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02