TP - Kỳ là lạ. Nhân, người! Người lạ! Đại loại thế. Xứ mình có lẽ hơi bị hiếm vị GS, Tổng Biên tập nào được Tướng Giáp thân mật gọi là “Trưởng lão làng báo” Rồi chỉ chịu ngưng cái sự viết lách nghiên cứu ở tuổi 95. Rồi 97 tuổi mới chịu rời cõi tạm…
GS Đào Nguyên Cát (phải) trong một sự kiện do Thời báo Kinh tế VN tổ chức
Trong nhóm báo chí tháp tùng những chuyến công cán nước ngoài năm xa của lãnh đạo nước mình hầu hết là những phóng viên tầm tuổi trẻ hoặc trung niên. Để ý nhõn có cụ Phạm Khắc Lãm (chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2005 của Thủ tướng Phan Văn Khải).
Cụ Lãm hồi ấy thuộc loại cao niên tuổi quá thất thập. Và cụ chỉ can dự mỗi lần đi Mỹ đó thôi. Nhưng có một vị cao lão hơn cụ Lãm là Tổng Biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam, cụ Đào Nguyên Cát, tôi nhớ mang máng có gần chục lần.
Lần ấy tháp tùng Thủ tướng thăm và làm việc với Bỉ và EU. Ban tổ chức bố trí chỗ ở cho cụ Cát một phòng VIP. Chả phải ưu ái gì, mà tiền cả đấy. Đâu như non 500 ơ - Euro/1 ngày đêm. Tiền cụ Cát phải trả đấy ạ. Tất nhiên tiền của Thời báo kinh tế Việt Nam.
Tôi đứng bên. Chứng kiến nhà báo lão thành Đào Nguyên Cát xục bàn tay vào mái tóc hồi ấy còn muối tiêu giọng ngần ngừ với một thành viên trong BTC: “Các đồng chí có cách nào không? To tiền quá”; “Bác thông cảm quy định của BTC chỉ đài thọ tiền phòng và ăn ở cho TTXVN, Báo Nhân Dân, Truyền hình TƯ và Báo QĐND. Còn các báo khác đi theo thì phải tự túc kinh phí”; “Có loại phòng giá mềm hơn không?” “Không, đồng loạt thế bác ạ!”.
Thế là bác Cát nhà ta đành phải bấm bụng. Tôi nhẩm nhanh một con tính. Cứ cho mỗi ngày bác Cát viết một bài báo đi thì giá thành quy thóc mỗi bài phải cỡ năm triệu đồng tiền Việt! Công nhận khoản tài chánh Thời báo kinh tế chơi trội thật.
… Tiếng chuông điện thoại đổ dồn. Tôi mắt nhắm mắt mở cầm lấy ống nghe. Khuya khoắt này? Đầu dây bên kia là giọng cụ Cát “Cậu sang tớ tí”. Ông già có chuyện gì gấp mới phải gọi như này?
… Quả phòng non 500 ơ có khác. Hai giường thênh thang. Hun hút choáng lộn chỗ tắm nhà vệ sinh… Cụ Cát khoát rộng vòng tay “Như cái đình mày ạ. Mày sang với tao cho vui”. Có lẽ lệch múi giờ và gì gì nữa nên đêm đó tôi với cụ trắng phớ giấc ngủ.
Có cái lạ là chuyện nhà cùng quê kiểng hình như nó gợi nó rành rẽ sinh sắc mỗi khi ta cách quãng? Như cụ Cát với tôi đang nằm ở Brussels chẳng hạn. Như cụ đang rủ rỉ về cái làng quê Cổ Am xứ Phòng của cụ.
Có tới mười mấy Am cái làng quê của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Rồi những ngày ở Chiến khu Việt Bắc, chàng trai đất Cổ Am Đào Nguyên Cát trong đội hình “quân” của Ban Tuyên giáo T.Ư. Chả phải thi thoảng nữa mà gần như vài ngày lại gặp gỡ do công việc với các yếu nhân những Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Tố Hữu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Võ Nguyên Giáp, cả tướng Nguyễn Sơn nữa. Lần đó đang báo cáo công việc với ông Trường Chinh thì Cụ Hồ đến. Chú làm gì ở đây? Ông Trường Chinh ngạc nhiên thời điểm ấy ông mới hay Bác Hồ đã biết Đào Nguyên Cát trước đó do công việc. Rồi thời gian đi học ở Max-cơ-va, Đào Nguyên Cát cũng được gần Bác…
Và lần đó, đêm ấy ở Brussels, tôi đã biết được sự xuất hiện tờ Thời báo kinh tế Việt Nam ra sao. Trước lúc về hưu GS Đào Nguyên Cát có chân trong Hội Khoa học Kinh tế. GS Trần Phương bảo, Hội Khoa học Kinh tế cần ra một tờ báo và “không có ai thay ông đâu, ông phải làm thôi!”.
Thế là những ngày thường tưởng như hiu hắt đã cháy lên! Khởi đầu năm 1991 là tờ “Thông tin kinh tế”. Tới năm 1992, mình thấy công cuộc Đổi Mới diễn ra nhanh chóng quá, tờ báo của mình chỉ là thông tin kinh tế thôi thì chưa được, ông kể. Rồi quyết định làm tờ lớn hơn “Thời báo Kinh tế” (TBKT). Vụ trưởng Vụ Báo chí Lưu Văn Hân nghe ông Cát giải trình các thủ tục ra TBKT cười “Sao anh không thêm hai chữ Việt Nam vào cho nó oách?”.
Rồi kể sao hết những ngày gian nan. Ông Cát đã dùng nhà riêng của mình làm tòa soạn. Cơ sở vật chất chỉ có… hai chiếc bàn cũ. Vợ ông đảm nhận việc lao công quét dọn, con cả thì làm kế toán, con thứ thì làm phóng viên. Ông kêu gọi bạn bè thân hữu viết bài hộ, nhuận bút thì… “chịu”, khi nào có tiền thì trả!
Năm 1993, được coi là điểm nhấn là cú đột phá để TBKTVN ký hợp đồng làm ăn với Tập đoàn Xuất bản Ringgers AG của Thụy Sĩ.
Không hiểu bằng cách nào mà GS Đào Nguyên Cát tiếp cận được với Tập đoàn xuất bản đa quốc gia có quy mô lớn nhất và có uy tín nhất châu Âu này. Thương hiệu Tập đoàn này khỏi nói! Bởi cứ 100 ấn phẩm xuất bản ở châu Âu thì có đến 70 tác phẩm đóng dấu tên của Ringier AG. Tác giả nào được Ringier AG xuất bản tác phẩm thì đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là minh chứng khẳng định tên tuổi.
Thế mà Ringier AG đã để ý đến Đào Nguyên Cát, để ý đến tòa soạn chỉ có hai bộ bàn ghế của ông, để ý đến tờ báo kinh tế tại một đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, còn đang thời kỳ bao cấp.
Để có được mối lương duyên ấy có rất nhiều việc phải làm. Có một chuyện hy hữu. Ấy là chỉ trong một đêm, GS Đào Nguyên Cát đã “chạy” được đủ 13 chữ ký của 13 vị Ủy viên Bộ Chính trị đương thời để kết thành mối lương duyên giữa Thời báo Kinh tế Việt Nam và Tập đoàn Xuất bản Ringier AG.
Tờ báo phải nói lên được những vấn đề thiết thân nhất của người Việt, của nền kinh tế Việt. Phải có được sự độc lập cần thiết ngay cả khi hợp tác với nước ngoài.
Nhớ lại chữ “Oách” mà ông Vụ trưởng Lưu Văn Hân động viên GS Cát. Mà oách thật! TBKTVN dần chững chạc và sang trọng trên thị trường và mặt bằng báo chí. Từ Tổng biên tập “3 không”: “không tiền, không tòa soạn, không bộ máy” ông đã cùng các cộng sự TBKTVN từng bước xây dựng nên một tổ hợp báo chí – truyền thông lớn mạnh. Đi từ hai bàn tay trắng, một tay GS Cát đã xây dựng TBKTVN có cơ sở vật chất với 3 trụ sở tòa soạn ở cả 2 miền, có đội ngũ làm báo trên 250 người. Đế chế của GS Cát là gần chục sản phẩm báo chí, xuất bản sang trọng và tên tuổi như TBKTVN ra hằng ngày, Tư vấn Tiêu & Dùng, Vietnam Economic Times, The Guide (bằng tiếng Anh - Nhật - Trung), VnEconomy Online, Niên giám Kinh tế Việt Nam, Kỷ yếu đầu tư nước ngoài, Trang vàng thương hiệu lần lượt được người đọc tiếp nhận và hoan nghênh! TBKTVN đã tổ chức nhiều hoạt động có tiếng vang Chương trình Rồng Vàng, Thương hiệu mạnh, The Guide, Tin & Dùng, cùng với các hội thảo, triển lãm, tổ chức các giải thể thao…
Ông dùng lính dùng người như nào? Hình như chả giống ai? GS Cát sử dụng cả hai trường phái được coi là “vênh váo” trong báo chí: siêu “bảo thủ” và siêu cách tân. Về TBKTVN có không ít những GS, viện sĩ kinh tế hàng đầu trong nước. Họ được đào tạo bài bản tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới và là những cây bút chính trị cự phách như TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, TS Lê Xuân Nghĩa (sau này là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh)…
Đội ngũ viết lách không chỉ có các học giả. GS Đào Nguyên Cát sẵn sàng nhận những phóng viên mới tốt nghiệp đại học. Chẳng phải nhận bừa mà ông “đọc” được ở họ đương le lói thiên lương của lối tư duy táo bạo, sáng tạo. Phẩm chất ấy rất cần cho nghề báo!
Và ông nuôi lính nuôi quân như nào? Lại cũng chẳng giống ai! Thời điểm năm 1993, mức lương của một PV cứng được Ringier AG ký trả là 3 “vé”, tương đương với gần 13 triệu đồng. Đến tay GS Cát, ông chỉ trả cho PV này mức lương cứng hằng tháng là… 3 triệu đồng, còn lại là hoán đổi thành tiền thưởng năng suất, thưởng bài hay cùng những đóng góp đặc biệt khác. Vẫn là gần 13 triệu/tháng nhưng chỉ đơn giản là thay đổi cách gọi tên những khoản lương ấy thôi đã tạo ra những tác dụng đặc biệt, kích thích nhân viên sáng tạo hăng say hơn gấp nhiều lần.
GS Đào Nguyên Cát
Những tưởng đã đóng khung đã an phận đã định hình một TBT Đào Nguyên Cát, nhưng sau này tôi vẫn bất ngờ với ông già người manh mảnh chất giọng rủ rỉ cố hữu có nụ cười dịu dàng kia như tiềm ẩn những bí ẩn? Hơi bị lạ! Cung cách Đào Nguyên Cát, như lan tỏa và truyền đi thứ năng lượng tích cực nào đó? Thứ năng lượng ấy nó khiến đối tượng dễ bị… thuyết phục?
Ở tuổi thất thập, rồi bát thập, cho đến cả cửu thập, GS Đào Nguyên Cát lần lượt gầy dựng và tham gia quản trị những Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT), Chủ tịch HĐQT HUBT; Phó chủ tịch Trung ương Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam (cơ quan chủ quản của TBKTVN) vv…
Trong chuyến công cán xứ người lần ấy, tôi có dịp thoáng trong cuốn sổ biên việc của cụ. Toàn bộ chuyến thăm và làm việc với EU của Thủ tướng mà GS Đào Nguyên Cát chỉ gạch có 3 cái đầu dòng!
Tôi đếm chừng chỉ hơn trăm chữ cả thẩy.
Khi ấy mới chỉ láng máng ngạc nhiên cùng là lạ? Có thể tư duy của một cây bút từng chuyên lý luận gặp gỡ ăn ý với tư duy báo chí?
Và bằng cách nào đó khá là nhanh nhạy, ông đã sử dụng đội ngũ quân cán của mình triển khai ý tưởng ấy trên mặt báo. Chưa hết ông còn sẻ chia ý tưởng ấy với những CTV, những nhà nghiên cứu tên tuổi (có cả học giả nước ngoài cộng tác lâu nay của TBKTVN) triển khai những bài viết, mảng miếng này khác khá bắt mắt trên tờ báo của mình!
Thế mà đã không ít người đã nghĩ vội, nghĩ oan về GS Đào Nguyên Cát. Rằng cái týp như GS xuất thân là dân… tuyên giáo! Dẫu có điều kiện được tiếp cận với cự ly gần với các “ đấng’’ này khác ở xứ “ thiêng” Việt Bắc thì rất khó tránh được lối tư duy máy móc, giáo điều (!?) khó mà tiếp thu hòa nhập với xu thế trào lưu đổi mới?
Một số ấn phẩm của Thời báo Kinh tế Việt Nam
Và có lẽ cũng nghĩ thêm nghĩ nhiều là bằng cách nào đó, với methoque (phương cách- mánh) mà “thủ lĩnh” Đào Nguyên Cát đã tập hợp được các cộng sự tự nguyện chia lòng chia trí với mình?
Tôi có tò mò nài thêm GS hé khoản thù lao, nhuận bút? Bất ngờ thấy cũng chả nhô, nhỉnh so với mặt bằng chung là bao? Ngạc nhiên thêm khi biết, có nhiều vị CTV đã từ chối nhuận bút từ những ấn phẩm của TBKTVN! Tôi láng máng GS và BBT có kiểu thu phục lòng người khác kiểu phóng tài hóa thu nhân tâm chăng?
Lần ấy, nhân Ngày Báo chí VN, làng báo có cuộc bình chọn đã tôn vinh GS Đào Nguyên Cát có 4 cái nhất. Tổng biên tập già nhất thế giới (năm ấy ông 90 tuổi); giữ chức Tổng biên tập lâu nhất thế giới, hơn 60 năm. Qua nhiều cơ quan báo chí nhất: hơn 10 tờ báo, tạp chí. Cái nhất còn lại hình như vị cao niên này lại được… giới nữ, giới chị em mến mộ nhất!
Bởi chả thấy cụ đăm đăm nhăn nhó mà luôn thường trực tở mở dịu dàng cái cười trên khuôn mặt hơi bị khó đoán tuổi. Tôi thầm sẻ chia niềm hạnh phúc, trước nhất là người vợ thủy chung và những người thân thuộc phái nữ của cụ. Bởi may mắn họ có được người chồng người cha rất mực… dịu dàng mát tính. Với các cộng sự quân cán phái nữ, GS luôn tạo dựng được không khí hòa đồng thân ái.
Mồ côi cha lúc lên 4. Chợt nhớ câu của thi hào Nguyễn Khuyến “Tuổi là tuổi của gia tiên/ Thế nên thày được hưởng niên lâu ngày”. Rõ ra là GS Đào Nguyên Cát không có cái may được hưởng cái gene thọ của ông cụ thân sinh. Tôi ngờ rằng bí quyết, bí ẩn enzim nào đó bầu nên tuổi thọ phải chăng GS luôn là con người ham hoạt động ham học hỏi và cân bằng mình bằng sự chia lòng chia trí hòa đồng với cộng sự cùng anh em đồng chí? Mà thuật ngữ ngạch lão khoa gọi nôm na là phép vệ sinh trí não?
Xuân Ba